Chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10, TP.HCM) hiện tại có hơn 100 gian hàng buôn bán chủ yếu các mặt hàng thiết yếu (ảnh chụp sáng 19-7) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Tuy nhiên, nhiều chợ, kể cả chợ đầu mối thí điểm mở lại, đã vấp phải tình trạng thiếu nguồn hàng.
Hoạt động theo cách mới
Tính đến ngày 19-7, các quận huyện TP.HCM đã mở cửa hoạt động trở lại ba chợ gồm: chợ Phú Thọ (Q.11), chợ An Đông (Q.5) và chợ Kiến Thành (Q.Bình Tân).
Theo Sở Công thương TP.HCM, dự kiến trong tuần này sẽ có thêm chợ ở các quận huyện mở điểm bán các mặt hàng tươi sống, rau củ quả. Đặc biệt, UBND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu ngành công thương TP nghiên cứu và có hướng dẫn để các chợ truyền thống có thể mở bán trở lại một cách an toàn trong thời gian ngắn.
Sở Công thương TP.HCM cũng đã có hướng dẫn giải pháp thí điểm về phương án tổ chức kinh doanh thực phẩm tươi sống, ứng dụng công nghệ thông tin để đặt lịch và quản lý khách đi chợ, các điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch như 5K, phân luồng, bán hàng đồng giá, dựng vách ngăn...
Dự kiến các chợ được hoạt động trở lại để bán hàng thiết yếu, thực phẩm tươi sống: Q.6 có 2 chợ là Phú Định và chợ Minh Phụng, Q.8 là chợ Phú Lợi 1 và Phú Định, Q.10 có chợ Nhật Tảo, huyện Bình Chánh có chợ Bà Lát và Vĩnh Lộc A, huyện Hóc Môn có chợ Hóc Môn, huyện Nhà Bè có chợ Cầu Kinh và chợ Ấp 3...
Chờ nguồn hàng
Chợ Phú Thọ (Q.11) đã bán thí điểm mặt hàng tươi sống được vài ngày qua với nhiều giải pháp đi cùng như giãn cách các sạp bán từ 2m trở lên, chỉ di chuyển một chiều. Theo đại diện Phòng kinh tế Q.11, do mới bán lại nên lượng hàng cung cấp còn thấp, ít tiểu thương tham gia vì nhà ở xa chợ, nguồn hàng lấy về không được nhiều.
"Để tăng nguồn cung, cần thêm giải pháp đồng bộ như linh động điều chuyển tiểu thương từ chợ này sang chợ khác nếu thuận lợi về địa lý hoặc xây dựng thêm các điểm bán hàng lưu động" - đại diện ban quản lý chợ cho biết.
UBND TP đã yêu cầu Sở Công thương làm việc với quận, huyện, ban quản lý các chợ đầu mối triển khai phương án điều tiết hàng hóa tại điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời.
Ông Lê Văn Tiển - phó giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn - cho biết tới thời điểm này đơn vị đã chuẩn bị được 2.000 - 4.000m2 mặt bằng trong chợ để tổ chức điểm tập kết, trung chuyển mặt hàng rau, củ, quả theo chỉ đạo.
"Dự kiến trong vài ngày tới chợ sẽ triển khai mô hình này với 4 thương nhân tham gia ban đầu để nhập khoảng 200 tấn hàng/ngày đêm, nếu hiệu quả sẽ tăng dần lên" - ông Tiển nói.
Khi hoạt động, chợ sẽ tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch như tài xế, thương nhân, người lao động phải có giấy xét nghiệm âm tính, giãn cách, phân luồng xe... Nhưng đại diện chợ đầu mối Hóc Môn cũng dự báo do chống dịch nên lượng hàng về chợ sẽ không nhiều, nguồn cung cho các chợ lẻ cũng "không thấm vào đâu".
Trước đó, chợ đầu mối Thủ Đức đã được cho phép tổ chức điểm trung chuyển hàng hóa nông sản thực phẩm trong thời gian thực hiện chỉ thị 16.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Nhu - phó giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức - cho biết lượng nông sản nhập về điểm trung chuyển tại chợ ngày 18-7 chỉ hơn 33 tấn, rất khiêm tốn so với mức bình quân 3.300 tấn bình thường.
"Hiện các phường quanh chợ bị phong tỏa nên thương nhân, người lao động không ra được" - ông Nhu nói và kỳ vọng hàng hóa về chợ sẽ khả quan hơn trong những ngày tới.
Ông Đỗ Nguyễn Tấn Kha - chủ tịch UBND phường 10 (Q.11) - cho biết chợ Bình Thới thừa nhận hoạt động lại gần tuần qua nhưng có tình trạng người bán khó nhập hàng. Các tiểu thương gặp khó về nguồn cung hàng hóa, trong đó phần nhiều là mặt hàng rau, củ và thủy hải sản nên lượng bán không dồi dào như bình thường. Theo vị đại diện này, đơn vị cũng đã hỗ trợ kết nối các công ty, doanh nghiệp sản xuất để cung cấp hàng hóa cho tiểu thương nhưng nguồn cung chưa ổn định.
Chuỗi cung ứng vẫn tắc
Theo các tiểu thương, xe vận chuyển gặp khó là một trong những nguyên nhân làm giảm nguồn cung. Mặt hàng thịt dễ kiếm hơn do TP.HCM có nhiều lò mổ, công ty giao thịt tận nơi, nhưng với rau, củ, quả, cá thì không có hàng.
Bán hải sản tại khu vực chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), bà Nguyễn Bích Thuận cho biết 60% người bán tại chợ nhập thủy hải sản từ chợ đầu mối Bình Điền, khi chợ này tạm ngưng không biết lấy đâu thay thế. "Không giải quyết nguồn cung, việc mở bán thí điểm tại chợ truyền thống không hiệu quả" - bà Thuận nói.
Bà Hồ Minh - chuyên gia về phân phối hàng tiêu dùng nhanh - cho rằng đã đến lúc cơ quan quản lý cần đánh giá đúng lại vai trò từng mắt xích trong chuỗi cung ứng hàng hóa.
Ông Hoàng Tuyên - chuyên gia phân phối - cho rằng thực tế hiện nay hệ thống chuỗi cung ứng, phân phối không chỉ đứt gãy trong quá trình lưu thông mà còn ngay trên ruộng vườn. Đang có thực trạng người dân không còn mặn mà thu hoạch vì không có thương lái đến thu mua. Chỉ cần hợp tác xã, địa phương nào có ca nhiễm COVID-19 là lập tức toàn bộ khu vực bị cách ly, nông sản vì thế cũng tắc ở đó luôn.
Nhiều nơi nông dân còn không được ra đồng. Theo ông Tuyên, phải ưu tiên giải quyết nguồn cung, thông suốt được sản xuất trên ruộng vườn thì các địa phương mới có hàng hóa cung ứng đúng vai trò phân phối cho TP.HCM như từ trước đến nay.
"Có hợp tác xã nông nghiệp cho biết nhiều loại cây rau lá thời gian trồng chỉ cần hơn 3 tuần là thu hoạch được nhưng không ai dám trồng. Lúc này cần có chính sách khuyến khích người dân ra ruộng, vườn trồng cây ngắn ngày và bao tiêu hàng hóa" - ông Tuyên nói.
Trong khi đó, những biện pháp như trưng dụng các bưu cục để bán hàng, đưa nông sản thực phẩm lên sàn thương mại điện tử hay vào các điểm bán hàng bỉm, sữa.. chỉ là biện pháp tình thế, vì để người tiêu dùng làm quen được các kênh mua sắm này cần thay đổi hành vi tiêu dùng mà điều đó không thể giải quyết trong thời gian ngắn.
Chợ chỉ hoạt động khi có biện pháp kiểm soát mật độ
Sở Công thương TP.HCM cho biết các chợ đang tạm ngưng hoạt động chỉ được mở trong điều kiện có biện pháp kiểm soát hướng dẫn lưu lượng, mật độ tiểu thương bán hàng, mật độ người đi chợ đảm bảo 5K, ngành hàng bán phục vụ thực phẩm tươi sống và rau củ quả.
Trong trường hợp không gian chợ chưa đảm bảo thì có thể sử dụng các mặt bằng phù hợp để tiểu thương và người dân họp chợ an toàn. Hiện nơi này cũng đã làm việc với các tỉnh thành Nam Bộ, Tây Nguyên, thậm chí cả miền Trung, miền Bắc, để thông suốt vận tải hàng hóa khi phía Nam áp dụng chỉ thị 16.
Nhiều địa bàn không còn chợ truyền thống hoạt động
Tính đến cuối ngày 19-7, TP.HCM chỉ còn 40 chợ hoạt động, chợ mới phải đóng cửa gần đây nhất là chợ Tân Hiệp Chánh (Q.12). Theo ghi nhận, nhiều quận huyện không còn chợ truyền thống nào hoạt động như quận 1, 3, 4, 6, 7, 8, Bình Tân, Phú Nhuận, Tân Phú và huyện Hóc Môn, Nhà Bè...
Ngoài lý do liên quan đến F0, chợ không đảm bảo an toàn phòng chống dịch thì không ít chợ hạng 1, hạng 2 phải dừng hoạt động do nằm trong khu vực bị phong tỏa.
UBND huyện Bình Chánh cho biết đã có 13/15 chợ truyền thống trên địa bàn huyện đã tạm ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và chỉ còn 40/612 cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ hoạt động. UBND huyện đã có văn bản hướng dẫn tổ chức hoạt động các chợ truyền thống để gia tăng các điểm cung ứng hàng, chậm nhất trong ngày 19-7 có ít nhất 8 chợ đảm bảo công tác phòng chống dịch hoạt động trở lại.
Tại Q.Bình Tân, UBND quận cũng cho biết đang thẩm định phương án của hai chợ, dự kiến chợ Bình Trị Đông sẽ hoạt động lại vào ngày 20-7.
TTO - Ngày 19-7, Phó chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng ký gửi khẩn văn bản số 2382 về việc tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn đến nhiều sở ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện.
Xem thêm: mth.11365532291701202-gnah-nougn-iohk-iahp-ohc-ial-om-mch-pt/nv.ertiout