Lãnh đạo ba nước Georgia, Moldova và Ukraine đã thảo luận với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel về mong muốn đẩy nhanh tiến độ gia nhập Liên minh châu Âu (EU), hãng tin AFP cho hay.
Ba Tổng thống Salome Zurabishvili (Georgia), Maia Sandu (Moldova) và Volodymyr Zelenskiy (Ukraine) đã dự cuộc họp với ông Michel được tổ chức hôm 19-7 tại pháo đài cổ Petra bên bờ Biển Đen ở TP Batumi (Georgia).
Trước đó, ba nước này hồi tháng 5 đã thiết lập một định dạng ngoại giao được gọi là “Bộ ba Liên kết” để phối hợp các nỗ lực rút ngắn thời gian xin gia nhập EU.
(Từ phải qua) Ông Charles Michel, ông Irakli Garibashvili (Thủ tướng Georgia), bà Salome Zurabishvili, bà Maia Sandu và ông Volodymyr Zelenskiy tại diễn đàn Batumi hôm 19-7. Ảnh: GOV.GE
Phát biểu trước các lãnh đạo của ba quốc gia ứng viên, ông Michel nói rằng hội nghị là “một cột mốc quan trọng”.
Ông Michel cho biết EU đã cam kết “gói đầu tư chưa từng có” trị giá 2,3 tỉ euro (khoảng hơn 62.000 tỉ đồng) với “tiềm năng huy động tới 17 tỉ euro (hơn 461.500 tỉ đồng) vốn đầu tư công và tư nhân cho khu vực”. Chủ tịch Hội đồng châu Âu nói rằng cam kết này cho thấy tầm quan trọng của ba quốc gia này trong chính sách của EU.
Sau khi kết thúc hội nghị, ba tổng thống đã ký tuyên bố chung cam kết sẽ tiếp tục hợp tác vì “tương lai châu Âu” của cả ba nước.
“Gia nhập EU là mục tiêu thống nhất ba nước chúng ta. Đối với chúng ta, không có lựa chọn nào khác ngoài hội nhập vào châu Âu” - ba nhà lãnh đạo nhấn mạnh.
Các tổng thống cũng tuyên bố “không có bên thứ ba nào có thể ảnh hưởng đến sự lựa chọn có chủ quyền này”, nhiều khả năng ám chỉ việc Nga phản đối EU mở rộng về phía đông.
Cả Georgia, Moldova và Ukraine đều từng là các thực thể thuộc Liên Xô. Tuy nhiên, sau khi siêu nhà nước này sụp đổ, các thế hệ lãnh đạo ở các nước này đang thể hiện ngày càng rõ quan điểm tách biệt với Nga, hướng về phương Tây.
Trước năm 2014, Ukraine không mặn mà với kế hoạch gia nhập EU. Tuy nhiên, cuộc đảo chính được khơi nguồn từ năm 2013 đã dẫn tới sự hình thành một chính quyền mới ở Kiev. Ngay tháng 6-2014, Ukraine - cùng với Georgia và Moldova - đã ký hiệp định liên kết chính trị và hội nhập kinh tế với EU.
Đây là động thái tích cực đối với tiến hành gia nhập EU, song không đồng nghĩa với việc ba nước này chắc chặn sẽ trở thành thành viên của khối. Theo thỏa thuận, các quốc gia ứng viên phải cam kết thực hiện các cải cách kinh tế và chính trị sâu rộng, phù hợp với tiêu chuẩn của EU.
Năm 2019, ba nước Georgia, Moldova và Ukraine tái khẳng định ý định nộp đơn gia nhập EU.
Trong ba nước này, Moldova không có biên giới với Nga. Tuy nhiên, Moscow bị cho là đang hậu thuẫn nhà nước ly khai Transnistria (dọc biên giới Moldova-Ukraine) - nơi Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình.
Georgia nằm ở Trung Á, có chung biên giới với Nga trên dãy Caucasus. Nga cũng có liên hệ mật thiết với hai khu vực ly khai Nam Ossetia và Abkhazia ở miền bắc Georiga.
Năm 2008, với sự ủng hộ và hậu thuẫn của phương Tây, Georgia đã tấn công lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại Nam Ossetia. Phản ứng lại, Nga tiến hành chiến dịch quân sự quy mô lớn bất chấp sự chỉ trích của Mỹ và các đồng minh, đẩy lùi quân đội Georgia. Sau đó, Moscow cũng công nhận hai vùng lãnh thổ ly khai Nam Ossetia và Abkhazia là các quốc gia độc lập.
Tương tự, Nga cũng đang có xung đột với Ukraine. Sau cuộc đảo chính năm 2013-2014, hai tỉnh miền đông Ukraine là Donetsk và Lugansk đã nổi dậy đòi ly khai khỏi chính quyền Kiev. Bán đảo Crimea đã tuyên bố ly khai và được Nga sáp nhập, dù cho các động thái này bị đa số các nước khác phản đối.