Cố Tổng thống Haiti Moise bị đem ra làm "bằng chứng" cho thuyết âm mưu "lãnh đạo quốc gia bị giết vì từ chối nhập vắc xin COVID-19 tiêm cho dân" - Ảnh chụp màn hình New York Times
Một số bài đăng đề cập đến các tổng thống của Haiti, Burundi và Tanzania, cố gắng lập luận rằng những người này chết vì không muốn nhập vắc xin COVID-19. Một bài đăng khác trên Instagram (hiện đã bị xóa) cũng đưa lãnh đạo Bờ Biển Ngà và Eswatini vào danh sách.
"Tất cả các nhà lãnh đạo này có điểm gì chung? Họ đều phản đối việc tiêm chủng cho công dân nước mình. Còn gì nữa? Tất cả bọn họ gần đây đều bị ám sát hoặc chết vì những tình tiết đáng ngờ", một bài viết trên Facebook nêu lập luận.
Một bài đăng khác trên Facebook thậm chí còn dự đoán kết quả tương tự cho tổng thống Madagascar.
"Madagascar cũng đang từ chối vắc xin. Mong là tổng thống của họ được an toàn và được bảo vệ vì lịch sử cho thấy điều gì sẽ xảy ra khi bạn từ chối vắc xin", trang Facebook có tên Redpill USA 3 hù dọa.
Một bài đăng khác tuyên bố tổng thống Madagascar đã qua đời trong khi ông này vẫn đang sống và khỏe mạnh.
Các bài viết trên Facebook và Instagram (cũng thuộc Facebook) nhận được hàng ngàn lượt thích và chia sẻ mỗi bài.
Báo USA Today của Mỹ ngày 20-7 đã làm một cuộc kiểm tra thông tin để bác bỏ các thuyết âm mưu vô căn cứ.
Theo USA Today, mặc dù có một số lưỡng lự lúc đầu, các quốc gia được nêu đều chấp nhận vắc xin hoặc đề nghị đổi loại khác, chứ không từ chối thẳng thừng như một số bài đăng trên Facebook.
Haiti đã từ chối lô vắc xin AstraZeneca từ COVAX do lo ngại tác dụng phụ và đề nghị đổi sang loại khác. Giới chức y tế Haiti sau đó đổi ý và cấp phép cho vắc xin AstraZeneca vào tháng 5, gần 2 tháng trước khi Tổng thống Moise bị ám sát tại nơi ở.
Bờ Biển Ngà, Eswatini, Zambia không từ chối vắc xin và đã nhận được từ vài chục đến nửa triệu liều vắc xin từ cơ chế COVAX.
Tanzania đã yêu cầu vắc xin vào giữa tháng 6 thông qua COVAX, theo báo Wall Street Journal. Madagascar cũng nhận được lô 250.000 liều AstraZeneca đầu tiên từ COVAX vào tháng 5 vừa qua.
USA Today nhấn mạnh không có bằng chứng nào cho thấy cái chết bất đắc kỳ tử của các lãnh đạo châu Phi liên quan việc họ từ chối vắc xin COVID-19.
Các nhà lãnh đạo của Haiti, Burundi, Tanzania, Eswatini và Bờ Biển Ngà đã bất ngờ qua đời trong những tháng gần đây nhưng không có gì bí hiểm. Các tổng thống của Madagascar và Zambia vẫn còn sống, trái ngược với các bài đăng trên mạng xã hội.
Tin giả là vấn đề nhức nhối, đặc biệt sau khi dịch COVID-19 bùng phát. Mặc dù Facebook và một số mạng xã hội khác đã có những nỗ lực giải quyết vấn đề, nhiều người cho rằng công ty vẫn làm chưa đủ và thiếu trách nhiệm.
TTO - Trong bài phát biểu hôm 19-7 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông mong các mạng xã hội sẽ hành động để cứu mạng người, thay vì “tự ái” bởi phát ngôn trước đó của ông.