Cụ thể, trong số các ca mắc mới được ghi nhận, TP. Biên Hòa có 56 ca, chủ yếu liên quan đến ổ dịch Công ty Changshin; huyện Vĩnh Cửu 32 ca, tập trung ở xã Thạnh Phú, liên quan đến Công ty Changshin; huyện Thống Nhất 32 ca; huyện Nhơn Trạch 25 ca; TP. Long Khánh 6 ca…
Tính đến nay, tổng số ca COVID-19 trong đợt dịch thứ tư trên địa bàn tỉnh là 1.190 ca.
Ngành y tế địa phương nhận định, sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều ca dương tính mới liên quan đến ổ dịch tại Công ty Changshin, trong các đối tượng là người buôn bán xung quanh công ty, các F1 và công nhân ở các khu nhà trọ tại xã Thạnh Phú, phường Trảng Dài và một số xã, phường khác. Dự báo, số ca liên quan đến ổ dịch này sẽ tăng cao, khả năng đã có sự xâm nhập vào các doanh nghiệp trong khu vực thông qua công nhân ở trọ tại khu vực này.
Tiếp tục ghi nhận các ca mới trong một số doanh nghiệp ở TP. Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch…, dẫn đến nguy cơ cao xuất hiện các ổ dịch mới trong các doanh nghiệp.
Đã ghi nhận vài ca là người buôn bán, vận chuyển hàng hóa liên quan đến chợ Long Khánh, khả năng đã có ổ dịch tại chợ này.
Những ngày gần đây, thông qua test nhanh đã phát hiện nhiều ca dương tính mới rải rác trong cộng đồng ở nhiều địa phương trong tỉnh. Như vậy, nguồn lây nhiễm trong cộng đồng đã khá phức tạp, dịch sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng lan rộng, khó kiểm soát. Số ca bệnh diễn biến nặng tăng, nguy cơ số tử vong tăng, gây áp lực cho các khu điều trị và khu cách ly.
Đến thời điểm này, đã ghi nhận gần 20 nhân viên y tế tại 3 bệnh viện, 1 Trung tâm y tế và 1 khu cách ly nhiễm bệnh, nguy cơ không bảo đảm được nguồn nhân lực ngành y tế trong điều kiện số ca bệnh tăng.
Các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục tập trung truy vết nhanh ở các địa phương liên quan đến ổ dịch tại công ty Changshin và các ổ dịch khác; tăng cường tầm soát bằng test nhanh trong các doanh nghiệp, khu nhà trọ, chợ.
Bên cạnh đó, sẽ xem xét triển khai các bệnh viện quy mô giường bệnh lớn nhằm tập trung nhân lực và trang thiết bị trong điều kiện nhân lực ngành y tế đang bị dàn mỏng. Triển khai việc cách ly F1 tại nhà vì số lượng F1 ngày càng đông trong khi các khu cách ly tập trung còn hạn chế.
Đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động
Nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai đã đăng ký mua hàng nghìn liều vaccine để tiêm phòng COVID-19 cho người lao động (NLĐ) trực tiếp sản xuất. Ngoài ra, theo thống kê của Ban quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, tính đến nay đã có 356 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký nhu cầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 3.057 chuyên gia, lao động ngước ngoài. Trong đó, có 1.173 nhà quản lý, 1.501 chuyên gia và 385 lao động kỹ thuật.
Trước đó, để đảm bảo sức khoẻ NLĐ và kiểm soát dịch bệnh trong doanh nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã có văn bản đề nghị tất cả doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp phải tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho 100% NLĐ. Doanh nghiệp có thể tự thực hiện hoặc thông qua các cơ quan, đơn vị chức năng.
Bên cạnh đó, yêu cầu toàn bộ doanh nghiệp trong khu công nghiệp tổ chức sản xuất, triển khai thực hiện một trong 2 phương án gồm "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 địa điểm". Trong đó, "3 tại chỗ" là sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ (tạm lưu trú tập trung trong doanh nghiệp); còn "1 cung đường" là đường vận chuyển công nhân từ nơi lưu trú đến nơi sản xuất, "2 địa điểm" là nơi lưu trú của NLĐ và nơi sản xuất của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp sắp xếp, điều chỉnh hợp lý quy mô sản xuất, đáp ứng yêu cầu giãn cách người lao động phù hợp nhất, thực hiện tốt phương án phòng dịch. Khuyến khích các doanh nghiệp không thực hiện các phương án trên có thể xem xét, yêu cầu dừng hoạt động. Các địa điểm nhà xưởng cho thuê còn trống trong khu công nghiệp ưu tiên doanh nghiệp bên trong thuê tạm trú.
PV
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị