Một cung đường, hai địa điểm, ba tại chỗ và... khổ đủ đường
TS. Võ Đình Trí (*)
(KTSG) - Trước tình hình dịch Covid-19 lan rộng, một số địa phương đã áp dụng chính sách “ba tại chỗ” (sản xuất tại chỗ tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ) và/hay “một cung đường, hai địa điểm” (một cung đường vận chuyển tập trung người lao động từ nơi sản xuất đến nơi ở của người lao động và ngược lại) đối với doanh nghiệp sản xuất.
Dĩ nhiên việc phòng chống dịch là ưu tiên hàng đầu. Các doanh nghiệp cũng phải gồng mình để vừa chống dịch vừa sản xuất vì không còn lựa chọn nào khác. Nhưng chính sách đưa ra có tính đến những thiệt hại của doanh nghiệp và người dân, rồi các giải pháp khắc phục là gì?
Nhiều doanh nghiệp đã chọn giải pháp cho công nhân ở lại nơi làm việc để duy trì sản xuất. Ảnh: VGP |
Khổ doanh nghiệp
Các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp đa phần thực hiện sản xuất theo đơn hàng có từ trước, nếu dừng đột ngột thì không chỉ bị thiệt hại về chi phí sản xuất mà còn bị bồi thường hợp đồng. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp này bằng mọi giá phải duy trì sản xuất nếu còn có thể.
Thử hình dung một doanh nghiệp cùng ngành nhưng đặt nhà máy tại Thái Lan hay Indonesia, không phát sinh các chi phí phòng, chống dịch như thế này và nếu còn được chính phủ ở đó hỗ trợ thì sức cạnh tranh của nhà máy ở Việt Nam trong thời gian tới sẽ bị giảm đáng kể. |
Nhưng khi chính sách “một cung đường, hai địa điểm” hay “ba tại chỗ” được đưa ra, dù không lên tiếng mạnh để phản đối nhưng khó khăn chồng chất khó khăn cho doanh nghiệp.
Trên một số phương tiện truyền thông, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ khó khăn của mình trong việc thực hiện “một cung đường, hai địa điểm” vì thực tế không thể thực hiện được nếu tuân thủ quy định một cách cứng nhắc, chẳng hạn có một điểm đến (là nơi sản xuất) nhưng không thể có một điểm đón (do phải thuê nhiều khách sạn ở các điểm khác nhau cho người lao động lưu trú chứ một khách sạn không đủ chỗ).
Với chính sách “ba tại chỗ”, không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện để thu xếp nơi nghỉ ngơi tại chỗ cho người lao động. Trong trường hợp tìm thuê địa điểm tập trung bên ngoài nhà xưởng, việc tìm được chỗ phù hợp là hết sức khó khăn. Bởi vì, các doanh nghiệp gần nhau, trên cùng một địa bàn, khi phát sinh nhu cầu đột ngột cùng một lúc thì không thể nào có nguồn cung đủ đáp ứng.
Trong khả năng tính toán mức thiệt hại nhỏ hơn so với đóng cửa nhà máy và bồi thường hợp đồng thì các doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục gồng. Nhưng rồi sức khỏe của doanh nghiệp sẽ ra sao?
Kể từ đợt dịch năm ngoái, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến được với doanh nghiệp rất ít. Trong khi đó, ở nhiều nước, việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp là rất tích cực. Lấy ví dụ như ở Pháp, trong các đợt giãn cách trước, các doanh nghiệp sản xuất vẫn duy trì hoạt động, thực hiện giãn cách tại nhà máy với các yêu cầu phòng, chống dịch nghiêm ngặt. Nhưng, các chi phí phát sinh đều được chính phủ hỗ trợ một cách trực tiếp hay gián tiếp. Mới đây, Bộ Tài chính Pháp dự tính chi phí hỗ trợ cho các doanh nghiệp tăng từ 7,5 tỉ euro/tháng lên đến 11 tỉ euro/tháng.
Các khoản chi phí phát sinh của doanh nghiệp khi thực hiện... “1, 2, 3” nếu không được hỗ trợ thì sẽ là một gánh nặng đáng kể cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính, cũng như sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Thử hình dung một doanh nghiệp cùng ngành nhưng đặt nhà máy tại Thái Lan hay Indonesia, không phát sinh các chi phí phòng, chống dịch như thế này và nếu còn được chính phủ ở đó hỗ trợ thì sức cạnh tranh của nhà máy ở Việt Nam trong thời gian tới sẽ bị giảm đáng kể.
Khổ người lao động
So với một số ngành nghề bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19, người lao động còn duy trì được việc làm được xem là may mắn. Nhưng, làm việc trong điều kiện thực hiện chính sách “ba tại chỗ” là một khó khăn không hề nhỏ của người lao động.
Những hình ảnh đăng tải trên các phương tiện truyền thông cho thấy ngay cả những doanh nghiệp có điều kiện thì nơi nghỉ ngơi của người lao động là hết sức đáng ngại. Sau ca làm việc dài, nơi nghỉ ngơi là sàn gạch cứng thì nhiều người khó mà giải tỏa được sự mệt mỏi trước đó, hồi phục lại năng lượng cho ca làm việc tiếp theo.
Thêm vào đó, thực hiện ba tập trung thì thu xếp việc gia đình như thế nào trong trường hợp gia đình có con nhỏ? Thử hình dung nếu cả hai vợ chồng cùng làm trong doanh nghiệp thực hiện ba tập trung thì ai sẽ chăm lo cho đứa trẻ trong giai đoạn này? Tại thời điểm căng thẳng nhất ở Pháp, người lao động vẫn đi làm nhưng không có trường hợp phải ở lại nơi làm việc. Các nhà trẻ, trường học phải mở cửa để nhận con của những trường hợp bố mẹ phải đi làm.
Có những trường hợp, người lao động còn phải chăm sóc cha mẹ già. Việc giãn cách xã hội khiến cho cuộc sống bị đảo lộn vì không tìm được các giải pháp thay thế trong lúc này. Cũng nhớ lại những người cao tuổi ở Pháp, khi giãn cách xã hội thì chính quyền địa phương nhiều nơi thực hiện cung cấp các bữa ăn miễn phí đến tận nhà, được thực hiện từ các bếp ăn tập trung của địa phương.
Việc tích cực phòng chống dịch là rất quan trọng, và cần ưu tiên sức khỏe hơn kinh tế. Các doanh nghiệp dĩ nhiên phải tính toán cân nhắc bài toán chi phí và hiệu quả để từ đó tìm giải pháp tối ưu phù hợp nhất với điều kiện của doanh nghiệp mình. Các chính sách vì vậy nên theo hướng nguyên tắc (principles) thay vì quy định “rules” trong giai đoạn này. Nghĩa là, chỉ cần doanh nghiệp đảm bảo được việc tuân thủ 5K, kiểm soát chặt và ứng phó kịp thời khi có ca nhiễm mới thì doanh nghiệp có thể chủ động trong việc tổ chức hoạt động sản xuất của mình. Các quy định quá chi tiết, cứng nhắc, trên thực tế đang tạo thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TPHCM (HBA), cho biết tính đến 12 giờ trưa ngày 15-7-2021, phần lớn doanh nghiệp vẫn quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: giữ chân công nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh và tổ chức đi lại, ăn, ở cho công nhân theo quy định mới. Khu công nghệ cao TPHCM đã có 70/85; Khu chất xuất Tân Thuận có 110/250 doanh nghiệp đăng ký tiếp tục hoạt động. Tổng cộng có 353/556 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TPHCM tiếp tục hoạt động. Từ 0 giờ ngày 15-7, theo quy định của TPHCM, những doanh nghiệp không đáp ứng được quy định vừa sản xuất vừa cách ly cho công nhân theo phương châm “một cung đường, hai địa điểm” hay “ba tại chỗ” phải tạm ngừng hoạt động. Theo NLĐ |
(*) Trường đại học Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global
Xem thêm: lmth.gnoud-ud-ohk-av-ohc-iat-ab-meid-aid-iah-gnoud-gnuc-tom/575813/nv.semitnogiaseht.www