Đó là những thông số tổng hợp về hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước trong bản báo cáo về "sức khoẻ" các ngân hàng mà Chính phủ gửi Quốc hội.
Khối Ngân hàng thương mại nhà nước, bao gồm: Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank); Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank); và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Năm 2019, vấn đề nâng cao năng lực tài chính là vấn đề trọng tâm lớn của cả khối ngân hàng thương mại nhà nước, hiện tại phương án tăng vốn của các ngân hàng chưa được phê duyệt đã ảnh hưởng tới dư địa tăng trưởng của các ngân hàng cũng như áp lực tăng chi phí vốn do thực hiện các biện pháp bù đắp nhu cầu nâng cao năng lực tài chính như phát hành trái phiếu thứ cấp, tăng nguồn tiền gửi trung dài hạn. Do đó, cơ cấu dư nợ chuyển dịch rất tích cực theo đồng tiền và kỳ hạn. Cơ cấu tín dụng tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích của Chính phủ và các phân khúc có khả năng sinh lời cao.
NỢ XẤU GIẢM, GIÁ TRỊ CHỨNG KHOÁN TĂNG MẠNH LÊN 568.940
Theo báo cáo hợp nhất có kiểm toán, đến cuối năm 2019, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu (tổng nguồn vốn) của khối ngân hàng thương mại nhà nước đạt 5.405.766 tỷ đồng, tăng 572.136,6 tỷ đồng (11,8%) so với năm trước, cơ cấu nguồn vốn huy động chuyển dịch theo hướng tăng tăng tỷ trọng ở nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư, phát hành giấy tờ có giá và giảm ở tiền gửi, tiền vay tổ chức tín dụng khác và các khoản nợ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, các khoản nợ Chính phủ và Ngân hàng nhà nước đạt 313.881 tỷ đồng, tăng 4.778 tỷ đồng (1,5%); Tiền gửi của khách hàng đạt 4.204.772 tỷ đồng, tăng 483.748 tỷ đồng (13%) so với cuối năm 2018…
Đến cuối năm 2019, dư nợ cho vay khách hàng đạt 3.910.379 tỷ đồng, tăng 418.406 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2018. Chất lượng tín dụng được đảm bảo, nợ xấu năm 2019 là 53.654 tỷ đồng, chiếm 1,37% so với tổng dư nợ cho vay khách hàng, giảm 0,2% so cuối năm 2018.
Về hoạt động đầu tư, đến cuối năm 2019, tổng số dư các khoản chứng khoán đầu tư, chứng khoán kinh doanh của khối ngân hàng thương mại nhà nước là 568.940 tỷ đồng (không tính dự phòng rủi ro), tăng 20.398 tỷ đồng (3,71%) so với năm trước.
Trong đó, chứng khoán kinh doanh là 12.333 tỷ đồng, tăng 5.536 tỷ đồng ( 81,5%); Chứng khoán đầu tư đạt 556.607 tỷ đồng, tăng 14.861 tỷ đồng (2,7%) so cuối năm 2018.
Về chất lượng tài sản, báo cáo của Chính phủ cho hay dư nợ nhóm 2 của khối ngân hàng thương mại nhà nước đạt 66.520 tỷ đồng, chiếm 1,7% tổng dư nợ, tăng 1.002 tỷ đồng (1,5%) so cuối năm 2018.
Tổng nợ xấu (nợ nhóm 3,4,5) là 53.654 tỷ đồng, giảm 1.163 tỷ đồng (-2,1%) so cuối năm 2018; tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay ở mức 1,37%.
Đến cuối năm 2019, tổng số dư các khoản nợ được cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định là: 6.750 tỷ đồng, giảm 9.837 tỷ đồng so với cuối năm 2018, trong đó các ngân hàng đều giảm dần số dư các khoản nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ (Vietinbank giảm 8.559 tỷ đồng; Agribank giảm 962,3 tỷ đồng và Vietcombank giảm 315 tỷ đồng).
Theo báo cáo của các ngân hàng về các khoản đầu tư, phải thu khó có khả năng thu hồi đến cuối năm 2019, có Agribank phát sinh các khoản phải thu khó có khả năng thu hồi, không có tài sản bảo đảm với số dư 903 tỷ đồng, tăng 563,8 tỷ đồng so với cuối năm 2018.
Tổng số nợ xấu của các ngân hàng thương mại nhà nước được xử lý trong năm 2019 đạt 62.862,4 tỷ đồng, giảm 28.368 tỷ đồng (31,09%); trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro năm 2019 là 44.995 tỷ đồng, giảm 14.061 tỷ đồng (-23,8%) so cuối năm 2018.
Cũng trong năm 2019, khối ngân hàng này đã trích lập dự phòng rủi ro là 56.669 tỷ đồng, vượt kế hoạch Ngân hàng nhà nước giao về trích lập dự phòng tại kế hoạch kinh doanh năm 2019 cho các ngân hàng.
DOANH THU VÀ LỢI NHUẬN TĂNG KHỦNG
Năm 2019, khối ngân hàng thương mại nhà nước có tổng thu nhập đạt 437.408 tỷ đồng, tăng 60.507 tỷ đồng (16%) so với 2018.
Lợi nhuận sau thuế đạt 47.798 tỷ đồng, tăng 14.649,7 tỷ đồng (44,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) thời điểm cuối năm 2019 đạt 15,66%; Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản (ROA) đạt 0,88%.
Trong năm 2019, có 3/4 ngân hàng thực hiện thoái vốn tại 6 doanh nghiệp, tổ chức khác không phải là tổ chức tín dụng thu về số tiền 985,3 tỷ đồng. trong đó: BIDV 2,3 tỷ đồng, Vietcombank 95,9 tỷ đồng và Vietinbank là 887,1 tỷ đồng.
"Vốn đầu tư Nhà nước tiếp tục được bảo toàn và sinh lời. Vốn chủ sở hữu đạt tăng khoảng 26% so với cuối năm 2018, trong đó vốn điều lệ tăng 7.263 tỷ đồng (5,3%) so cuối năm 2018", báo cáo của Chính phủ viết.
Về việc tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước, báo cáo của Chính phủ cho hay, với thực trạng tài chính như hiện tại và nhu cầu vốn tự có để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định, nhu cầu tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước là rất cấp thiết, đặc biệt trong thời gian tới, các ngân hàng thực hiện áp dụng chuẩn Basel II theo Thông tư 41 và đáp ứng tiêu chuẩn của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nhằm giữ mức xếp hạng tín nhiệm hiện tại.