Tỷ phú Jeff Bezos của Amazon đã cảm ơn nhiều người, bao gồm cả nhân viên công ty sau khi có chuyến bay thành công vào vũ trụ. Thế nhưng nhiều người lại chỉ trích chuyến bay này dựa trên mồ hôi và nước mắt của những lao động phổ thông cũng như tiền thuế của nhân dân.
Sảy thai, đói ăn và trốn thuế
Khi cô Patty Hernandez, nhân viên của Amazon tại California-Mỹ xét nghiệm có thai, bác sĩ đã yêu cầu cô giảm nhẹ công việc để tránh bị sảy thai. Người mẹ 23 tuổi này đã đề nghị quản lý cho giảm nhẹ công việc khi phải vận chuyển những thùng hàng đến 22kg trong suốt 10 tiếng làm việc, thế nhưng chúng đã bị từ chối. Thậm chí người quản lý còn phê bình cô Hernandez vì đi vệ sinh quá nhiều trong giờ làm.
Thế rồi cái gì đến cũng phải đến, cô Hernandez xảy thai vào tháng 10/2020, thời điểm mà Amazon bùng nổ lợi nhuận nhờ đại dịch Covid-19 còn nhân viên thì phải gồng mình kiếm lời về cho ông chủ Jeff Bezos.
Tồi tệ hơn, cô không được cho nghỉ sau khi bị xảy thai. Amazon chỉ bồi thường cho cô một khoản phí nhỏ và sa thải người phụ nữ này với lý do làm việc kém hiệu quả.
Câu chuyện của cô Hernandez chẳng có gì lạ với những người từng làm cho Amazon. Số liệu của Văn phòng kiểm toán chính phủ Mỹ (UGAO) tại thời điểm cô Hernandez nghỉ việc cho thấy hơn 4.000 nhân viên Amazon phải sống nhờ vào trợ cấp lương thực vì chẳng đủ ăn.
Báo cáo này đã gây bất ngờ cho giới truyền thông bởi chương trình trợ cấp lương thực tại Mỹ chủ yếu nhắm đến những người có thu nhập thấp hoặc không có thu nhập nào cả chứ không được xây dựng cho những lao động có việc làm ổn định tại công ty tăng trưởng tốt như Amazon. Xin được nhắc là 70% số nhân viên Amazon sống dựa vào trợ cấp lương thực ở trên là lao động toàn thời gian.
Trong khi nhiều nhân viên phổ thông của Amazon vật vã vì dịch Covid-19 thì nhà sáng lập công ty lại ngày một giàu hơn và điều đáng ngạc nhiên là ông chẳng đóng nhiều thuế như mọi người vẫn nghĩ. Vào tháng 6/2021, báo cáo của Internal Revenue Service, hãng chuyên thu thập, phân tích số liệu thuế tại Mỹ cho thấy tỷ phú Jeff Bezos chẳng đóng đồng thuế nào trong năm 2007 và 2011.
Thậm chí có năm người đàn ông giàu nhất thế giới với 205 tỷ USD tài sản này vẫn xin nhận 4.000 USD tiền hỗ trợ chăm sóc con cái (Parental Tax Credit) trong chương trình vốn chỉ dành cho những hộ gia đình có thu nhập chưa đến 100.000 USD/năm.
Đồng quan điểm, hãng phân tích ProPublica vào tháng trước đã công bố báo cáo việc những tỷ phú như Jeff Bezos đã lách luật để trả ít thuế hoặc thậm chí chẳng thanh toán đồng thuế nào trong vài năm. Tính toán theo số thuế đã trả dựa trên số tài sản tăng trưởng thực tế, ProPublica cho biết tỷ phú Bezos chỉ trả 0,98% thuế trong khoảng 2014-2018.
Con số này chẳng đáng là bao so với mức thuế 14% với những hộ gia đình thu nhập 70.000 USD/năm tại Mỹ.
Trong khi đó, nghiên cứu của Viện thuế và chính sách kinh tế (ITEP) năm 2019 thì cho thấy Amazon thực tế chẳng phải thanh toán đồng thuế liên bang nào năm 2017-2018 nhờ những chiêu trò lách luật.
Chẳng phải tự nhiên mà Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố tăng thuế doanh nghiệp và thuế nhà giàu để đảm bảo công bằng trong mùa dịch Covid-19. Tháng 3/2021, Tổng thống Biden đã nêu đích danh Amazon là một trong các tập đoàn nên trả nhiều thuế hơn để giúp đỡ cho xã hội.
Thế rồi sau 1 đêm, tỷ phú Jeff Bezos thành công bay vào vũ trụ và hân hoan nhận những lời chúc mừng.
"Tôi muốn cảm ơn đến mọi nhân viên công ty Amazon cũng như các khách hàng bởi họ mới chính là những người chi trả cho chuyến bay này", tỷ phú Bezos nói sau khi hạ cánh thành công.
Có lẽ câu nói này của Bezos thực sự đúng, nhưng theo cách đen tối hơn mọi người vẫn lầm tưởng.
Không có tình người hay vì nhân loại?
Câu chuyện của cô Hernandez vẫn chưa là gì so với nhiều nhân viên khác tại Amazon. Việc giãn cách mùa dịch đã khiến các nhà kho của doanh nghiệp này ngập hàng với đội quân bốc dỡ, gói hàng và vận chuyển làm việc ngày đêm. Hệ quả là rất nhiều người bị quá tải với chế độ làm việc khắc nghiệt chạy đua tăng trưởng.
Để đạt thành tích tăng trưởng tốt trong tình hình nhu cầu tăng mạnh, các nhà quản lý Amazon đã đặt mức chỉ tiêu khá nặng cho các đơn vị giao hàng. Một trong những số đó là chế độ theo dõi chuyển hàng, tính đến từng phút khi các đơn vị giao hàng đưa sản phẩm đến từng khách hàng và quẹt mã nhận. Mỗi ca đi giao hàng cho vô số khách như vậy chỉ có 10 phút nghỉ, nếu không sẽ bị trừ lương.
Với đơn vị bốc dỡ, họ cũng phải đạt tiêu chuẩn kiểm tra và quét mã cho ít nhất 1.800 gói hàng trước khi xe tải rời nhà kho. Câu chuyện trở thành cao trào hơn nữa khi những bức ảnh về các chai đựng nước tiểu mà nhân viên Amazon phải dùng để tranh thủ đi vệ sinh trên xe được lan truyền trên mạng.
Những chai đựng nước tiểu được nhân viên và cựu nhân viên Amazon chia sẻ trên mạng
"Đúng vậy, những người lao động Amazon đã chi trả tiền chuyến bay đó với đồng lương thấp, thời gian làm việc khắt khe và một môi trường làm việc không có tình người, thậm chí nhân viên viên giao hàng còn chẳng có bảo hiểm y tế dù làm việc trong mùa dịch. Còn những khách hàng của Amazon thì phải chi trả cho chuyến bay bởi công ty đang độc quyền thị trường và chèn ép các doanh nghiệp nhỏ", Nghị sĩ Alexandria Ocasio Cortez đã mỉa mai lời cảm ơn của tỷ phú Bezos.
Lời mỉa mai của nghị sĩ Cortez có phần nào đúng khi các nhân viên cấp thấp của Amazon phải mạo hiểm làm việc trong mùa dịch mà chẳng có chế độ đãi ngộ tương xứng. Các nhà vệ sinh công cộng, nhà hàng hay quán nước đóng cửa buộc họ phải tự đi vệ sinh hay giải quyết các nhu cầu cá nhân trên xe mà không nhận được trợ giúp nào từ công ty. Có chăng chỉ là những chỉ tiêu doanh số, hệ thống theo dõi giám sát hay những khoản bồi thường "bố thí" lúc sa thải.
Tồi tệ hơn, khi những hình ảnh chai đựng nước tiểu của nhân viên và cựu nhân viên Amazon lan truyền trên mạng, doanh nghiệp này không chịu xin lỗi hay thừa nhận mà cho rằng có những nhân viên "cố ý" đi vệ sinh vào đó để kể khổ.
Thậm chí, công ty còn sử dụng nhiều hình thức răn đe, ép buộc người lao động giữ hình ảnh cho doanh nghiệp dù môi trường làm việc quá khắc nghiệt.
Chi nhánh Amazon tại Australia vốn được cho là thoải mái hơn tại Mỹ, thế nhưng điều tra của hãng tin ABC News năm 2019 lại cho thấy một văn hóa "sợ hãi" bao trùm lên cả doanh nghiệp khi các nhà quản lý tính toán, kiểm soát đến từng giây với nhân viên. Áp lực chỉ tiêu khiến nhiều người còn chẳng có thời gian mà đi vệ sinh.
Bất chấp các lời tố cáo từ cựu nhân viên cũng như điều tra của giới truyền thông, Amazon vẫn tuyên bố họ là nhà tuyển dụng lớn thứ 2 tại Mỹ và có một môi trường tuyệt vời cho người lao động. Tất nhiên, cổ đông và người tiêu dùng chỉ nhìn vào những con số lợi nhuận của công ty và hiệu quả giao hàng chứ chẳng mấy ai thực sự để ý đến nỗi khổ của những nhân viên trong mùa dịch Covid-19.
Ở phía ngược lại, hãng tin Bloomberg cho rằng thành công của tỷ phú Bezos sẽ có ích cho toàn nhân loại chứ không chỉ vì lợi ích cá nhân. Dù thành công của Bezos có dựa trên công lao của tập thể thì tầm nhìn cũng như sự nghiệp của nhà sáng lập Amazon đã tạo ra vô số việc làm, thay đổi ngành bán lẻ Mỹ. Thậm chí với thành công của chuyến bay vào vũ trụ, hàng loạt lợi ích như Internet rẻ hơn, phát triển ngành du lịch không gian hay đầu tư cho công nghệ hàng không sẽ được thúc đẩy nhờ tỷ phú Bezos.
Vậy còn bạn, bạn có nghĩ tỷ phú Bezos xứng đáng với những lời ngợi khen hay chỉ đơn giản lại là một tỷ phú khác sống trên mồ hôi, nước mắt của người lao động?
Huyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị