Xe bánh mì, gánh bánh ướt, cơm tấm, bánh ít trần... là một số món ăn đường phố "ngon đừng hỏi" ở Sài Gòn - Ảnh: QUÂN NAM
Với những yếu tố khách quan này cộng thêm sự sáng tạo, kết hợp phương thức qua các món ăn đã tạo nên một thế giới ẩm thực Sài Gòn rất phong phú.
Năm 2017 kênh CNN chuyên mục du lịch đánh giá TP.HCM là "kinh đô ẩm thực Việt Nam" và là thành phố trong Top 23 nơi có món ăn đường phố hấp dẫn nhất thế giới. Năm 2019, World Travel Awards lại xướng tên Việt Nam tại giải thưởng "Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á".
Sự quan tâm của công chúng với ẩm thực dần đưa du lịch vào một xu hướng mới. Điều này vô tình tạo ra nhiều giá trị tích cực giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo lợi thế cạnh tranh cho điểm đến và nâng cao sự quan tâm của cộng đồng địa phương.
Tổ chức Du lịch ẩm thực thế giới (World Food Tourism Association - WFTA) ước tính du khách quốc tế thường dành 25% túi tiền cho các khoản chi tiêu ẩm thực trong suốt hành trình du lịch của họ, hơn hẳn các khoản chi tiêu lưu trú, mua sắm. Cũng theo WFTA, 81% du khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu các giá trị ẩm thực địa phương khi đặt chân tới điểm đến mới, vì họ tin rằng khám phá ẩm thực địa phương là cách tốt nhất để hiểu được giá trị nền văn hóa bản địa.
Trang Buzzfeed (Mỹ) từng ghi nhận 20 món ăn được du khách nước ngoài truyền tai nên thưởng thức khi tới Việt Nam và Sài Gòn luôn có đủ những món: bánh mì, phở, bún bò, bún riêu, hủ tiếu, miến gà, phá lấu, lẩu, đồ nướng, xôi gà, gỏi cuốn, bánh xèo, bún chả, chả cá, bò bía, bánh tráng nướng, bánh tráng trộn, các loại gỏi, trứng vịt lộn, các món chè...
Với slogan "Saigon - Ho Chi Minh City: The world of Street Food" (Sài gòn - TP.HCM: Thế giới của ẩm thực đường phố) làm thương hiệu quốc tế cho TP.HCM chưa hẳn là lựa chọn tốt nhất, nhưng tôi nghĩ nó khá tối ưu và cũng ít tốn kém. Để slogan này trở thành thương hiệu đích thực, đòi hỏi chúng ta cần một chiến lược rõ ràng, bài bản và cần làm:
1. Phối hợp chặt chẽ giữa Tổng cục Du lịch Việt Nam, Sở Du lịch thành phố, các doanh nghiệp khách sạn, nhà hàng, quán tiệm cùng các đối tác nước ngoài. Qua đó, đẩy mạnh công tác truyền thông du lịch và ẩm thực đường phố TP.HCM ra thế giới một cách chuyên nghiệp.
2. Định hướng nâng cao chất lượng các cơ sở ăn uống đạt chuẩn phục vụ du lịch theo hướng tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhằm xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, phân loại các cơ sở ăn uống đạt chuẩn, phải là những điểm thật tin cậy, hấp dẫn, an toàn, thân thiện.
Từ đó, khuyến khích các nhà hàng, quán ăn chuẩn hóa dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giúp khách du lịch nhận biết, sử dụng dịch vụ phù hợp thị hiếu, điều kiện kinh tế của họ.
Nên có những hệ "món ngon đường phố" quy hoạch theo hướng quảng bá, phát triển thương hiệu một cách hệ thống, chuyên biệt theo tính chất dòng ẩm thực chính - phụ, hệ món ăn vùng miền, hệ gia vị...
3. Tập trung bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên nghiệp cho những người dẫn đoàn, các hướng dẫn viên am hiểu rõ về văn hóa ẩm thực và ẩm thực đường phố nhằm mang đến nhiều trải nghiệm giá trị cho du khách.
Từ đó tiếp tục xây dựng các tour khám phá ẩm thực như đưa du khách cùng đi chọn món ngon, cùng tham gia vào quá trình chế biến; tổ chức các lớp nấu ăn với sự hướng dẫn của các đầu bếp nổi tiếng; chia sẻ với du khách về nét văn hóa ứng xử khi ăn uống theo truyền thống người Việt, từ đó nâng hành trình khám phá du lịch ẩm thực và ẩm thực đường phố lên tầm cao mới.
4. Lưu ý vấn đề chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, mỹ quan nhà hàng, quán xá. Việc bảo đảm vệ sinh, an toàn trong lựa chọn, chế biến, cung cấp thực phẩm phải là yếu tố hàng đầu.
5. Cần có một app chuyên về ẩm thực đường phố TP.HCM với đủ bản đồ, địa chỉ cụ thể, hệ thống các khu vực, nhà hàng, quán tiệm chuyên ẩm thực đường phố; giới thiệu những món ăn đường phố ngon, hấp dẫn, mô tả thành phần công thức, hình ảnh, giá cả...
6. Kết hợp các công ty chế biến thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn nghiên cứu, sáng tạo thêm nhiều món ăn đường phố mà du khách có thể mua mang theo sau khi rời khỏi TP.HCM. Nhãn mác, xuất xứ cần rõ ràng. Sản phẩm phải thêm nhãn phụ bằng tiếng nước ngoài để du khách quốc tế tiện theo dõi.
Làm được những điều trên, cộng với lợi thế về sự đa dạng, tôi tin rằng ẩm thực Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, đặc biệt là ẩm thực đường phố sẽ hội đủ nhiều điều kiện để trở thành động lực thu hút du khách.
TTO - Bạn Phan Khương gửi đến Tuổi Trẻ một "hệ thống ý tưởng" cho thấy có rất nhiều điều bạn nghĩ thành phố cần phải làm.
Xem thêm: mth.16882130112701202-ohp-gnoud-nogn-nom-auc-ioig-eht-et-couq-mat-gnan-mchpt-ek-neih-gnuc/nv.ertiout