Nike hiện đang đương đầu với rủi ro không còn sản phẩm giày thể thao "made in Vietnam (sản xuất tại Việt Nam) khi mà đại dịch Covid-19 trở nên căng thẳng trên khắp toàn cầu, theo báo cáo mới nhất của S&P Global Market Intelligence.
Lời cảnh báo này được S&P đưa ra sau khi 2 nhà cung cấp của Nike tại Việt Nam bao gồm Chang Shin Vietnam và Pou Chen Corp gần đây đã phải ngừng sản xuất khi mà đại dịch Covid-19 bùng phát trong khu vực. Trong năm tài khóa 2020, Nike công bố các nhà máy sản xuất theo hợp đồng tại Việt Nam cung cấp khoảng 50% sản phẩm giày mang thương hiệu Nike.
Theo phân tích từ Panjiva, bộ phận phân tích kinh doanh thuộc S&P Global Market Intelligence, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam chiếm khoảng 49% trong tổng số sản phẩm Nike trong quý 2/2021.
Phát ngôn viên của Nike nói với CNBC trong hồi đáp với đề nghị bình luận về hoạt động của hãng đã nhấn mạnh: "Sức khỏe và sự an toàn của lực lượng lao động làm việc tại các nhà cung cấp của chúng tôi hiện vẫn là ưu tiên lớn nhất".
"Chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp để hỗ trợ cho những nỗ lực của họ trong việc phản ứng với đại dịch Covid-19 lần này. Trong nỗ lực tìm hướng thoát khỏi tình hình hiện tại, chúng tôi mong các nhà cung cấp luôn ưu tiên đến sức khỏe và sinh kế của người lao động, tiếp tục tuân thủ các quy định luật pháp cũng như nguyên tắc hành động của Nike đối với các vấn đề về lương thưởng, phúc lợi xã hội. Chúng tôi tự tin vào khả năng của Nike trong việc xử lý các vấn đề này và luôn thận trọng trong hành động", phát ngôn viên chia sẻ thêm.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, cổ phiếu Nike mất 1,3% giá trị. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, cổ phiếu Nikei đã tăng 11,5%. Giá trị vốn hóa thị trường của Nike hiện ước tính khoảng 250 tỷ USD.
Tình trạng gián đoạn do đại dịch Covid-19 đang gây tổn hại đến chuỗi cung ứng của Nike trong bối cảnh mùa cao điểm học sinh, sinh viên trở lại trường đang đến gần. Nhiều trở ngại khác trong đó có bao gồm thiếu container vận chuyển, thiếu kho bãi ở các cảng…
CEO của Brooks Running, ông Jim Weber, vào tháng trước nói với CNBC rằng công ty của ông đang duy trì chu kỳ 80 ngày cho hoạt động sản xuất và cung ứng trong khi con số này trước đây là 40 ngày.
Nhiều thương hiệu thời trang thế giới trong đó có Levi Strauss và H&M cũng đang đương đầu với khó khăn tương tự tại Bangladesh, nơi tập trung rất nhiều nhà máy sản xuất quần áo cho các thương hiệu lớn. Nordstrom cũng đang gặp phải nhiều thách thức tương tự trong khi mùa kinh doanh sôi động nhất của năm đang đến gần.
Trong cuộc họp vào tháng trước, giám đốc tài chính của Nike – ông Matt Friend cho biết công ty dự báo tình trạng trì hoãn nguồn cung của doanh nghiệp sẽ kéo dài trong suốt năm tài khóa 2022. Nhu cầu của người tiêu dùng trong nhiều trường hợp đã vượt quá nhu cầu.
Nhật Đăng
Nhịp sống doanh nghiệp