TTCK Việt Nam vừa bước qua nửa đầu năm 2021 thăng hoa rực rỡ với sự bứt phá mạnh của các chỉ số chứng khoán. Kết thúc phiên giao dịch 30/6, chỉ số VN-Index dừng tại 1.408,55 điểm, tăng 27,6% so với thời điểm đầu năm và là chỉ số chứng khoán tăng mạnh thứ 2 trên thế giới.
Cùng với sự bứt phá mạnh về điểm số, thanh khoản thị trường cũng bùng nổ với hàng loạt phiên giao dịch trên 15.000 tỷ đồng khiến hệ thống nghẽn lệnh, thậm chí những phiên giao dịch "tỷ đô" diễn ra khá dày đặc trong tháng 6. Giá trị khớp lệnh bình quân sàn HoSE trong quý 2 đạt 19.838 tỷ đồng/phiên, tăng 41% so với quý trước và gấp gần 5 lần cùng kỳ năm 2020.
Sự cải thiện thanh khoản thời gian qua có đóng góp không nhỏ từ các nhà đầu tư mới. Số liệu từ VSD cho biết trong nửa đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 620 nghìn tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng lượng tài khoản mở mới trong năm 2020 và 2019 cộng lại.
Bên cạnh việc nhà đầu tư mở tài khoản mới, sự bùng nổ thanh khoản không thể không nhắc tới yếu tố hỗ trợ từ dòng tiền margin. Theo ước tính của chúng tôi, dư nợ cho vay (chủ yếu là cho vay margin) trên toàn thị trường tính tới cuối quý 2/2021 vào khoảng 145.000 tỷ đồng (~6,3 tỷ USD) và đây là con số kỷ lục trên TTCK Việt Nam từ khi thành lập tới nay. So với quý trước đó, dư nợ cho vay của các CTCK trên thị trường đã tăng thêm khoảng 35.000 tỷ đồng. Cũng cần lưu ý, đây là số dư nợ không bao gồm cho vay 3 bên. Nêu tính thêm dư nợ từ cho vay 3 bên, con số thực tế sẽ lớn hơn rất nhiều 145.000 tỷ đồng.
Tính riêng 20 CTCK lớn nhất thị trường có dư nợ cho vay cuối quý 2/2021 lên tới 122.000 tỷ đồng, tăng khoảng 24.000 tỷ (+24%) so với quý trước và tăng gần 3 lần so với thời điểm thị trường tạo đáy tại vùng 660 điểm vào cuối quý 1/2020.
Dòng tiền margin từ các nhà đầu tư nội đã góp phần quan trọng giúp thị trường đứng vững trước áp lực bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại trong thời gian qua. Nửa đầu năm 2021, khối ngoại đã bán ròng khoảng 30.000 tỷ đồng trên HoSE, lớn hơn lượng bán ròng trong cả năm 2020. Thông thường mỗi khi khối ngoại đẩy mạnh bán ròng, diễn biến thị trường sẽ tiêu cực nhưng trong những quý gần đây, dòng tiền nội (bao gồm tiền margin) đã "cân" lại lực bán này.
Dư nợ cho vay SSI tăng trưởng mạnh, lần đầu vượt Mirae Asset kể từ quý 2/2019
Hầu hết các CTCK trên thị trường đều tăng trưởng dư nợ mạnh trong quý 2/2021. Nổi bật về tăng trưởng dư nợ trong quý vừa qua phải kể tới SSI với mức tăng trưởng 45,3% (QoQ) lên 16.159 tỷ đồng, vượt qua Mirae Asset (dư nợ 15.111 tỷ đồng) để trở thành CTCK có dư nợ cho vay lớn nhất thị trường. Đây cũng là lần đầu tiên dư nợ SSI trở lại vị trí số 1 thị trường kể từ quý 2/2019.
Trong top đầu các CTCK có dư nợ lớn nhất thị trường, VND và TCBS có mức tăng trưởng khá mạnh với 42% so với quý trước, đạt lần lượt 9.302 tỷ đồng và 8.569 tỷ đồng.
Trong khi đó, "ngôi sao" về thị phần môi giới chứng khoán VPS cũng có mức tăng trưởng dư nợ cho vay 16,4% so với quý trước lên 7.383 tỷ đồng.
Ở nhóm CTCK nhỏ, Pinetree tiếp tục giữ đà tăng trưởng ấn tượng về dư nợ cho vay với mức tăng gần 43% so với quý trước lên 948 tỷ đồng. Việc áp dụng chính sách ưu đãi phí giao dịch hàng đầu thị trường đang giúp Pinetree thu hút khách hàng và tăng trưởng mạnh dư nợ trong những quý gần đây.
Thời gian gần đây, áp lực cạnh tranh trong ngành chứng khoán đang diễn ra mạnh mẽ. Không chỉ các CTCK Hàn Quốc với lợi thế nguồn vốn giá rẻ, các CTCK nội cũng đẩy mạnh tăng vốn, đáp ứng nhu cầu của giới đầu tư trong bối cảnh thị trường bùng nổ, qua đó khiến cuộc đua dư nợ margin, thị phần trở nên khó đoán hơn bao giờ hết. Thống kê cho biết tính tới cuối quý 2/2021, có tới 26 CTCK có dư nợ cho vay trên 1.000 tỷ đồng, đây là điều chưa từng có trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.
Minh Anh
Doanh nghiệp và Tiếp thị