Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra của Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn
Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm, do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày tại Quốc hội sáng 22-7, cơ bản tán thành báo cáo của Chính phủ, khi tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 5,64%.
Mặc dù kết quả này thấp hơn mục tiêu, nhưng là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Thu, chi ngân sách đạt kết quả khả quan, thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỉ giá ổn định, tín dụng dần phục hồi, lãi suất cho vay giảm.
Tuy vậy, báo cáo thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn việc thực hiện các gói hỗ trợ an sinh xã hội hiện còn chậm, tỉ lệ giải ngân thấp, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Đáng chú ý, chiến lược vắc xin gặp nhiều thách thức, tỉ lệ dân số được tiêm chủng còn thấp; nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì không có đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vắc xin.
Mặc dù CPI đạt mức thấp, song Ủy ban Kinh tế cảnh báo tình trạng bong bóng tài sản, giá cả có xu hướng tăng cao, gây áp lực lạm phát. Tình trạng sốt nóng thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán có thể gây hệ lụy cho kinh tế vĩ mô.
Đặc biệt, các khoản nợ xấu tiềm ẩn còn ở mức cao, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 483,2 nghìn tỉ đồng, tương ứng tỉ lệ 4,71%.
Trước các thực trạng trên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ kiên trì thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép" phù hợp với thực tiễn và địa bàn cụ thể. Thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển "quỹ vắc xin"; thông tin đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng; đa dạng hóa nguồn cung, đẩy mạnh sản xuất vắc xin trong nước.
Triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp với phương châm "cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh" chuẩn bị cho giai đoạn hậu COVID-19; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí...
GDP bình quân 5 năm tới 6,5-7%, GDP bình quân đầu người 4.700-5.000 USD
Trước đó, trong báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay tăng trưởng bình quân 5 năm qua đạt khoảng 6%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao.
Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân chưa đạt mục tiêu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức chống chịu và cạnh tranh, tính độc lập tự chủ của nền kinh tế chưa cao.
Mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 5 năm tới là GDP bình quân 6,5-7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700-5.000 USD. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm. Tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước bình quân 3,7% GDP.
TTO - Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và tác động nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống người dân, rất cần Quốc hội hiến kế để có những quyết sách quan trọng nhằm đảm bảo mục tiêu kép.
Xem thêm: mth.66171300122701202-nix-cav-yuq-neirt-tahp-aoh-ioh-ax-hcihk-neyuhk/nv.ertiout