Trong phần phát biểu, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng dịch bệnh COVID-19 kéo dài từ năm 2020-2021 hết sức khốc liệt, nguy cơ có thể tái đi tái lại đến 2022, bên cạnh với công tác tiêm chủng vaccine thì vấn đề an sinh xã hội cũng rất quan trọng.
“Vì vậy, Quốc hội cần tiến hành giám sát về gói hỗ trợ 62.000 tỷ trong năm 2020 và gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng”, ông Ngân đề xuất.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề xuất giám sát gói 62.000 tỷ đồng và 26.000 tỷ đồng
Cách đây ít ngày theo báo cáo từ Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, NSNN đã chi 4.650 tỷ đồng cho hoạt động phòng, chống dịch cũng như hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Tính từ năm 2020 đến hết tháng 6/2021, đã chi 21.500 tỷ đồng.
Để tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ mua và sử dụng vaccine tiêm phòng COVID-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ bổ sung 1.237 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 13.300 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2020; thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 để huy động tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Trước đó trong buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được câu hỏi là có hay không việc thực hiện song song gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng trong Nghị quyết 68 mới được thông qua và gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong Nghị quyết 42 (được thông qua vào năm ngoái)?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết riêng Nghị quyết 42 đã có 14,4 triệu người được thụ hưởng với tổng số tiền từ ngân sách Nhà nước và các chính sách hỗ trợ khác khoảng 39 nghìn tỷ, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ là 13 nghìn tỷ đồng.
"Gói này có song song với gói theo Nghị quyết 42 không? Tôi nói là không. Gói 42 chỉ là gói ngắn hạn và đến 31/12/2020, tất cả các chính sách của gói 42 đã hết hiệu lực. Tiền còn lại đã theo chu kỳ ngân sách và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý chuyển sang sử dụng cho những công việc khác", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Giám sát khả năng chống chịu trong tương lai
Cũng liên quan đến vấn đề giám sát liên quan đến dịch bệnh COVID-19, đại biểu Lê Hoài Trung (đoàn Thừa Thiên - Huế) cho rằng năm 2021 là năm khởi đầu thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, nhưng lại chịu tác động lớn của đại dịch. Do vậy đại biểu Trung cho rằng chương trình giám sát làm sao thấy được 2 vấn đề:
Thứ nhất, việc xử lý đại dịch COVID-19 trong thời gian qua, hy vọng năm 2021 cơ bản kiểm soát được. Năm 2022 việc khắc phục được hậu quả, tác động tiêu cực về kinh tế -xã hội và nâng cao khả năng chống chịu, phòng những sự kiện như vậy trong thời gian tới ra sao?
Thứ hai, chúng ta cần phải làm gì để phát triển kinh tế xã hội, về hội nhập quốc tế để đạt được mục tiêu đề ra là đến năm 2025, chúng ta trở thành đất nước đang phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại.
“Vấn đề nhìn thấy được tác động của đại dịch và các biện pháp khắc phục, phòng chống dịch để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, phục hồi bền vững sau đại dịch, đồng thời thực hiện mục tiêu đại hội lần thứ XIII của Đảng rất quan trọng”, ông Trung nhấn mạnh.
Giám sát quản lý sử dụng tài sản công
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)
Cũng tại buổi thảo luận, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng Quốc hội cần thực chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý sử dụng tài sản công ở các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập.
“Tài sản công trong các đơn vị này được chuyển hóa từ công sang tư bằng nhiều thủ đoạn như đấu giá trá hình, chuyển đổi mục đích sử dụng. Thời gian qua cho thấy vi phạm rất nhiều nhưng thời gian qua lại ít kiểm tra, ít giám sát”, ông Vân đề xuất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.70831242112701202-gnod-yt-00062-av-gnod-yt-00026-iog-tas-maig-ioh-couq-taux-ed/et-hnik/nv.vtv