Rau, củ được các đơn vị bán hàng lưu động nhập về kho tổng trước khi chia đến các điểm bán - Ảnh: N.TRÍ
Theo Sở Công thương TP.HCM, trong 798 điểm bán với 866 lượt xe bán hàng lưu động phân bổ trên địa bàn các quận huyện, Sở Công thương tổ chức 260 điểm bán với 348 lượt xe theo đề xuất điểm đăng ký của các quận, huyện với 109 tấn hàng hóa và 110.700 quả trứng.
Trong số đó, nhiều nhất là quận 7 với 35 điểm; Bình Thạnh: 41 điểm; TP Thủ Đức: 32. Các quận huyện không đăng ký bán hàng lưu động gồm: quận 4, quận 5, quận Tân Phú và huyện Cần Giờ).
Còn lại, Viettel Post tổ chức 340 điểm bán với 340 lượt xe, hàng hóa là 256 tấn. VN Post tổ chức 198 điểm bán với 198 lượt xe hàng hóa 50 tấn và 10.000 quả trứng.
Theo Sở Công thương TP.HCM, số lượng các chuyến xe và khối lượng hàng bán lưu động đang có xu hướng ngày càng tăng, và thêm nhiều đơn vị tham gia.
Cụ thể, trong ngày 22-7, TP đã tổ chức được 77 điểm bán và 87 lượt xe bán hàng lưu động phân bổ trên địa bàn các quận - huyện với tổng lượng hàng hóa trong ngày gồm 19 tấn thực phẩm các loại (rau củ quả, thịt, đồ khô…) và 14.000 quả trứng.
Là một trong số các đơn vị tổ chức bán hàng lưu động, đại diện Viettel Post cho biết hiện trung bình mỗi ngày đơn vị bán ra 30-40 tấn rau, củ các loại với giá bán bình ổn thông qua 23 điểm bưu cục và bán online. Trong đó, đơn hàng online chiếm đa số với hiện bình quân mỗi ngày 3.000-4.000 đơn hàng.
Tương tự, đại diện Công ty Bảo Yến cho biết dù là đơn vị vận tải nhưng được Sở Công thương hỗ trợ nên đơn vị đã xây dựng mô hình bán hàng lưu động bằng xe buýt với hiện trung bình mỗi ngày bán ra 2-3 tấn rau, củ cho trên dưới 10 điểm bán tại nhiều quận huyện.
Đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết mô bình bán hàng lưu động được đơn vị vận động và hỗ trợ liên kết nguồn hàng đã giúp nhiều doanh nghiệp mạnh dạn tham gia, giải quyết phần nào nhu cầu người dân. Theo đó, các đơn vị tham gia phải cam kết giá bán bình ổn, đảm bảo các yêu cầu về tổ chức điểm bán, phòng chống dịch bệnh.
Cũng theo sở này, hiện TP có 205 chợ tạm ngưng hoạt động nên nhiều người dân gặp khó với việc tiếp cận mặt hàng thiết yếu, do đó mô hình bán hàng lưu động sẽ được TP tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới với quy mô và phạm vi lớn hơn để hỗ trợ người dân.
TTO - Theo Sở Công thương TP.HCM, tính đến chiều 22-7, TP Thủ Đức, quận 1, 3, 4, 6, 7, 8, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, huyện Nhà Bè là các địa phương hiện đã đóng toàn bộ các chợ trên địa bàn.