Phán quyết của TAND Cấp cao tại TP HCM về vụ kiện đã có hiệu lực pháp luật và mới được công bố.
Theo bản án, ông Phạm là Việt kiều Anh. Năm 2010 ông về Việt Nam thăm quê hương sau gần 30 năm định cư ở nước ngoài và gặp lại bạn học cũ là ông Trần (64 tuổi, quê Trà Vinh).
Một năm sau, ông Trần khó khăn nên liên lạc nhờ giúp đỡ. Ông Phạm hai lần chuyển tiền cho bạn học cũ mượn, tổng cộng 10.000 bảng Anh. Năm 2012, ông Phạm hai lần chuyển thêm cho ông Trần 4.000 bảng.
Ông Phạm cho rằng nhiều lần liên lạc yêu cầu trả tiền nhưng ông Trần không đồng ý. Do đó, ông khởi kiện đòi vợ chồng người bạn cũ trả tổng cộng 14.000 bảng, tương đương 420 triệu đồng.
Quá trình TAND tỉnh Vĩnh Long thụ lý vụ án, ông Phạm rút lại một phần yêu cầu khởi kiện, đòi vợ chồng người bạn trả 10.000 bảng (300 triệu đồng) và không yêu cầu tính lãi.
Tường trình gửi cho tòa, ông Trần cho biết là bạn học với ông Phạm từ năm 1978. Trong thời gian người bạn đi định cư nước ngoài, cả hai thường xuyên liên lạc. Năm 2011, ông Phạm về nước có đưa vợ, con trai đến nhà ông chơi và gặp con gái ông. Cả hai gia đình có ý định làm thông gia nên cùng nhau đi du lịch. Sau khi quay về Anh, gia đình ông Phạm có thiện chí gửi cho con gái ông một ít tiền để cháu học tiếng Anh và sửa sang lại nhà cửa để sau này tổ chức đám cưới.
Ban đầu gia đình ông không đồng ý nhưng do người bạn nhiều lần thuyết phục nên mới nhận chứ không vay. Gia đình ông cũng chỉ nhận 10.000 bảng Anh chứ không phải 14.000 như phía nguyên đơn trình bày. Ông Phạm sau đó không liên lạc với gia đình ông nữa, cho đến năm 2019 thì đòi trả lại tiền. Vì thế ông không đồng ý trả.
Cuối năm ngoái, TAND tỉnh Trà Vinh xét xử sơ thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phạm, buộc ông Trần phải trả cho người bạn 300 triệu đồng.
Không đồng ý với phán quyết này, ông Trần kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Ông cho rằng, phía ông Phạm không đưa ra được chứng cứ chứng minh việc chuyển tiền là "cho mượn". Số tiền ông Phạm gửi về là tài sản chung của vợ chồng nhưng tòa án cấp sơ thẩm không đưa vợ ông này vào tham gia tố tụng. Trong khi đó, ông cung cấp cho tòa đoạn ghi âm vợ ông Phạm nói đây "không phải tiền vay mượn".
Bị đơn cũng cho rằng, tòa sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng, không thu thập các tài liệu chứng cứ liên quan đến số tiền ông Phạm gửi về.
Trong phiên phúc thẩm tại TAND Cấp cao tại TP HCM, ông Trần giữ nguyên quan điểm kháng cáo. Đại diện phía nguyên đơn cho rằng tòa sơ thẩm đã xử đúng nên đề nghị cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, HĐXX phúc thẩm đã chấp nhận đơn kháng cáo của ông Trần, sửa án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của ông Phạm.
Theo HĐXX, các biên lai gửi tiền phía nguyên đơn cung cấp không thể hiện tiền đưa ông Trần là "mượn" hay "cho". Trong khi đó những đoạn video vợ chồng ông Trần cung cấp thể hiện nội dung không thừa nhận mượn tiền của ông Phạm. Do hai bên không yêu cầu giám định nên cũng không đủ cơ sở xác định đây là tiền "mượn".
Căn cứ vào các tài liệu cấp sơ thẩm thu thập, trong đó có hình ảnh con trai ông Phạm chụp chung với con gái ông Trần, thì việc hai gia đình cùng đi du lịch chung là có thật. Các chứng từ chuyển tiền cũng thể hiện thời điểm gửi là sau lần gia đình ông Phạm về Việt Nam và hai nhà cùng đi du lịch. Thực tế, con gái ông Trần có đi học tiếng Anh và sửa sang nhà cửa.
Theo HĐXX, có căn cứ xác định, xuất phát từ việc ông Phạm và ông Trần là bạn học cũ và hai bên có hứa hẹn làm thông gia nên ông Phạm chuyển tiền cho con gái ông Trần để đi học tiếng Anh và sửa sang nhà cửa để tổ chức đám cưới như phía bị đơn trình bày. Vì vậy, tiền ông Phạm chuyển cho ông Trần là "tiền tặng cho chứ không phải mượn".
Hải Duyên
* Tên đương sự đã thay đổi.
Xem thêm: lmth.5528234-hna-gnab-000-01-iod-tuh-aig-ius-neik/ten.sserpxenv