Nhóm Giúp nhau mùa dịch được các bác sĩ lập ra để giúp đỡ người dân mùa dịch - Ảnh: MXH
Trước khi dịch bùng phát, có khoảng 40 - 60% bệnh nhân ngoại tỉnh đến TP.HCM điều trị nội trú và ngoại trú. Tuy nhiên khi TP áp dụng chỉ thị 16, việc đi lại khó khăn, số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế đã giảm đi. Tâm lý người dân cũng e ngại đến bệnh viện vì sợ nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Người dân được tư vấn nhiều loại bệnh
Thấu hiểu được khó khăn của bệnh nhân trong mùa dịch, rất nhiều y bác sĩ trên cả nước đã lập hội, nhóm thiện nguyện tư vấn bệnh online cho người dân hoàn toàn miễn phí.
Bác sĩ Đỗ Triều Hưng - tổng thư ký Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM, người khởi xướng hoạt động thiện nguyện này - cho biết dù không nằm trong diện điều động tham gia chống dịch nhưng các y, bác sĩ vẫn rất bận rộn với khối lượng công việc trong ngày, nhiều hơn cả trước đây. Khi thấy người dân đang gặp khó, các bác sĩ ai cũng hăng hái tham gia.
"Chống dịch là một cuộc chiến lớn nhưng không thể xem nhẹ những cuộc chiến song song, bởi ngoài dịch COVID-19 người dân còn phải chống chọi với nhiều căn bệnh khác. Chúng tôi mong muốn góp một phần công sức của mình để người bệnh vững tâm vượt qua giai đoạn khó khăn này", bác sĩ Hưng chia sẻ.
Khi đăng ký vào danh sách, tất cả bác sĩ đều để lại thông tin cá nhân như số điện thoại, chuyên khoa chữa trị và hệ thống sẽ cập nhật, bổ sung vào danh sách. Người dân có thể tìm hiểu thông tin trước về bác sĩ để có thể tìm đúng chuyên khoa phù hợp tình trạng bệnh của mình.
A lô là bác sĩ có ngay
Khi được kêu gọi tham gia vào hoạt động thiện nguyện tư vấn sức khỏe, bác sĩ Phạm Hùng Phong, khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), liền sắp xếp thời gian từ 17h - 23h mỗi ngày để dành riêng cho công việc ngoài giờ ý nghĩa này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Phong cho biết mỗi ngày đều nhận được từ 5-10 cuộc gọi, bệnh nhân ở các quận huyện TP.HCM như 10, Hóc Môn, Bình Thạnh... và các tỉnh thành khác. Ngoài ra, còn có cả bệnh nhân ở khu cách ly, khu vực đang bị phong tỏa không thể đến bệnh viện.
"Tùy vào tình trạng bệnh để tư vấn. Bệnh lý thông thường có thể tư vấn sử dụng thuốc tại nhà, nhưng đối với bệnh nhân có bệnh lý nặng như viêm gan B, C, viêm dạ dày... và những bệnh cần thăm khám trực tiếp, tôi sẽ hướng dẫn đến ngay cơ sở y tế", bác sĩ Phong chia sẻ.
Ngoài bác sĩ Phong, còn có hơn 130 bác sĩ khác trong danh sách thiện nguyện, và danh sách này liên tục được cập nhật mỗi tuần. Do nguồn nhân lực y tế ở các bệnh viện công được điều động khá nhiều vào công tác phòng chống dịch nên đa phần bác sĩ trong danh sách hiện công tác ở bệnh viện tư nhân. Nhưng chuyên môn lẫn tấm lòng y đức chắc hẳn đều to lớn như nhau.
"Bệnh viện" trực tuyến qua mạng xã hội
Trên mạng xã hội Facebook thời gian gần đây, một nhóm cộng đồng mang tên "Giúp nhau mùa dịch" được tạo nên bởi nhiều bác sĩ, giống như một "bệnh viện" online hoạt động 24/7. Số lượng hơn 30.000 thành viên, các bác sĩ trong nhóm này công khai tên, số điện thoại liên hệ, chuyên khoa và đơn vị công tác để người dân trực tiếp liên hệ khi cần tư vấn sức khỏe.
Nhóm được sự hưởng ứng tham gia của rất nhiều bác sĩ đến từ các bệnh viện, với nhiều chuyên khoa như đột quỵ, dinh dưỡng, da liễu, sinh sản, tai mũi họng, nội tổng quát...
Chỉ với một cuộc gọi đơn giản, các bác sĩ dày dặn kinh nghiệm sẽ giúp người dân giải đáp mọi thắc mắc, lo lắng về vấn đề sức khỏe.
Xem thêm: mth.20102149012701202-nad-ohc-ihp-neim-enilno-hneb-nav-ut/nv.ertiout