Tại điểm tiêm vắc xin ở nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng, quận 11, TP.HCM sáng 22-7, người dân xếp hàng ngồi chờ tiêm trong trật tự, giữ khoảng cách an toàn nh: QUANG ĐỊNH
Tình hình tiêm vắc xin ngày đầu tại nhiều điểm tiêm diễn ra trong trật tự, an toàn, khoa học hơn. Theo kế hoạch, TP.HCM có hơn 600 điểm tiêm vắc xin và dự kiến trong 2-3 tuần sẽ tiêm xong số vắc xin được phân bổ, ưu tiên cho người cao tuổi, có bệnh nền và người nghèo.
Tiêm ngừa ở tuổi 102
"Khi biết mình sẽ được tiêm vắc xin đợt này, tôi vui quá! Trưa nay quyết định không ngủ để chờ đến giờ đi tiêm. Nhiều người trong xóm tôi bất kể trước kia làm ngành nghề gì cũng được phường gọi đi tiêm cùng. Tôi mong sẽ có nhiều người hơn nữa được tiêm vắc xin ngừa bệnh trong những ngày tới" - bà Hà Thị Nhu (83 tuổi, quận Gò Vấp) nói.
Cùng chung cảm xúc, ông Trần Văn Đợi (70 tuổi, TP Thủ Đức) cho hay rất phấn khởi khi được tiêm vắc xin dù sức khỏe của ông yếu, đi lại khó khăn, cần sự hỗ trợ của người thân và nhân viên y tế. Khi khám sàng lọc, huyết áp ông liên tục ở mức cao, các bác sĩ phải dặn dò hít thở sâu, nghỉ ngơi và cho uống thuốc. "Ở nhà huyết áp 160/100 mmHg. Khi đến đây tiêm thì lên 182/100 mmHg. Tôi lo nhưng vui nhiều hơn khi được tiêm vắc xin" - ông Đợi nói.
Dù 102 tuổi, cụ bà Đào Thị Kim Cúc - người cao tuổi nhất phường 10, quận Phú Nhuận - vẫn minh mẫn và có sức khỏe ổn định nên được gia đình đăng ký tiêm vắc xin đợt này. Khi được chở đến điểm tiêm, bà có thể một mình di chuyển không cần đến sự hỗ trợ từ người con trai đi cùng. Bà cho biết bản thân rất vui. Với chỉ số huyết áp lần đầu khá cao nên bà được các bác sĩ hướng dẫn đến phòng cấp cứu để theo dõi thêm. Khoảng 1 tiếng sau, khi huyết áp đã ổn định, bà được tiêm bình thường.
"Tôi không thấy lo lắng vì tiêm vắc xin sẽ giúp bản thân mình an toàn hơn trước dịch bệnh. Tôi rất biết ơn cơ quan y tế đã đặc biệt quan tâm đến những người cao tuổi như chúng tôi" - bà Cúc vui vẻ nói.
Người dân được đo huyết áp, nhịp tim trước khi tiêm vắc xin AstraZeneca tại điểm tiêm Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP.HCM trưa 22-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hẹn người dân trước
Theo kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 đợt 5 tại TP.HCM, việc lập danh sách người tiêm do các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc nhóm ưu tiên tiêm vắc xin thực hiện. Danh sách được nhập vào hệ thống đăng ký tiêm thống nhất (địa chỉ: https://form.tphcm.gov.vn) và được chuyển về từng địa phương để tổ chức tiêm.
Bà Võ Thị Xuân Mai - đại diện UBND phường 3, quận Gò Vấp - cho biết ngày 23-7 quận Gò Vấp dự kiến tiêm cho 500 người tại 4 phường, mỗi phường 120 người. Người dân được thông báo qua tin nhắn hoặc cuộc gọi từ cán bộ phường thời gian tiêm cụ thể để tránh tập trung đông người.
Trong đợt tiêm lần thứ 5, Bệnh viện quận Phú Nhuận là điểm tiêm duy nhất trên địa bàn quận dành cho người trên 65 tuổi và người có bệnh lý nền. Ngoài ra quận còn tổ chức 4 điểm tiêm cộng đồng dành cho các nhóm khác.
Bà Trần Thị Huê - chủ tịch UBND phường 10, quận Phú Nhuận - cho biết trong ngày 22-7 ưu tiên tiêm cho người từ 70 tuổi trở lên, những ngày sau sẽ tiếp tục tiêm cho người từ 65 tuổi. Người tiêm lần này là người cao tuổi có các bệnh nền nên phường và đội ngũ y bác sĩ tại điểm tiêm đặc biệt quan tâm công tác sàng lọc và theo dõi sau tiêm.
"Phần lớn những cụ lớn tuổi hoặc các cụ có bệnh lý nền thì sau khi tiêm xong bên phường đều liên hệ lại để hỏi thăm tình hình sức khỏe các cụ" - bà Huê cho biết.
Trong chiều 22-7, đã có 200 người dân trên 65 tuổi được tiêm tại điểm tiêm trên đường Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp - Ảnh: CHÂU TUẤN
Test nhanh, cấp giấy xác nhận tiêm tại chỗ
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 22-7 tại các quận 11, Phú Nhuận, Gò Vấp... và TP Thủ Đức, việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 diễn ra trật tự, an toàn, đảm bảo giãn cách. Những người được tiêm trong ngày đầu chủ yếu là người trên 65 tuổi, có bệnh nền.
Tuy sáng 22-7 mưa to nhưng tại nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng (quận 11), lực lượng chức năng tất bật triển khai tiêm vắc xin cho người trên 65 tuổi. Người dân khi đến cửa ra vào được đo thân nhiệt và hướng dẫn đảm bảo giãn cách đi vào khu vực khai báo y tế.
Còn tại điểm tiêm Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), nhiều cán bộ hưu trí trên 65 tuổi đã có mặt đúng lịch hẹn. Đặc biệt, tại đây người dân được test nhanh COVID-19 trước khi vào khu vực sàng lọc và tiêm. Khi mẫu test cho kết quả âm tính mới tiếp tục khám sàng lọc và tiêm vắc xin. Nhân viên y tế cấp giấy xác nhận cho người dân đã tiêm vắc xin tại điểm tiêm.
Chiều cùng ngày, tại điểm tiêm số 786B Nguyễn Kiệm (phường 3, quận Gò Vấp), đội ngũ bác sĩ thuộc Bệnh viện Quân y 175 đã tiêm cho khoảng 200 người. Nhiều người tuy tuổi đã cao nhưng sức khỏe vẫn tốt nên chủ động đi lại để nhường sự hỗ trợ từ các tình nguyện viên cho những người có sức khỏe yếu hơn mình.
Còn tại điểm tiêm Bệnh viện quận Phú Nhuận, người được tiêm là những người cao tuổi và người có bệnh nền. Do khu vực thực hiện tiêm ngừa có diện tích nhỏ nên nhân viên y tế luôn phải nhắc nhở người dân tuân thủ đúng quy tắc 5K. Điểm tiêm chia làm 3 phòng tách biệt: phòng khám sàng lọc, phòng đo huyết áp, phòng tiêm vắc xin.
Ngoài ra, bệnh viện còn chuẩn bị sẵn một phòng trống với các giường bệnh để người dân theo dõi sức khỏe sau tiêm hoặc cấp cứu trong tình trạng khẩn cấp. Đến 13h chiều cùng ngày, số lượng người dân đến tiêm cũng ít hơn.
15 nhóm ưu tiên tiêm vắc xin đợt 5
1. Người mắc bệnh nền được điều trị ổn định và thường trú tại TP.
2. Người trên 65 tuổi.
3. Người thuộc diện chính sách, có công và đối tượng bảo trợ
xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người yếu thế.
4. Người làm việc trong các cơ sở y tế, ngành y tế.
5. Người tham gia phòng chống dịch.
6. Lực lượng quân đội TP.HCM.
7. Lực lượng công an TP.HCM.
8. Nhân viên, cán bộ ngoại giao và thân nhân được cử đi nước ngoài; người làm việc trong các cơ quan ngoại giao, lãnh sự, các tổ chức quốc tế hoạt động tại VN.
9. Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải đường dài, vận chuyển lương thực thực phẩm, điện, nước.
10. Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp siêu thị, cửa hàng tiện lợi, người giao hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu.
11. Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính; các tổ chức chính trị xã hội thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.
12. Người được cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài hoặc có nhu cầu xuất cảnh để công tác, học tập và lao động ở nước ngoài; chuyên gia nước ngoài làm việc tại VN.
13. Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.
14. Các chức sắc, chức việc các tôn giáo.
15. Các đối tượng khác theo quyết định của chủ tịch UBND TP và Bộ Y tế: thân nhân những người làm việc tại các cơ sở y tế, ngành y tế tham gia tuyến đầu chống dịch và đơn vị hỗ trợ công tác phòng, chống dịch TP (thông qua MTTQ VN TP).
Bình Dương triển khai tiêm 20.000 liều, cần thêm 2,6 triệu liều
Cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đang triển khai đợt tiêm vắc xin theo phân bổ của Bộ Y tế từ tháng 7-2021 với 20.000 liều. Trong đó, ngành y tế tỉnh dành 15.000 liều để tiêm cho người làm việc tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp. Lượng vắc xin được phân bổ tại Bình Dương tới nay là quá ít so với tổng số công nhân, người lao động hơn 1 triệu người (chiếm khoảng 52% dân số toàn tỉnh).
Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022, Bình Dương đặt mục tiêu là trên 95% công dân trên 18 tuổi (tổng cộng gần 1,5 triệu người) sẽ được tiêm vắc xin với nhu cầu hơn 3,2 triệu liều (mỗi người tối thiểu 2 liều). Theo tính toán, số lượng vắc xin được phân bổ cho các đối tượng ưu tiên theo nghị quyết 21 của Bình Dương khoảng trên 561.000 liều. Vì vậy, tỉnh sẽ cần thêm hơn 2,6 triệu liều nữa mới đạt mục tiêu.
BÁ SƠN
Tháng 8 sẽ vào cao điểm tiêm chủng
Tiêm vắc xin AstraZeneca trong trật tự, an toàn tại nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng, quận 11, TP.HCM sáng 22-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TS Đặng Đức Anh - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, giám đốc dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia - cho biết:
- Đối với chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19, hiện nay Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ ngành khác tổ chức các kho bảo quản vắc xin tại 7 quân khu và Bộ Tư lệnh thủ đô. Chúng tôi cũng đã phối hợp xây dựng các kho bảo quản vắc xin đạt tiêu chuẩn GSP (thực hành bảo quản tốt), xe vận chuyển vắc xin cũng đã đưa về quân khu. Giữa Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đã có kế hoạch triển khai chi tiết.
Với công suất hiện có, có thể bảo quản cùng lúc hàng chục triệu liều vắc xin và từ đó phân bổ đến các điểm tiêm, các khu vực đang có dịch, như hiện nay là khu vực phía Nam sẽ được phân bổ vắc xin nhiều hơn các điểm khác.
* Các chuyên gia phân tích nếu tiêm 40.000 mũi/ngày, tức là mức cao nhất trong những ngày gần đây, thì phải 6 năm mới tiêm xong cho khoảng 70 triệu người dân để đạt miễn dịch cộng đồng. Ông có thấy việc tiêm chủng đang rất chậm?
- Cho đến thời điểm này chúng ta đã tiêm được gần 4,5 triệu mũi, trong đó có 400.000 người đã tiêm đủ 2 mũi. Trong thời gian tới, mục tiêu của VN là bao phủ 70% dân số trong thời gian từ nay đến tháng 4-2022. Hy vọng chúng ta sẽ đạt các tiêu chí đề ra, khi vắc xin tiếp tục về nhiều và mỗi điểm tiêm ít nhất tiêm 100 mũi/ngày, chúng ta có 11.000 - 12.000 điểm tiêm thì số lượng tiêm hằng ngày rất lớn. Chúng tôi cho rằng mục tiêu tiêm chủng 70% dân số sẽ đạt được.
* Như hiện nay mỗi ngày chỉ tiêm 20.000 - 40.000 mũi tiêm, trong khi vắc xin đã về nhiều rồi, vì sao lại chậm như vậy?
- Hiện các tỉnh đều đã triển khai kế hoạch tiêm chủng, càng ngày số lượng điểm tiêm sẽ mở rộng và công suất sẽ tăng, số lượng mũi tiêm cũng tăng theo. Dự kiến đầu tháng 8, các điểm tiêm sẽ bắt đầu hoạt động hết công suất để chúng ta đạt mục tiêu tiêm chủng như kế hoạch đề ra.
* Đối với các phản ứng sau tiêm, ông thấy việc tiêm chủng hiện đã đảm bảo an toàn?
- Các điểm tiêm đều có thiết bị cấp cứu và phương tiện xử trí phản ứng sau tiêm, do tiêm chủng của chúng ta luôn đặt mục tiêu là độ bao phủ rộng bên cạnh tiêm an toàn. Không có vắc xin nào đảm bảo an toàn 100%, cho đến nay khi sử dụng trên 4,5 triệu liều cũng đã ghi nhận một số phản ứng nặng và thông thường sau tiêm, theo tỉ lệ phản ứng nặng sau tiêm nằm trong giới hạn mà Tổ chức Y tế thế giới đã công bố, là từ 1 - 4 phản ứng nặng/1 triệu liều tiêm.
Từ đầu tháng 7 đến nay tốc độ tiêm chủng ngừa COVID-19 chậm mặc dù vắc xin về nhiều, trung bình mỗi ngày chỉ có 20.000 - 40.000 người tiêm. Với tốc độ này, mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng có thể khó kịp như dự kiến.
LAN ANH thực hiện
TTO - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có văn bản yêu cầu các tỉnh thành đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin COVID-19, tiêm chủng tối đa số vắc xin được cấp, tăng diện bao phủ tiêm chủng, đặc biệt tại các tỉnh dịch phức tạp.
Xem thêm: mth.25595947032701202-oehgn-iougn-iout-oac-iougn-neit-uu-5-tod-nix-cav-meit-mchpt/nv.ertiout