Sáng nay (22/7), Quốc hội đã nghe Báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Báo cáo thẩm tra báo cáo này.
Sau 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, kinh tế vĩ mô dần ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên; đặc biệt, trong 4 năm đầu đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch.
Năm 2020, mặc dù dịch bệnh COVID-19 bùng phát tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân tộc, đất nước đã vừa tập trung phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội nên kết quả tổng thể, giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 đã đạt những thành tựu rất quan trọng, toàn diện, với nhiều dấu ấn nổi bật.
Về kế hoạch 5 năm tới, Chính phủ nhận định tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp; cùng với dịch bệnh, thiên tai khó kiểm soát đòi hỏi không chỉ phải hóa giải các nguy cơ, thách thức, mà còn phải tích cực, chủ động trước thời cơ mới, trên cơ sở bám sát quan điểm của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. (Ảnh: TTXVN)
Trong 5 năm tới, Chính phủ đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu; 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội XIII của Đảng đề ra. Cụ thể, Chính phủ phấn đấu đấu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%. GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700 - 5.000 USD. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mỗi năm từ 1 - 1,5%.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc Hội cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ. Khẳng định 5 năm qua, công tác điều hành của Chính phủ tiếp tục có nhiều đổi mới. Chính phủ đã tập trung xử lý các vấn đề kinh tế - xã hội khó khăn, thể hiện sự quyết liệt, năng động, nhất quán, sâu sát. Môi trường đầu tư, kinh doanh; thủ tục hành chính; điều kiện kinh doanh; kiểm tra chuyên ngành được cắt giảm thực chất. Xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 20 bậc, năng lực cạnh tranh toàn cầu tăng 10 bậc.
Về phương hướng trong 5 năm tới, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế cho phát triển; thực hiện 3 đột phá chiến lược; hoàn thiện hệ thống pháp luật; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Báo cáo thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ cần chú trọng công tác tổ chức thực hiện, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; khắc phục triệt để việc nợ đọng văn bản; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
VTV.vn - Ủy ban Kinh tế tán thành với Báo cáo của Chính phủ về những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm; đồng thời đánh giá cao việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.73643639122701202-7-56-tad-5202-1202-naod-iaig-nauq-hnib-pdg-uad-nahp/et-hnik/nv.vtv