Chuyến tàu cao tốc đầu tiên đã rời Tiền Giang đưa trái cây về TPHCM
Trung Chánh
(KTSG Online) – Ngày 19-7, hai tàu cao tốc đã cập bến phà tạm Rạch Miễu, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang để đưa rau củ quả từ địa phương này về TPHCM, trong đó, đến 13 giờ cùng ngày, đã có một chuyến xuất bến. Đây là hai chuyến tàu đầu tiên trong kế hoạch vận chuyển hàng hóa thiết yếu từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về TPHCM trong thời gian các địa phương này thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
TPHCM muốn dùng tàu cao tốc đường thủy chở rau, củ từ ĐBSCL
Tàu cao tốc cập bến phà tạm Rạch Miễu, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang lấy rau củ về TPHCM. Ảnh: Minh Thành |
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang, cho biết chuyến hàng đầu tiên là rau củ quả của tỉnh Tiền Giang. “Việc sử dụng tàu cao tốc vận chuyển hàng hóa thiết yếu là do Sở Giao thông Vận tải TPHCM đề xuất”, ông Bon nói. Ông cho biết việc này cũng đã có sự thống nhất của Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Tiền Giang và một số địa phương khác như Bến Tre, Vĩnh Long, Long An.
Theo ông Bon, lúc 13 giờ hôm nay, 19-7, tàu SG 8231 đã rời bến tại tỉnh Tiền Giang mang theo 8,2 tấn trái cây về lại TPHCM để phục vụ nhu cầu người dân. Chuyến tàu còn lại chờ đủ hàng hoá sẽ xuất bến sau.
Trước mắt, việc vận chuyển hàng hoá thiết yếu bằng tàu cao tốc chỉ thực hiện trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. “Nếu việc vận chuyển này hiệu quả, giữa các địa phương sẽ tính toán và xem xét tổ chức lại”, ông Bon nói.
Ngoài cập bến phà tạm Rạch Miễu của tỉnh Tiền Giang, sắp tới, các chuyến tàu cao tốc của Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP (TPHCM) sẽ vận chuyển hàng hóa đi từ các cảng, bến thủy nội địa tại các tỉnh Long An, Bến Tre và Vĩnh Long. Sau đó, tàu sẽ cập bến Bạch Đằng (TP.HCM). Mỗi chuyến tàu cao tốc có sức chở trung bình khoảng 20 tấn hàng hóa.
Sản phẩm được đưa lên tàu cao tốc tại bến phà tạm Rạch Miễu. Ảnh: Minh Thành |
Ông Nguyễn Quang Khải, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Vĩnh Long, cho biết đơn vị này đã có công văn gửi Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cùng phối hợp triển khai việc đưa hàng hoá từ địa phương này đến TPHCM bằng tàu cao tốc.
Theo ông Khải, về nguồn hàng, số lượng sẽ do Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long và TPHCM kết nối. Khi có đủ số lượng, đơn vị sẽ liên hệ Sở Giao thông Vận tải TPHCM để cung cấp địa điểm và thời gian vận chuyển.
Trong suốt quá trình di chuyển từ các cảng, bến thủy nội địa của các địa phương ĐBSCL đến bến Bạch Đằng (TPHCM) và ngược lại, tàu cao tốc không được dừng dọc đường. Sau mỗi chuyến vận chuyển hàng hóa, phương tiện sẽ được phun khử khuẩn toàn bộ trước khi khởi hành chuyến mới.