Dịch bệnh đang bùng phát mạnh tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành Nam Bộ. Toàn bộ 19 tỉnh thành Nam Bộ và một số tỉnh miền Trung đang phải giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.
Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác cũng đang phải áp dụng các biện pháp quyết liệt như áp đặt kỷ luật giãn cách, hạn chế các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, giao lưu, hội họp để chống dịch.
Những nỗ lực chống dịch to lớn như vậy, nhưng tốc độ bùng phát của dịch bệnh vẫn chưa hề suy giảm. Ngay trong buổi sáng hôm qua 20-7, khi kỳ họp Quốc hội khai mạc, Hà Nội, TP.HCM và 22 tỉnh thành khác đã có thêm 2.154 ca lây nhiễm mới.
Viễn cảnh mỗi ngày sẽ có tới hơn 10.000 ca lây nhiễm dịch bệnh là hoàn toàn không xa. Bối cảnh nói trên làm cho kỳ họp Quốc hội rất giống với một kỳ họp "thời chiến".
Bối cảnh "thời chiến" đòi hỏi kỳ họp phải nhanh gọn và quyết đáp.
Trước hết, sự nhanh gọn, quyết đáp thể hiện trong việc thành lập các cơ quan nhà nước. Việc bầu và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo nhà nước một cách nhanh chóng là rất cần thiết để đưa lại sự chính danh và sự ổn định cho hệ thống, đặc biệt là trong bối cảnh hoạt động phòng chống dịch không thể bị trì hoãn, bị đứt gãy.
Theo chương trình nghị sự, hoạt động này đã được rút ngắn rất nhiều. Việc rút ngắn như vậy chắc chắn sẽ không ảnh hưởng tới tính chính danh cũng như chất lượng của các cơ quan nhà nước.
Lý do là vì ở đâu cũng vậy, khi đảng cầm quyền đã có đa số trong quốc hội, thì nhân sự của nhà nước là do đảng cầm quyền quyết định.
Khi nhân dân đã bầu cho đảng cầm quyền có đa số trong quốc hội thì điều này có nghĩa là: 1. Nhân dân phê chuẩn đường lối phát triển đất nước đảng đề ra cho nhiệm kỳ 5 năm tới; 2. Nhân dân trao quyền cho đảng thành lập các cơ quan nhà nước, mà trước hết là chính phủ, để thực hiện đường lối đó.
Như vậy, dân chủ quan trọng là phải được thực thi trong quá trình lựa chọn nhân sự của đảng và trong việc tổ chức bầu cử. Khi đảng cầm quyền đã có đa số trong quốc hội, thì việc bầu bán, phê chuẩn vẫn cần thiết, nhưng chỉ là cần thiết về mặt thủ tục.
Thủ tục này thường được các nước trên thế giới thực hiện một cách hết sức ngắn gọn. Những gì đúng cho cả thế giới thì cũng đúng cho đất nước ta. Đặc biệt khi với tư cách là đảng cầm quyền, Đảng ta đang có đa số rất lớn trong Quốc hội khóa XV này.
Thứ hai, sự nhanh gọn, quyết đáp thể hiện trong việc Quốc hội phản ứng như thế nào với vấn đề hệ trọng nhất và cấp thiết nhất của đất nước. Vấn đề đó hiện nay chắc chắn là vấn đề đại dịch COVID-19 và cuộc chiến chống đại dịch.
Hàng loạt các câu hỏi đang được đặt ra ở đây. Các phản ứng chính sách của chúng ta trong thời gian vừa qua đã thật sự hiệu quả chưa? Ưu tiên chiến lược hiện nay là gì? Cân đối giữa các ưu tiên chiến lược như thế nào? Các công cụ pháp lý để phòng chống dịch đã phù hợp chưa? Ngân sách phòng chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội như thế nào?...
Có vẻ như các câu hỏi ở đây đang nhiều hơn các câu trả lời. Chính vì vậy, Quốc hội cần bố trí trong chương trình nghị sự của mình thời gian thỏa đáng để nghe báo cáo và thảo luận về vấn đề nói trên.
Trong tình hình hiện nay, một nghị quyết chuyên đề của Quốc hội về công tác phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm nền tảng để phục hồi kinh tế là rất cần thiết. Một nghị quyết như vậy cũng sẽ cung cấp khuôn khổ pháp lý cần thiết cho hoạt động phòng chống dịch của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp.
TTO - Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV có 4 người mới thay thế các vị trí phó chủ tịch Quốc hội, chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh đã nghỉ và chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách được bầu vào chức vụ khác.
Xem thêm: mth.67213058012701202-neihc-ioht-poh-yk/nv.ertiout