Trang trại bò sữa tại Nông trường Sông Hậu mỗi ngày cho ra 1,5 tấn sữa - Ảnh: T.L
Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 và vận chuyển lưu thông ách tắc, hàng trăm tấn sữa thanh trùng của Công ty TNHH FOOD FARM thuộc Nông trường Sông Hậu hiện có nguy cơ phải đổ bỏ vì không tiêu thụ được.
Ngày 20-7, ông Võ Kim Cương - giám đốc điều hành Công ty TNHH FOOD FARM cho biết do mặt hàng sữa thanh trùng FARM MILK của trang trại được tiêu thụ chủ yếu tại các cửa hàng, siêu thị tại TP.HCM, nhưng do tình hình dịch bệnh tại TP.HCM bùng phát nên việc vận chuyển lưu thông sữa bị ách tắc.
Rất nhiều chuyến xe chở sữa bị hủy do ách tắc không tiêu thụ được. Hiện các tỉnh trong khu vực cũng tiếp tục giãn cách theo chỉ thị 16, nên tình hình tiêu thụ sữa của trang trại càng gặp khó khăn.
Theo ông Cương, để giải quyết bớt phần nào khó khăn cho trang trại, cho công ty trong việc tiêu thụ sữa, công ty đã có văn bản gửi Sở NN&PTNT và Sở Công thương TP Cần Thơ, nhờ hỗ trợ và xin tham gia "chương trình bán hàng hỗ trợ" để tiêu thụ sữa vào các cơ quan, ban ngành trên địa bàn.
Theo công văn, "sữa thanh trùng FARM MILK hiện bán tại các siêu thị ở TP.HCM với mức giá 50.000 đồng/lít. Công ty cam kết bán với mức giá hỗ trợ trong chương trình này 35.000 đồng/lít".
Ông Cương cho hay nếu việc này được chấp thuận phần nào giúp duy trì hoạt động của công ty và việc làm cho người lao động, phần cũng giúp đưa sản phẩm thiết thực đến người tiêu dùng trong mùa dịch bệnh.
"Tuy nhiên, công văn gửi đi từ ngày 8-7 đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi của các cơ quan chức năng TP. Trong khi đó sản lượng sữa của nông trường mỗi ngày ra khoảng 1,5 tấn, nếu để quá hạn hàng trăm tấn sữa có nguy cơ bị đổ bỏ", ông Cương nói.
Nhãn Ido và thanh nhãn tại Nông trường Sông Hậu đang mùa thu hoạch rộ nhưng không tiêu thụ được - Ảnh: T.L
Hiện tại, ngoài mặt hàng sữa đang bị ứ đọng không tiêu thụ được, các hộ nông dân tại Nông trường Sông Hậu cũng đang gặp khó trong khâu tiêu thụ nông sản vào mùa thu hoạch.
Ông Nguyễn Thanh Phú - giám đốc Nông trường Sông Hậu - cho biết khu vực nông trường có 600ha nhãn. Hiện bà con nông trường đang vào mùa thu hoạch rộ khoảng 200ha thanh nhãn và nhãn Ido, với sản lượng 1.600 tấn.
Nhưng do các chợ đầu mối, chợ truyền thống bị đóng cửa, khâu vận chuyển đi các nơi bị ách tắc… nên giá rớt thê thảm, không có thương lái đến mua.
Các hộ trồng nhãn bỏ trái rụng đầy gốc, có người bán được với giá rất thấp, 5.000 đồng/kg nhãn Ido, 20.000 đồng/kg thanh nhãn, không đủ chi phí và công chăm sóc, thu hoạch. Chưa kể việc tìm nhân công thu hoạch hiện rất khó do phải giãn cách theo chỉ thị 16 là cấm tụ tập.
Để giải quyết phần nào khó khăn này, chính quyền địa phương xã Thới Hưng (huyện Cờ Đỏ) cũng cho biết đã tạo điều kiện để người dân thu hoạch nhãn với yêu cầu phải giãn cách và đeo khẩu trang, tuy nhiên do khó khăn khâu tiêu thụ nên giá cả rất thấp.
Ngày 15/7 vừa qua, Shopee đã thực hiện ký kết hợp tác hỗ trợ xúc tiến thương mại, phân phối, quảng bá Nhãn và nông sản của tỉnh Hưng Yên trên nền tảng Shopee.