Nhiều ngân hàng công bố gói giảm lãi suất cho vay
Dũng Nguyễn
(KTSG Online) – Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn tiến nghiêm trọng ở nhiều địa phương, các ngân hàng đồng loạt công bố giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu và ưu đãi vay mới.
Một số ngân hàng được nâng hạn mức tín dụng
Đồng thuận giảm lãi suất: kỳ vọng và thực tế
Giảm lãi suất bình quân 1 điểm phần trăm
Trong suốt tuần qua, lần lượt các ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay và những gói hỗ trợ liên quan đến những khoản vay chịu ảnh hưởng vì dịch bệnh Covid-19 và cả những khoản vay mới.
Vietcombank dự kiến giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp thuộc chín ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, giảm lãi suất 1%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Còn khách hàng vay vốn tiêu dùng giảm lãi suất 0,5%/năm.
Tuy nhiên, ưu đãi này sẽ không áp dụng với các khoản dư nợ đang được hưởng ưu đãi lãi suất và một số khoản vay khác như vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản.
Đại diện Vietcombank cho biết đây dự kiến là đợt giảm lãi lớn nhất trong năm 2021 với quy mô khoảng 1.800 tỉ đồng, còn dự kiến trong những tháng cuối năm sẽ khoảng 4.000 tỉ đồng, nâng tổng số tiền dự kiến hỗ trợ cả năm nay khoảng 6.100 tỉ đồng (tương ứng tăng 85% so với năm ngoái).
Hình minh họa: DNCC |
Đại diện Vietinbank cho biết ngân hàng dự kiến tổng số tiền hỗ trợ để giảm lãi và phí trong sáu tháng cuối năm là trên 2.000 tỉ đồng, cả năm là 6.000 tỉ đồng. Trong đợt này, ngân hàng giảm lãi suất ở mức 1%/năm với các khoản vay hiện hữu và giải ngân mới.
Agribank thì cho biết sẽ giảm tiếp 10 phần trăm so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên (không áp dụng đối với các khoản cho vay đã được ưu đãi lãi suất, miễn giảm lãi). Ước tính, với việc tiếp tục giảm lãi suất lần này, Agribank dành khoảng 5.500 tỉ đồng để hỗ trợ khách hàng.
Còn BIDV cho biết sẽ giảm lãi suất cho vay bình quân 1 điểm phần trăm đối với dư nợ hiện hữu, giảm tối đa đến 2 điểm phần trăm với nhóm khách hàng thuộc các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng, resort, khách sạn, vận tải, doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn,...
Tương tự, nhiều ngân hàng khác cũng công bố các gói hỗ trợ như VPBank, TPBank, MB, Sacombank, ACB, HDBank,... Đáng lưu ý là nhiều ngân hàng có đối tượng mục tiêu riêng biệt.
Chẳng hạn, ở VPBank, ngân hàng ưu tiên cho phân khúc khách hàng doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo đó, các khoản vay tín chấp được giảm lãi suất 1%/năm còn khoản vay thế chấp giảm 0,5%/năm.
Đối tượng ưu tiên khác là khách hàng cá nhân vay kinh doanh có thế chấp, các khoản vay hiện hữu sẽ được giảm 1%/năm cho đến hết kỳ trả nợ với khoản vay ngắn hạn và đến hết ngày 31-12-2021 với khoản vay trung và dài hạn.
Với các khoản vay mới sẽ giảm 1 điểm phần trăm lãi suất trong toàn thời gian vay với khoản vay ngắn hạn và giảm tương tự trong kỳ đầu tiên với các khoản vay trung-dài hạn. Các khoản vay tín chấp mới của khách hàng cá nhân và các hộ kinh doanh được phê duyệt từ ngày 20-7 đến tháng 10-2021, sẽ áp dụng giảm 1,5 điểm phần trăm lãi suất trong suốt khoản thời gian vay. Dự kiến, số tiền hỗ trợ giảm lãi suất ước khoảng 1.500 tỉ đồng.
HDBank công bố hỗ trợ dành riêng cho các khách hàng thuộc năm lĩnh vực ưu tiên, khách hàng thuộc địa bàn phong tỏa, giãn cách theo Chỉ thị 16, nhóm khác hàng thuộc lĩnh vực sản xuất các mặt hàng thiết yếu như y tế, thực phẩm,…
Chính sách trên không áp dụng cho các khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chứng khoán, hoặc đang được hưởng lãi suất ưu đãi hiện hành thấp hơn trên 1,5 điểm phần trăm so với lãi suất cho vay thông thường của HDBank. Dự kiến trong năm nay HDBank sẽ hỗ trợ cho hơn 18.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi và phát triển kinh doanh.
Còn TPBank cho biết ngân hàng này dự kiến giảm từ 0,5-1,2 điểm phần trăm lãi suất cho các khách hàng doanh nghiệp hoạt gặp khó khăn bởi dịch bệnh. Đại diện TPBank cho biết tổng dư nợ được nhận hỗ trợ của nhóm khách hàng này ước tính vào khoảng 18.188 tỉ đồng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng xem xét giảm lãi suất 1%/năm cho gần 26.300 tỉ đồng dư nợ nhóm khách hàng cá nhân.
Các nhà băng cho rằng hiện mặt bằng lãi suất đã thấp hơn trước. Ảnh: DNCC. |
Mặt bằng lãi suất đã thấp hơn trước
Không chỉ giảm lãi suất ở các khoản vay hiện hữu, nhiều nhà băng cũng khuyến khích khách hàng vay mới với lãi suất nằm trong các gói ưu đãi vừa công bố, hoặc cho biết sẽ tiếp tục công bố trong đợt cuối năm.
Theo đại diện VPBank, mức lãi suất hỗ trợ bình quân cho các khoản vay mới của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là khoảng 0,85 điểm phần trăm, còn khách hàng cá nhân được giảm đến 1,2 điểm phần trăm, trong đó mặt bằng lãi suất mới của các doanh nghiệp quy mô lớn cũng thấp hơn đến 1 điểm phần trăm so với trước đây.
Trong khi đó, đại diện TPBank chia sẻ lãi suất cho vay bình quân toàn danh mục cả ngắn và trung dài hạn của ngân hàng đã giảm khoảng gần 3 điểm phần trăm so với năm trước.
Như đã đưa tin, 16 ngân hàng cho biết sẽ cùng tham gia giảm lãi suất cho vay đồng loạt để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt đại dịch Covid-19. Điều này mang đến hy vọng mới cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư đang diễn biến phức tạp tại khu vực kinh tế năng động nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, ngay tại cuộc họp đồng thuận giảm lãi suất, bản thân các ngân hàng cũng “vạch rõ” giới hạn của việc đồng thuận giảm lãi suất. Theo đó, mức giảm sẽ linh hoạt phù hợp theo từng đối tượng được chọn lọc, chứ không phải “cào bằng”.
Đây không phải là lần đầu tiên các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản hồi rằng không nhân được sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía các nhà băng.
Đến làn sóng Covid-19 lần thứ tư này, hoạt động kinh doanh ngày càng khó khăn hơn trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành hiện vẫn phải đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Lãnh đạo các nhà băng đa phần đều cho rằng với diễn biến tình hình phức tạp như hiện nay thì vẫn phải theo sát và điều chỉnh chính sách theo thị trường liên tục.
Trong diễn biến có liên quan, NHNN cho biết vừa điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD), theo nguyên tắc đạt được mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và thực hiện chủ trương của Chính phủ “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế".
Ngoài các yếu tố như tình hình hoạt động, năng lực riêng, NHNN cũng sẽ ưu tiên đối với TCTD thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân. Như vậy, các tổ chức công bố gói giảm lãi suất hỗ trợ cũng đồng thời có nhiều cơ hội hơn để mở rộng tín dụng trong thời gian tới.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 5-2021, doanh số cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch lũy kế từ 23-1-2020 đạt trên 3,5 triệu tỉ đồng với hơn 480.000 khách hàng. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 258.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 337.000 tỉ đồng, Bên cạnh đó còn miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn hơn 677.000 khách hàng với dư nợ gần 1,28 triệu tỉ đồng. |
Xem thêm: lmth.yav-ohc-taus-ial-maig-iog-ob-gnoc-gnah-nagn-ueihn/006813/nv.semitnogiaseht.www