Trường đại học Kinh tế TP.HCM dự kiến thành lập trường trong trường trước khi chuyển thành đại học - Ảnh: M.G.
Ngày 10-7, GS.TS Nguyễn Thanh Phương, chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Cần Thơ, đã ký nghị quyết phê duyệt chủ trương chuyển Trường ĐH Cần Thơ thành ĐH Cần Thơ. Dự kiến trường sẽ thành lập bốn trường thuộc ĐH Cần Thơ gồm: Trường Kinh tế trên cơ sở khoa kinh tế, Trường Bách khoa trên cơ sở khoa công nghệ, Trường Nông nghiệp trên cơ sở khoa nông nghiệp, Trường CNTT và truyền thông trên cơ sở khoa CNTT và truyền thông.
Đại học đa ngành
Trước đó, nhiều trường đại học khác đã có kế hoạch chuyển thành đại học đa ngành với nhiều trường thành viên. Cụ thể, tháng 5-2021 hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã thông qua đề án tái cấu trúc Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thành đại học đa ngành với ba trường thành viên gồm Trường Kinh doanh, Trường Kinh tế - luật và quản lý nhà nước, Trường Công nghệ và thiết kế.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đang xây dựng đề án tổng thể, thành lập các trường thành viên và chuyển thành ĐH Bách khoa Hà Nội. Dự kiến trong 5 năm tới, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng phát triển thành đại học đa ngành với các trường thành viên trên cơ sở nâng cấp các khoa hiện hữu gồm Trường Kinh tế, Trường Kinh doanh, Trường Khoa học công nghệ.
Ở khối trường y, Trường ĐH Y dược TP.HCM và Trường ĐH Y Hà Nội có kế hoạch phát triển thành đại học với nhiều trường thành viên. Trường ĐH Y dược TP.HCM từng có đề án phát triển thành đại học với nhiều trường thành viên gửi Bộ Y tế. Trường ĐH Y Hà Nội cũng có kế hoạch phát triển thành ĐH Y Hà Nội với ít nhất ba trường thành viên.
Trường đơn ngành không còn phù hợp
GS.TS Nguyễn Đông Phong, chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết mục tiêu trước mắt của trường là thành lập "trường trong trường" để làm chuyên môn sâu chứ không chuyển ngay thành đại học. Hiện trường đang cân nhắc trường thành viên sẽ là "school" hay "college".
"Những khoa có chuyên môn gần với nhau sẽ nằm trong một trường. Điều này giúp hoạt động chuyên môn hài hòa hơn, tập trung chia sẻ nguồn lực. Hiện tại các khoa riêng rẽ nên hoạt động chuyên môn cũng tách biệt, chưa phát huy hết nguồn lực sẵn có" - ông Phong nói.
Ông Nguyễn Đông Phong cũng cho rằng trường đơn ngành không còn phù hợp, không đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai. Thay vào đó, trường đa ngành sẽ phát huy ưu thế về đào tạo, nghiên cứu và phục vụ xã hội trong bối cảnh hiện nay khi hầu hết các dự án nghiên cứu lớn đều mang tính đa ngành. Ngoài ra, việc này còn tạo điều kiện cho nhà trường khi tham gia các bảng xếp hạng, các hoạt động hợp tác quốc tế với các đại học trên thế giới.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết trường đang soạn thảo đề án, xin ý kiến bộ ngành về việc thành lập ba trường con cũng như chuyển đổi thành đại học.
Ông Điền nhấn mạnh việc thành lập các trường thành viên, chuyển từ trường đại học sang đại học không phải để lấy tiếng mà vấn đề mấu chốt là thay đổi mô hình quản trị đại học. Điều này giúp đại học hoạt động hiệu quả và chất lượng hơn.
GS.TS Hà Thanh Toàn, hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết trường hiện có 12 khoa, tương tự như 12 college ở các đại học Bắc Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có trường trong trường nên các đơn vị này chỉ là khoa. Các khoa không có tư cách pháp nhân, không có dấu tròn. Trong khi đó, các viện thuộc trường lại có tư cách pháp nhân.
Ở nước ngoài, trường không cần dấu tròn để có tư cách pháp nhân nhưng ở Việt Nam thì cần điều đó. Do đó, trường chủ trương thành lập trường chuyên ngành để có pháp nhân tốt hơn và chuyển thành đại học.
Hiện có bốn khoa đủ tiêu chuẩn để thành lập trường. Khoa kinh tế chuyển thành Trường Kinh tế ĐH Cần Thơ chứ không phải là Trường ĐH kinh tế - ĐH Cần Thơ. Các trường thành viên có hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và bộ môn chứ không có khoa, tất cả chịu sự quản lý của ĐH Cần Thơ.
Ông Toàn cho biết khi chuyển thành đại học, trường sẽ xin cơ chế hoạt động như đại học quốc gia để tự quyết chuyện của trường mà không cần xin phép Bộ GD-ĐT. Trường chỉ xin cơ chế chứ không xin ngân sách vì trường đã tự chủ.
Khối y dược gặp khó
Trong khi đó, mong muốn thành lập trường y, dược của khối trường y gặp khó vì đây là các đơn ngành. Theo luật, các trường thành viên phải có năm chương trình đào tạo nhưng khoa y và khoa dược chỉ có một chương trình đào tạo.
Theo nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, điều kiện để chuyển trường đại học thành đại học là trường đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp; có ít nhất ba trường thuộc trường đại học được thành lập; có ít nhất mười ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người.
Điều kiện thành lập trường đại học trong đại học gồm có ít nhất năm ngành cùng một lĩnh vực đào tạo từ trình độ đại học trở lên, trong đó có ít nhất ba ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, ít nhất một ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy từ 2.000 người trở lên...
Các nước không phân biệt "trường đại học" và "đại học"
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn - ĐH New South Wales, ĐH Công nghệ Sydney (Úc), đa số các nước phương Tây (nơi khái niệm "đại học" hình thành) không phân biệt "trường đại học" và "đại học" như Việt Nam. "University" là "university" chứ không có khái niệm trường đại học. Đa số đại học ở các nước phương Tây được tổ chức theo mô hình đa phân khoa. Chẳng hạn như ĐH New South Wales (UNSW Sydney) của Úc có sáu phân khoa, trong đó có khoa y, và đó là một mô hình tương đối tiêu biểu.
Một số đại học dùng chữ "faculty" để chỉ phân khoa, nhưng một số khác thì dùng chữ "college". Ví dụ như Đại học Newcastle gọi các khoa trong đại học là "college" và mỗi college có nhiều "school". Phân khoa (faculty hay college) thường khá lớn. Như khoa y của UNSW lớn hơn Trường đại học Y dược TP.HCM về số sinh viên, bệnh viện và cơ sở vật chất. Phân khoa engineering của ĐH Công nghệ Sydney có chừng 11.000 sinh viên (với gần 1.000 nghiên cứu sinh) được phân bố trong 10 school.
"Trong thời đại mới, mô hình đại học nên theo "hàng ngang" với sự tương tác giữa các phân khoa thay vì "hàng dọc". Ngay cả trong một phân khoa, chúng tôi cũng suy nghĩ đến cách tổ chức các school theo mô hình hàng ngang. Ở Việt Nam do đó chỉ nên là đại học thôi, dưới là các phân khoa, dưới khoa là "school" hay "department" (nếu chưa đủ tiêu chuẩn thành school)" - GS Tuấn nói.
TTO - Năm 2020, Phân hiệu Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tại tỉnh Vĩnh Long sẽ tuyển sinh, đào tạo đa ngành bậc đại học, cao học.
Xem thêm: mth.74273658002701202-hnagn-ad-coh-iad-hnaht-noum-gnourt-ueihn/nv.ertiout