Chính phủ cho phép các địa phương có thể áp dụng biện pháp mạnh hơn Chỉ thị 16
Minh Duy
(KTSG Online) - Chính phủ vừa quyết nghị thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đặt tại TPHCM để xử lý ngay những các vấn đề cấp bách, phát sinh trong phòng chống Covid-19, yêu cầu ban hành danh mục mua sắm tập trung phục vụ công tác phòng chống dịch và cho phép các địa phương có thể áp dụng các biện pháp với yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn so với quy định tại Chỉ thị 16.
Một góc vắng lặng tại TPHCM, nơi đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để ngăn Covid-19. Ảnh: Minh Duy |
Trong Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20-7-2021 phiên họp chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ nhận định, dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là tại TPHCM. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam nhằm sớm ngăn chặn dịch bệnh.
Tuy nhiên, việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch của một số cơ quan nhà nước và một bộ phận người dân chưa cao, chưa đúng quy định. Hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương thực hiện giãn cách với các địa phương khác vẫn thiếu hụt và ách tắc cục bộ.
Việc cung ứng hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân tại các địa phương thực hiện giãn cách có nơi, có lúc vẫn còn chưa thật sự chủ động, hiệu quả. Thêm vào đó, việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa thật chặt chẽ, một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực phòng, chống dịch trên địa bàn.
Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, các bộ, ngành tăng cường chỉ đạo tập trung, thống nhất, chuyên sâu đối với TPHCM và các tỉnh phía Nam ở cấp liên vùng.
Lập tổ công tác đặc biệt của chính phủ
Chính phủ quyết nghị thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đặt tại TPHCM dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 để giải quyết ngay các vấn đề cấp bách, phát sinh trong công tác phòng, chống dịch tại thành phố và các địa phương đang giãn cách xã hội.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ là tổ trưởng, thứ trưởng của Bộ Công an và Bộ Y tế làm tổ phó, thứ trưởng các bộ gồm nông nghiệp và phát triển nông thôn, thông tin và truyền thông, lao động - thương binh và xã hội, xây dựng, công thương, giao thông vận tải và Chủ tịch UBND TPHCM làm tổ viên.
Các thành viên là thứ trưởng các bộ thực hiện quyền hạn của bộ trưởng trong việc trực tiếp giải quyết các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ mình và phối hợp với các thành viên tổ công tác để thực hiện việc điều phối chung của tổ.
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 trực tiếp chỉ đạo hoạt động của tổ công tác, nếu vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo phải thống nhất ở tầm quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, thường xuyên trao đổi với nhau để thống nhất các biện pháp phòng chống dịch, không tự ý đặt ra “giấy phép con” làm ách tắc, cản trở việc lưu thông hàng hóa và người thi hành công vụ.
Cần thực hiện tốt công tác vận tải, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương đang thực hiện giãn cách và các địa phương khác, bảo đảm cung ứng kịp thời hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.
Ban hành danh mục mua sắm phục vụ chống dịch
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan ban hành danh mục mua sắm tập trung đối với các sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế… phục vụ phòng, chống dịch.
Chính phủ cho rằng nhiệm vụ quan trọng và cấp bách hiện nay là việc đầu tư, mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế kịp thời, hiệu quả và được áp dụng quy định về mua sắm tại các Điều 22 và Điều 26 Luật Đấu thầu.
Bộ Y tế chủ trì cùng các bộ có liên quan dưới sự chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẩn trương hoàn thiện cơ chế, dự toán kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; hoàn chỉnh tờ trình và dự thảo nghị quyết của Chính phủ về cơ chế mua sắm phục vụ phòng chống dịch trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Có thể áp dụng các biện pháp cao hơn Chỉ thị 16
Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phải thực hiện nghiêm, hiệu quả hơn nữa. Căn cứ tình hình, diễn biến dịch trên địa bàn, các địa phương chủ động áp dụng các biện pháp phù hợp và có thể áp dụng các biện pháp với yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn quy định tại Chỉ thị 16.
Các địa phương phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện giãn cách để hạn chế chặt chẽ sự giao lưu, gặp gỡ giữa người với người; khắc phục các bất cập đã xảy ra vừa qua trong phòng chống dịch.
Các địa phương cũng phải rà soát ngay và đề xuất cụ thể yêu cầu hỗ trợ về nhân lực, nhất là bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế. Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Y tế tổng hợp và điều phối chung, bảo đảm không để thiếu hụt cũng như lãng phí tại các địa phương đang thực hiện giãn cách.
Chính phủ cũng yêu cầu rà soát năng lực tiếp nhận của các khách sạn, cơ sở lưu trú, trường học, ký túc xá sinh viên trên địa bàn và hạ tầng cơ sở vật chất khác... để sẵn sàng các phương án huy động kịp thời các cơ sở này thực hiện cách ly y tế trong trường hợp dịch bùng phát.
Các địa phương cũng phải làm khu cách ly cho công nhân của các cơ sở sản xuất an toàn, quản lý công nhân đi về để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm.
Trong nghị quyết này, Chính phủ cũng giao nhiệm vụ rõ ràng cho từng bộ trưởng và người đứng đầu các ngành. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Y tế chuẩn bị kịch bản cao về phòng chống dịch, không để thiếu bệnh viện, trang thiết bị y tế nhất là oxy, máy thở; chỉ đạo về mua sắm y tế, rút ngắn thời gian cách ly...
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tập trung chỉ đạo, hướng dẫn việc bảo đảm hàng hóa, nguyên liệu sản xuất, lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu được lưu thông thông suốt.
Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, doanh nghiệp liên quan thực hiện các biện pháp phù hợp, hướng dẫn, điều phối bảo đảm cung ứng hàng hóa.
Bộ Tài chính chủ động phương án cân đối nguồn tài chính để đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng chống dịch. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vay, trả nợ, bảo đảm cân đối vĩ mô.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan tăng cường xúc tiến, thúc đẩy việc mua vaccine, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị Covid-19...
Mời đọc thêm:
Pfizer sẽ bán cho Việt Nam thêm 20 triệu liều vaccine trong năm nay
Có thể điều trị cho 66.000 ca nhiễm Covid-19 cần đến thở oxy
Lái xe chở hàng hóa 'luồng xanh' được miễn phí xét nghiệm Covid-19
Các bộ thành lập tổ công tác đặc biệt phòng chống dịch tại TPHCM