Đôi bạn cùng chí hướng Bùi Vũ Linh, Nguyễn Vũ Linh và cộng sự (từ trái qua) - Ảnh: LÊ VÂN chụp lại
Hành trình đầy gai góc, thậm chí nợ nần, thất bại nhưng họ vẫn kiên cường bước tới...
Một chàng lãng tử với mái tóc bồng bềnh ở Đất mũi Cà Mau có một quán cà phê nho nhỏ. Một chàng trai nhiều lần xốc nổi bỏ học chỉ vì mê làm nông. Họ đã tình cờ gặp nhau và quyết chí bắt tay khởi nghiệp từ mảnh đất bỏ hoang trên quê hương mình.
"Hai anh em Linh tụi mình giống nhau bởi cùng mê đất và chí làm giàu từ đất đai bỏ hoang ở quê hương, khi người trẻ cứ lần lượt bỏ đi không hẹn ngày về.
Nguyễn Vũ Linh
Hai người bạn cùng tên Linh
"Ở TP Cà Mau, tôi có quán nhỏ tên Ma Soeur Coffee & Cacao Tươi Cà Mau. Nơi quen thuộc để khách phương xa về Đất Mũi thưởng thức" - Bùi Vũ Linh, 38 tuổi, chàng trai biệt danh "Yogi lang thang", đã tìm được giá trị chính mình sau nhiều năm thăng trầm ở Sài Gòn.
Còn với Nguyễn Vũ Linh, chàng trai 27 tuổi, quê Kiên Giang, từ khi còn học cấp II đã luôn ước mơ trở thành... nông dân thay vì ông cử như bao người trẻ muốn thoát làng quê tìm về đô thị. Họ giống nhau không chỉ tên Linh mà còn ước mơ được sống đúng đam mê.
Năm 2018, Nguyễn Vũ Linh bất ngờ kết bạn với Bùi Vũ Linh qua mạng xã hội. Sau đó, Linh lớn tò mò về cách canh tác nông nghiệp của Linh nhỏ theo kiểu nhổ cỏ bằng tay, bón đất bằng phân vịt, để cỏ tự nhiên. Một ngày, Linh lớn quyết định tìm đến trang trại cậu em cùng tên để tận mắt chứng kiến cách làm nông này.
Linh lớn chia sẻ: "Anh em gặp nhau ở Kiên Giang, tôi xúc động vì câu chuyện của em Linh chia sẻ: làng mạc vắng tanh dù đất đai phì nhiêu, diện tích rộng lớn nhưng nhà nhà bỏ làng quê đi làm tại các nhà máy lớn. Chưa kể các hộ làm nông thì xịt thuốc trừ sâu quá nhiều, ảnh hưởng đất đai, ô nhiễm nước...".
Trở về Cà Mau, Linh lớn đã quyết tâm cùng Linh nhỏ làm một việc gì đó để góp phần thay đổi tư duy nông nghiệp của bà con. Anh tâm sự: "Tôi cảm thấy "quê" vì một số sản phẩm nông nghiệp của người Việt mình thường thua Thái Lan. Vì lòng tự tôn thương hiệu Việt và cũng không muốn em Linh cô đơn trên hành trình làm nông nghiệp sạch nên tôi góp một phần nào đó xây dựng An Mộc farm như hôm nay".
Trước đó, Linh lớn từng làm việc trong các hãng phim ở Sài Gòn. Anh chia sẻ: "Mình từng làm lĩnh vực tuyển diễn viên, địa điểm quay phim cho các công ty giải trí của Việt và Thái. Đã từng lên được vị trí Art director khi mới 24 tuổi, là nhân vật được lên truyền hình về những người trẻ tiêu biểu...
Nhưng mình cũng sa đà vào những cuộc ăn chơi của thế giới giải trí nên dần dần mất sức khỏe và không đảm bảo được công việc. Sau khi quan sát những người bạn, những người em, đồng nghiệp mệt mỏi trong lối sống đó, mình từ bỏ hết để về Cà Mau. Thật may mắn là mình đã gặp người chung chí hướng".
Công việc bây giờ của Linh lớn gần giống với chuyên môn cũ. Hiện anh phụ trách giám đốc kinh doanh và marketing cho An Mộc farm. Anh thành lập câu lạc bộ có tên "ĐỜI BOOKS" để giúp đỡ các bạn nhỏ lang thang cơ nhỡ như trong bãi rác, các chương trình gom sách, tài chính, quần áo cũ cho công tác xã hội.
Riêng Linh nhỏ, tức Nguyễn Vũ Linh, con đường làm nông khá gập ghềnh dù có định hướng và đam mê từ bé. Tốt nghiệp cấp II, anh bỏ học, trốn nhà lên với mẹ ruột đang buôn bán ở Sài Gòn. Ý định của Linh nhỏ là tìm việc làm thuê để kiếm tiền về quê mở trang trại.
Anh nhớ lại ân tình: "Khoảng năm 2011, mình làm ở xưởng cung cấp thực phẩm đóng gói cho siêu thị. Bà chủ đã khuyên mình học lại cấp III. Bà tạo điều kiện cho mình vừa học vừa làm thêm để trang trải học hành".
Sau đó, Linh nhỏ tốt nghiệp cấp III và đậu cùng lúc hai trường đại học, nhưng cậu lại không thích ngành học được chọn theo nguyện vọng là công nghệ thông tin. Linh quyết định đi nghĩa vụ quân sự 2 năm, rồi lại quày quả về Long An, Trà Vinh xin làm ở nông trại trồng cây.
Vừa đi làm vừa học quản lý nông nghiệp, Linh nhỏ đã hoàn thành khóa học từ xa ngành quản trị kinh doanh và vi sinh của một trường đại học ở Hà Lan. Làm ở Trà Vinh gần hai năm, Linh nhỏ lên Long An, trải nghiệm thêm một năm ở trang trại trồng nguyên liệu để thực hành kiến thức vi sinh.
Sau hai năm đi làm thuê, Linh nhỏ xin nghỉ việc, giã từ đồng lương ổn định. Từ đây, anh bắt đầu với An Mộc farm ở Kiên Giang bằng 3.000m2 đất mượn của gia đình, sau mở rộng bằng đất thuê. Trang trại của Linh nhỏ hiện đã rộng trên 17ha, bao gồm xưởng sản xuất nguyên liệu 350m2 có hệ thống phơi sấy, kho làm bột mì.
Trong hai năm 2017 - 2018 nhờ lối canh tác và sản phẩm có chiều sâu về nông sản, An Mộc farm đã ổn định nguồn nguyên liệu, có thị trường Bắc - Trung - Nam là các đơn vị liên kết đi xuất khẩu hoặc sản xuất trong nước.
Thu hoạch sâm ở An Mộc farm - Ảnh: LÊ VÂN chụp lại
Vượt qua bão thật và bão dịch
Tuy nhiên, An Mộc farm sau những thuận lợi ban đầu cũng liên tục gặp thách thức. Khó khăn đầu tiên là một cơn bão thật, cơn bão số 3 vào tháng 8 -2019 ở Kiên Giang. Nó đã quét sạch gần 10ha cây trồng nguyên liệu của An Mộc farm.
Linh nhỏ nhớ lại: "Bão lớn đúng mùa nước nổi miền Tây. Mưa dầm dề, cây trái mất trắng, chỉ còn thu một phần nhỏ do mưa và nước nhiều không kiểm soát được, thiệt hại 1ha khoảng 220 - 300 triệu đồng,10ha là gần 3 tỉ".
Sau cơn bão khi diện tích nuôi trồng của An Mộc phải thu gọn lại còn chừng 10ha thì làn sóng COVID-19 lại ập tới. Trong năm 2018 - 2019, An Mộc farm đã có các hợp đồng xuất khẩu nguyên liệu dược phẩm với Ấn Độ, Hàn Quốc. Mọi sự chuẩn bị đâu đó và trang trại đã đi vào nuôi trồng theo sản lượng cung ứng thì Ấn Độ vỡ trận vì COVID. Cây nguyên liệu họ đặt mua là sâm bố chính để làm thực phẩm chức năng chống ung thư không có đầu ra.
Linh nhỏ và Linh lớn buộc phải xoay các thị trường khác để đẩy hàng đi như Hàn Quốc, Thái Lan và một số doanh nghiệp trong nước, còn lại thì lưu kho. Đây cũng là một trong các lý do khiến các cổ đông không chịu nổi áp lực nên phải chia tách với An Mộc farm, dù đã gắn bó từ ngày đầu thành lập. "Qua những biến cố thì việc mất tiền, nợ nần và tình cảm rạn nứt là một bức tranh chung mà hầu hết những ai khởi nghiệp cũng phải nếm trải" - cả hai chàng trai cùng tên Linh chia sẻ.
May mắn là họ được sự hỗ trợ từ một người chị rất ủng hộ bạn trẻ khởi nghiệp ở Kiên Giang. Linh lớn chia sẻ: "Tụi mình không quên ân tình của chị Thu, giám đốc một hãng sơn ở Việt Nam. Chị đã cho tụi mình mượn tiền không tính lãi lời gì để vượt qua lúc bế tắc nhất".
Tài chính góp nhặt lại, An Mộc farm dành trả tiền thuê đất, nhân công cho việc duy trì và trồng thêm vùng nguyên liệu mới. Họ cũng được tỉnh Kiên Giang tài trợ gói nông nghiệp mũi nhọn để mở rộng nuôi trồng. Hiện An Mộc farm dự định phối hợp với vùng nguyên liệu U Minh Thượng để mở rộng sản xuất.
An Mộc farm có thể sống sót qua làn sóng dịch COVID thứ 3 rồi thứ 4 hiện nay nhờ sản phẩm chủ yếu là thức uống và thực phẩm có thể lưu kho lâu dài. Hiện farm chỉ duy trì việc thu hái, dự trữ cho mùa tết. Bên cạnh đó, hai chàng trai tên Linh cũng đa dạng các sản phẩm từ dược liệu, làm ra nhiều sản phẩm đáp ứng thị trường bán lẻ như cà phê, ca cao dược liệu, trà dưỡng sinh...
Họ bắt tay nhau cùng mở trang trại An Mộc để phủ xanh những mảnh đất hoang, và chú trọng các sản phẩm từ cây dược liệu như sâm bố chính, trà đậu biếc sấy, mì, bún, bột từ đậu biếc...
******
>> Kỳ tới: Không muốn "chai mông" ở văn phòng
Một cô gái đã khiến nhiều dân chơi môtô ở Sài Gòn trầm trồ và phó thác việc "lên đồ" cho những con xe đắt tiền của họ.
TTO - 'Đi săn mây, mở mắt giữa làn sương rừng buổi sớm', thoạt nghe như lời quảng cáo về chuyến du lịch nào đó. Nhưng không phải vậy! Có một 'gã lãng tử' dấn bước làm du lịch để được hòa mình giữa thiên nhiên…