Ngày 19-7, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã kí công văn khẩn gửi các đơn vị liên quan về việc tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn.
Công văn cho biết, trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19 hiện đã có ba chợ đầu mối, hơn 2/3 chợ truyền thống và một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi tạm ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp an toàn phòng chống dịch.
"Việc cung ứng phân phối hàng hóa cho người dân thành phố tập trung vào kênh phân phối hiện đại làm gia tăng áp lực và tạo nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh
Trước tình hình trên, việc nhanh chóng tổ chức lại các điểm cung ứng hàng hóa tại địa phương với phương thức phù hợp trên cơ sở rà soát, khôi phục và đưa vào hoạt động trở lại các điểm bán mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tại chợ truyền thống trong điều kiện an toàn là hết sức cần thiết", công văn nêu rõ.
Nhân viên chợ Bình Thới quét mã QR code trên thẻ đi chợ . Ảnh: TÚ UYÊN
Nhằm tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo lưu thông cung ứng đầy đủ hàng thiết yếu kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng người dân thành phố, UBND TP.HCM yêu cầu các Sở ngành, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp.
Cụ thể Sở Công Thương nghiên cứu hướng dẫn tổ chức các hoạt động các chợ truyền thống; tổ chức các điểm bán thực phẩm tươi sống, hàng hóa thiết yếu tại các chợ hiện đang tạm ngưng hoạt động với hình thức phù hợp đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Hỗ trợ kết nối cung cấp thông tin, địa chỉ liên hệ đầu mối cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu (trong đó ưu tiên đối với các mặt hàng tươi sống rau củ quả) đến các địa phương, đơn vị quản lý chợ, tiểu thương các chợ truyền thống có nhu cầu đặt hàng với các phương thức cung ứng hàng hóa phù hợp.
Tiếp tục phối hợp UBND thành phố Thủ Đức, huyện Hóc Môn, các công ty quản lý chợ đầu mối đẩy nhanh việc triển khai phương án điều tiết hàng hóa tại các điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời tại chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn. Hỗ trợ kết nối thương nhân chợ đầu mối với tiểu thương chợ truyền thống để kết nối giao dịch và tổ chức phương thức cung ứng hàng hóa phù hợp.
Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động của chợ truyền thống. Nhanh chóng tổ chức đánh giá kết quả thực hiện thí điểm, hiệu chỉnh và triển khai nhân rộng đến các chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu UBND thành phố Thủ Đức, các quận huyện rà soát, đánh giá hiện trạng tổ chức hoạt động, thực hiện đầy đủ các phương án phòng, chống dịch COVID-19 của các chợ truyền thống đang hoạt động. Nhanh chóng xây dựng phương án tổ chức các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng tươi sống tại các chợ hiện đang tạm ngưng hoạt động…Phương án gửi về UBND thông qua Sở Công Thương trước ngày 23-7.
Chợ Phước Long, quận 7 đã chuẩn bị phương án sẵn sàng chờ ngày được phép mở cửa trở lại.
Đối với các chợ có mật độ mua sắm đông, các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, đơn vị quản lý chợ căn cứ tình hình thực tế, rà soát tổng thể các khu vực bán hàng để có phương án điều tiết phù hợp đảm bảo thực hiện giảm mật độ mua sắm, giữ khoảng cách an toàn.
Bên cạnh đó, tính toán, nghiên cứu thực hiện phương án phát phiếu vào chợ để hạn chế người vào (áp dụng tùy theo quy mô chợ). Bố trí các vách ngăn giữa các hộ tiểu thương, gian bán hàng, giữa người bán và người mua, phân luồng lối đi. Tổ chức cho thương nhân kinh doanh theo hình thức luân phiên, xen kẽ.
Đồng thời hướng dẫn tiểu thương chủ động chuẩn bị nguồn hàng, phân chia sẵn, đóng gói sản phẩm theo quy cách đồng giá để giúp việc mua bán được nhanh chóng, hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người bán người mua. Nghiên cứu, khuyến khích các thương nhân tổ chức bán hàng trực tuyến, bán hàng qua điện thoại; chuyển hàng trực tiếp đến các đầu mối tiêu thụ và các hình thức phù hợp khác để hạn chế tình trạng tập trung đông người tại chợ. Bổ sung các điểm bán hàng đồng giá và thực hiện bán hàng đăng ký trước...