Giảm lãi suất: Không phải nói chơi
Cuối tuần qua, hàng loạt ngân hàng như Vietcombank, Agribank, BIDV, TPBank, ACB, MB, Sacombank… đã rầm rộ tuyên bố cắt giảm lãi suất cho vay với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, với mức giảm phổ biến là 1%.
Trước đó vài ngày, hàng loạt ngân hàng TMCP cũng đã được NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 (room tín dụng).
Cụ thể, MB được nâng room tín dụng từ 10,5% lên 15%; VPBank được nâng từ 8,5% lên 12,1%; Vietcombank tăng từ 10% lên 14%; Sacombank được nới từ 6,5% lên 10,5%; Techcombank nới từ 12% lên 17%; Eximbank được nâng từ 6,5% lên 10%; VIB từ 8,5% lên 14,1%...
Trao đổi với phóng viên, đại diện một ngân hàng TMCP cho biết, trước khi cấp room tín dụng, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng TMCP phải có kế hoạch giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
NHNN khẳng định, việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lần này cho các tổ chức tín dụng được thực hiện trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc nhất quán để đạt được mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và thực hiện chủ trương của Chính phủ là “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.
“Việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được thực hiện trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng, đánh giá tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng; ưu tiên đối với tổ chức tín dụng thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN về giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân”, NHNN cho hay.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một ngân hàng cho hay, để được cấp room tín dụng, ngân hàng thương mại phải cam kết rót vốn vào lĩnh vực ưu tiên và phải giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế. Đây là lý do hàng loạt ngân hàng vừa ồ ạt công bố giảm lãi suất.
“Việc cắt giảm lãi vay không phải là tuyên bố suông, mà các ngân hàng đều phải có kế hoạch chi tiết gửi NHNN về việc sẽ giảm lãi suất bao nhiêu, áp dụng với khoảng bao nhiêu dư nợ. Ngân hàng phải giảm thật, làm thật, chứ không thể nói chơi được”, vị đại diện này cho hay.
Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp, khiến khoảng nửa triệu công nhân mất việc làm, 6 tháng đầu năm nay đã có khoảng 70.000 doanh nghiệp phải rút khỏi nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, hàng loạt ngân hàng vẫn báo lãi khá lớn. Chính vì vậy, giảm thêm lãi vay để hỗ trợ nền kinh tế là mong muốn của Chính phủ và NHNN.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, ngân hàng lãi lớn là có rất nhiều nguyên nhân, chứ không phải do ngân hàng cho vay lãi cao.
Cụ thể, ngân hàng ngày càng đa dạng hóa nguồn thu, tăng mạnh nguồn thu từ dịch vụ; có ngân hàng, mảng dịch vụ chiếm tới 40% lợi nhuận. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh số hóa, giảm phí khiến nguồn vốn huy động không kỳ hạn giá rẻ (CASA) của nhiều ngân hàng tăng mạnh, giúp hạ giá vốn, biên lãi ròng tăng. Bên cạnh đó, thu hồi nợ tốt hơn cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận ngân hàng tăng mạnh.
Mặc dù lợi nhuận tăng không phải do “ăn dày” lãi vay, song với điều kiện tài chính hiện tại cùng triển vọng tăng tín dụng sáng sủa, việc giảm lãi suất hơn nữa nằm trong tầm tay của ngành ngân hàng.
Chưa thể bỏ room tín dụng
Mặc dù Covid-19 đang hết sức căng thẳng, nhưng nhiều doanh nghiệp đang bắt đầu học cách “sống chung với dịch bệnh” và nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu đang phục hồi khá mạnh. Chỉ trong nửa đầu năm 2021, nhiều ngân hàng đã tăng tín dụng xấp xỉ 10%. Một số ngân hàng cho biết, hết quý III/2021, họ sẽ “xài” hết room tín dụng vừa được NHNN cấp tuần trước và sẽ phải tiếp tục làm đơn xin nới room vào quý cuối năm. Tuy nhiên, ngoài sức khỏe tốt, những ngân hàng có cơ cấu tỷ trọng lớn danh mục cho vay lĩnh vực ưu tiên, thực hiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế sẽ có ưu thế hơn khi xét duyệt room tín dụng.
Việc cắt giảm lãi vay không phải là tuyên bố suông, mà các ngân hàng đều phải có kế hoạch chi tiết gửi NHNN.
Dù có ý kiến cho rằng, NHNN nên bãi bỏ công cụ hành chính này, song trong bối cảnh hiện nay, room tín dụng tỏ ra hiệu quả. Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cũng khẳng định, công cụ room tín dụng từ khi sử dụng đến nay vẫn đang phát huy hiệu quả, giúp ngăn ngừa các cuộc đua lãi suất, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng tập trung vào sản xuất - kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng.
Trong khi đó, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, hạn mức tín dụng là công cụ rất quan trọng giúp NHNN kiểm soát tín dụng thông qua việc các ngân hàng thương mại phải báo cáo thường xuyên hoạt động tăng trưởng tín dụng. Dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý, các ngân hàng thương mại cũng phải dè chừng, không dám cho vay liều. Vì vậy, phải cân nhắc các mặt tích cực và tiêu cực để đưa ra quyết định cho phù hợp. “Quan điểm của tôi là không có lý do gì để bỏ room tín dụng vào thời điểm này”, ông Ánh nói.
Thực tế, trong văn bản nới room tín dụng mới đây cho các ngân hàng, NHNN cũng đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng phải giảm lãi suất cho vay, nắn vốn vào lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng rủi ro (chứng khoán, bất động sản, cho vay ngoại tệ), chấp hành các quy định pháp luật về tỷ lệ đảm bảo an toàn, giới hạn cấp tín dụng với khách hàng, quản trị rủi ro và kiểm soát nợ xấu, đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng...
NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại phải xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng chi tiết gửi NHNN trước ngày 30/7/2021. Trong quá trình theo dõi, giám sát, nếu phát hiện các ngân hàng có vấn đề bất thường tiềm ẩn rủi ro, không tuân thủ chỉ đạo của NHNN, thì NHNN sẽ điều chỉnh giảm room tín dụng.
Trong tương lai, khi sức khỏe ngân hàng và nền kinh tế tốt hơn, trong điều kiện bình thường, NHNN có thể xem xét bỏ công cụ hành chính này. Song tại thời điểm hiện nay, “củ cà rốt” room tín dụng đang tỏ ra khá hiệu quả./.
Xem thêm: lmth.12450000042210202-gnud-nit-moor-net-gnam-tor-ac-uc-av-taus-ial-maig/nv.semitaer