Các doanh nghiệp đáp ứng điều kiện sẽ được vay lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho công nhân - Ảnh: NGỌC HIỂN
Đó là các câu hỏi được nhiều doanh nghiệp đặt ra khi Chính phủ ban hành nghị quyết 68 có chính sách hỗ trợ vay vốn trả lương cho người lao động bị ngừng việc.
Trước thắc mắc này, ông Trần Văn Tiên - giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM - đã giải đáp về điều kiện, thủ tục vay vốn cũng như những điểm mới của nghị quyết để doanh nghiệp tiếp cận chính sách.
Đã có 8 doanh nghiệp muốn vay trả lương 3.000 lao động
Cụ thể, ông Tiên cho hay nghị quyết số 68 của Chính phủ quy định người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính do tác động của dịch COVID-19 sẽ được vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương ngừng việc cho người lao động và phục hồi sản xuất.
Hiện nay, phía ngân hàng đã khởi động, đã có thể nhận hồ sơ và có thể cho vay. Đến ngày 19-7, ngân hàng đã hướng dẫn hồ sơ cho 8 doanh nghiệp tại TP.HCM vay để trả lương cho 3.000 lao động với số tiền đề nghị vay 13 tỉ đồng.
Theo ông Tiên, lần này chính sách cho vay ngừng việc được quy định có hai dạng chính, đó là cho người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho lao động và cho vay để trả lương người lao động khi phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo ông Tiên, việc cho vay trả lương khi phục hồi sản xuất kinh doanh là vấn đề mới với hai dạng vay rất đặc biệt:
Một là doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan chức năng để phòng chống dịch.
Thứ hai, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Đối với lĩnh vực thứ hai, các doanh nghiệp không cần có yêu cầu ngừng việc, chỉ cần có nhu cầu vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh và đủ điều kiện thì được phép cho vay.
Doanh nghiệp phải có phương án phục hồi sản xuất
Về điều kiện để được cho vay, ông Tiên cho hay doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện mấu chốt như sau:
Nếu vay để trả lương ngừng việc, người lao động của doanh nghiệp phải ngừng việc từ 15 ngày trở lên, đang tham gia bảo hiểm xã hội và doanh nghiệp không có nợ xấu ở các tổ chức tín dụng trong, ngoài nước.
Đối với doanh nghiệp vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất, doanh nghiệp cần phải có yêu cầu tạm dừng hoạt động của cơ quan nhà nước, có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội và doanh nghiệp phải có phương án, kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh, không có nợ xấu.
“Việc yêu cầu có phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh là vấn đề mới, không có mẫu hướng dẫn sẵn, tuy nhiên khá đơn giản khi doanh nghiệp chỉ cần nêu đã trải qua khó khăn gì, doanh nghiệp dự kiến sản xuất ra sao. Trong đó, cái quan trọng là doanh nghiệp dự định sử dụng các lao động muốn vay vốn để trả lương ra sao”- ông Tiên nói.
Còn đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, ngoài các yêu cầu trên, doanh nghiệp cần đáp ứng điều kiện riêng là người sử dụng phải hoàn thành quyết toán thuế 2020 tại thời điểm vay vốn.
Ông Tiên cho biết theo quy định của Chính phủ, việc vay vốn không cần đảm bảo tải sản, lãi suất 0%, thời vay không quá 12 tháng, mức vay bằng mức lương tối thiểu vùng cho một lao động, mỗi lao động được vay không quá 3 tháng.
Trụ sở của doanh nghiệp ở đâu, đến ngân hàng ở quận huyện đó vay
Về tiếp nhận hồ sơ vay vốn, ông Tiên cho hay mỗi địa bàn đều có ngân hàng chính sách cấp quận huyện, ngân hàng sẽ cho vay trực tiếp đối với người sử dụng lao động. Doanh nghiệp có trụ sở hoạt động ở quận huyện nào, ngân hàng chính sách xã hội ở quận huyện đó sẽ cho vay.
Đối với chi nhánh của doanh nghiệp, ông Tiên cho biết cách thức cũng tương tự, chi nhánh nằm ở đâu thì doanh nghiệp liên hệ với ngân hàng chính sách xã hội nơi đặt chi nhánh để vay vốn.
HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19
Từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.
Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ trong 15 ngày để dập dịch.
TTO - Dịch COVID-19 khiến cho hoạt động của các tiểu thương bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều chợ truyền thống tại TP.HCM phải đóng cửa trong thời gian dài. Vậy những hộ kinh doanh này sẽ được hỗ trợ ra sao?