Trung Quốc tuyên bố rằng tiêm kích tàng hình J-20 của nước này ngang ngửa tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ và thậm chí vượt trội hơn một số khía cạnh.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài Phoenix TV (Trung Quốc) năm 2014, ông Song Zhongping, cựu sĩ quan lực lượng Pháo binh số 2 (lực lượng tên lửa của Trung Quốc) tuyên bố Trung Quốc sẽ không xuất khẩu J-20 do lo ngại công nghệ thế hệ thứ năm của họ có thể rơi vào tay kẻ xấu.
Tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã
Ông Song còn nói rằng trừ khi Mỹ bán tiêm kích F-22 cho đồng minh, còn không thì Trung Quốc không cần phải bán J-20 cho đồng minh nước mình.
Ông Song lập luận rằng vì Mỹ chỉ đang cung cấp cho đồng minh tiêm kích F-35 Joint Strike Fighter ít hiệu quả, Trung Quốc sẽ chỉ bán cho đồng minh của nước này tiêm kích FC-31 được cho có cùng trình độ công nghệ và hiệu suất với tiêm kích F-35.
Nỗi ám ảnh J-20 của Trung Quốc
Do đó dường như có hai lý do chính đằng sau việc Bắc Kinh không sẵn sàng rao bán J-20 trên thị trường quốc tế, theo chuyên gia Loro Horta của trang tin The EurAsian Times.
Lý do thứ nhất, Trung Quốc lo ngại công nghệ thế hệ thứ năm của nước này sẽ rơi vào tay kẻ xấu và bị sao chép. Lý do thứ hai, Bắc Kinh muốn tránh một cuộc chạy đua vũ trang về công nghệ thế hệ thứ năm giữa các đồng minh của nước này và đồng minh của Mỹ.
Trong khi hai yếu tố trên có thể ảnh hưởng lên quyết định của Trung Quốc về việc không xuất khẩu J-20, vẫn còn có những lý do thực tế hơn mà Bắc Kinh không muốn công khai.
Bất chấp hai thập niên đầu tư mạnh vào nghiên cứu liên quan tới quốc phòng, ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc đã hoạt động rất kém trên thị trường quốc tế. Năm 2020, xuất khẩu vũ khí toàn cầu của Trung Quốc chỉ chiếm 5,2% tổng thương mại vũ khí quốc tế.
Tiêm kích JF-17 do Trung Quốc và Pakistan cùng phát triển
Cho tới khi tiêm kích FC-31 đi vào hoạt động chính thức – có lẽ là ba năm tới, Trung Quốc đã rao bán tiêm kích JF-17 như tiêm kích xuất khẩu chính của mình.
Tiêm kích hai chỗ ngồi JF-17 của Không quân Pakistan. Ảnh: TWITTER
JF-17 là tiêm kích đa nhiệm hạng nhẹ thế hệ thứ tư, một động cơ, do Tập đoàn chế tạo máy bay Thành Đô của Trung Quốc và Khu liên hợp hàng không Pakistan (Pakistan Aeronautical Complex) hợp tác phát triển.
Dù đã có mặt trên thị trường hơn một thập niên nhưng JF-17 đạt được thành công khiêm tốn. Ngoài Không quân Pakistan hiện vận hành 138 máy bay, chỉ có Myanmar – hứng trừng phạt quốc tế và bị phương Tây cấm vận vũ khí – đang vận hành 7 chiếc và Nigeria vận hành ba chiếc.
Với chi phí 60 triệu USD cho các phiên bản hiện đại nhất, JF-17 rẻ hơn so với các máy bay thế hệ thứ tư khác mà các nhà sản xuất châu Âu và Nga bán, chẳng hạn như tiêm kích Dassault Rafale của Pháp và tiêm kích Su-35 của Nga.
Bên cạnh giá thành rẻ hơn hầu hết máy bay chiến đấu tương tự, Trung Quốc thường cung cấp phương thức thanh toán linh hoạt hơn như hạn mức tín dụng và phương thức hàng đổi hàng. Ví dụ, Venezuela được cho đã mua tám máy bay vận tải Shaanxi Y-8 của Trung Quốc để đổi lấy dầu.
Mặc dù giá rẻ và phương thức thanh toán linh hoạt nhưng Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc bán máy bay chiến đấu của nước này. Thực tế của vấn đề ở chỗ thế giới không bị thuyết phục về chất lượng của tiêm kích Trung Quốc. Do đó, chỉ những quốc gia bị trừng phạt và có nguồn lực hạn chế mới mua tiêm kích từ Trung Quốc.
Trong khi Trung Quốc đạt được những tiến bộ đáng kể trong công nghệ hàng không thì lực lượng không quân của các nước trên thế giới vẫn chưa bị thuyết phục. Vì thế, việc ông Song tuyên bố Trung Quốc không muốn xuất khẩu J-20 vì lo ngại nước khác sao phép công nghệ của họ chỉ là màn che mắt người dân trong nước.
Với việc không xuất khẩu J-20, Trung Quốc đang nỗ lực đưa J-20 đạt được trình độ công nghệ tương tương F-22 Raptor của Mỹ. Hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng J-20 không được như F-22 hay F-35.
Tiêm kích FC-31
Với việc tuyên bố Trung Quốc sẽ chỉ xuất khẩu FC-31, Bắc Kinh đang cố truyền đi thông điệp rằng FC-31 sánh ngang với F-35.
Tiêm kích tàng hình FC-31 của Trung Quốc. Ảnh: TWITTER
F-35, mặc dù gặp một số lần trì hoãn trong sản xuất nhưng vẫn là một câu chuyện thành công về thương mại với hơn 665 máy bay hiện được vận hành tại 15 quốc gia và nhiều khả năng sẽ được đặt hàng thêm.
Hồi tháng 6, F-35 đánh bại tiêm kích Dassault Rafale và Eurofighter Typhoon để được chọn làm máy bay chiến đấu mới của Không quân Thụy Sĩ trong hợp đồng trị giá 6,5 tỉ USD. Nhiều người nghi ngờ chuyện FC-31 sẽ có được thành công tương tự.
Sử dụng công nghệ Nga
Cả J-20 và FC-31 đều sử dụng công nghệ Nga và không thể được xuất khẩu mà không có sự đồng ý của Nga, ít nhất là trên lý thuyết.
Nhiều người biết rằng máy bay chiến đấu của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào công nghệ động cơ của Nga và công nghệ ăn cắp từ Mỹ. Ví dụ như mãi tới năm 2020, tức chín năm sau khi J-20 đi vào phục vụ, động cơ của dòng tiêm kích này là AL-31 do Nga chế tạo mới được thay bằng động cơ nội địa WS-10C.
Tiêm kích Su-35 Trung Quốc mua từ Nga. Ảnh: TWITTER
Việc vũ khí Trung Quốc phần lớn dựa vào công nghệ của Nga đặt ra trong tâm trí của nhiều nền quân sự nước ngoài câu hỏi rõ ràng rằng tại sao phải mua từ Trung Quốc mà không phải trực tiếp từ Nga?
Thật vậy, trong năm 2015, Trung Quốc mua 24 máy bay đa nhiệm Su-35 của Nga trị giá 2 tỉ USD. Tại sao một quốc gia tuyên bố máy bay của họ “cùng đẳng cấp” với F-22 và F-35 lại mua máy bay Nga để phục vụ, với nhiều biến thể trong hơn hai thập niên?
Trung Quốc đã thực hiện một số cải tiến đáng kể trong công nghệ máy bay chiến đấu, song vẫn đứng sau Mỹ, châu Âu và Nga.
Do đó, những gì ông Song tuyên bố là nhắm vào khán giả trong nước có tinh thần dân tộc, nhằm mục đích khơi dậy niềm tự hào về sức mạnh công nghệ của Trung Quốc, đồng thời muốn cho thấy rằng nước này có cùng đẳng cấp với Mỹ.
Truyền thông Trung Quốc cũng từng tuyên bố máy bay chiến đấu Trung Quốc vượt trội hơn tiêm kích của Mỹ. Hồi tháng 1-2019, tờ Global Times tuyên bố phiên bản nâng cấp của J-20 vượt trội “một cách áp đảo” F-35 của Mỹ. Hồi tháng 4, tờ báo này nói rằng động cơ của J-20 mạnh hơn động cơ của F-22 Mỹ.
Chuyên gia Horta kết luận rằng Trung Quốc cuối cùng cũng có thể sản xuất máy bay chiến đấu tốt như máy bay chiến đấu của Mỹ, song nước này cần phải thực hiện nhiều hơn là chỉ ngồi đó mơ tưởng.