Sân vận động quốc gia Nhật Bản - nơi tổ chức lễ khai mạc - Ảnh: Reuters
Giám đốc sáng tạo người Ý Marco Balich - người chịu trách nhiệm sản xuất chương trình lễ khai mạc và bế mạc Olympic Tokyo 2020 - nói: "Buổi lễ khai mạc Olympic là "cánh cửa sổ của toàn thể nhân loại". Ở một góc độ nào đó, buổi lễ sẽ phản ánh và tham chiếu những gì đã diễn ra trên toàn thế giới".
Lễ khai mạc sẽ diễn ra tại sân vận động quốc gia Nhật Bản (được khánh thành từ cuối năm 2019, có sức chứa 68.000 chỗ ngồi và tốn 1,4 tỉ USD chi phí), dự kiến kéo dài khoảng 3 giờ 30 phút.
Lễ khai mạc không hoành tráng
Ban tổ chức thông thường giấu phần lớn kịch bản lễ khai mạc và chỉ tiết lộ một số chi tiết để miêu tả về độ hoành tráng của chương trình nhằm thu hút khán giả. Tokyo 2020 có lẽ là kỳ Olympic đầu tiên trong nhiều thập niên qua đi ngược lại.
Hai ngày trước buổi lễ khai mạc, Hãng tin Reuters viết: "Hãy quên những màn vũ đạo quần chúng, các đạo cụ khổng lồ và sự choáng ngợp của các vũ công, diễn viên, ánh sáng. Lễ khai mạc Tokyo 2020 sẽ không hoành tráng và lộng lẫy".
Không chỉ tinh giảm về số lượng người tham gia biểu diễn, số lượng VĐV tham dự lễ khai mạc cũng bị giảm đi.
Dự kiến chỉ có khoảng 6.000/11.000 VĐV ở Olympic sẽ tham dự lễ khai mạc. Bầu không khí u buồn cũng sẽ là một phần của các buổi lễ, nhằm tưởng niệm hàng triệu người đã thiệt mạng vì đại dịch trong gần 2 năm qua cũng như những nạn nhân của sóng thần, động đất và thảm họa hạt nhân của Nhật năm 2011.
Đồng bộ với cảm xúc của thế giới hiện tại
Ông Balich thừa nhận buổi lễ sẽ hướng đến "sự nghiêm túc và trung thực". Vị giám đốc sáng tạo người Ý thật ra chỉ đảm nhận công việc này khoảng 4 tháng trước, sau khi người tiền nhiệm Hiroshi Sasaki phải từ chức vì có những lời lẽ không hay với diễn viên hài Naomi Watanabe.
Dù vậy, với kinh nghiệm từng có ở các kỳ Olympic mùa đông 2006 và 2014, Olympic mùa hè 2016, ông Balich được tin tưởng sẽ mang đến một buổi lễ độc nhất vô nhị trong lịch sử Thế vận hội.
"Đây sẽ là một buổi lễ nghiêm túc, mang đậm nét đẹp truyền thống của Nhật Bản và cũng đồng bộ với cảm xúc của cả thế giới vào thời điểm hiện tại. Chúng tôi phải cố gắng hết sức để hoàn thành buổi lễ độc nhất vô nhị này", ông Balich nói.
Dù không có sự hoành tráng và xa xỉ, nhưng buổi lễ vẫn còn rất nhiều điều đáng chờ đợi chưa được tiết lộ, về những bản nhạc được tấu lên, các ca sĩ tham dự chương trình và cả những yếu tố công nghệ được ban tổ chức giữ lại sau khi đã tinh giảm bớt những phần không cần thiết.
"Nó sẽ khác xa so với những buổi lễ trước đây. Một buổi lễ rất chân thực, ý nghĩa và không có gì giả tạo", ông Balich nói.
Kỳ Olympic "không giống ai"
Ngọn đuốc Olympic được trao qua tay các học sinh trên đường đến lễ khai mạc - Ảnh: AFP
Nhiều hoạt động và hình ảnh mang tính truyền thống của Olympic sẽ không xuất hiện ở Tokyo 2020 vì các quy tắc phòng dịch:
Chấm dứt những khoảnh khắc chụp ảnh
Hôn huy chương là hành động ăn mừng phổ biến nhất của các VĐV. Nhưng nhiều khả năng khoảnh khắc này sẽ biến mất ở Tokyo 2020, khi các VĐV phải tuân thủ việc đeo khẩu trang trên bục nhận huy chương.
Những khoảnh khắc tương tác vui nhộn giữa các VĐV có lẽ cũng không còn. Ở Rio de Janeiro, bức ảnh VĐV thể dục dụng cụ Ragan Smith - chỉ cao 1m37 - đứng cạnh cầu thủ bóng rổ cao 2m11 DeAndrew Jordan từng gây sốt.
Nhưng giờ đây, các VĐV đều phải tuân thủ quy tắc giãn cách và chắc chắn họ sẽ đứng xa nhau nhất có thể.
Không còn những đám đông
Không CĐV nước ngoài, và hầu như không cả khán giả đến sân, những kỳ vọng về một kỳ Olympic xôm tụ chắc chắn không còn. Số lượng người đến Nhật để tham gia trực tiếp vào Olympic và Paralympics cũng bị giảm đi khoảng 2/3.
Chỉ có khoảng 68.500 người - bao gồm VĐV, HLV, các quan chức, thành viên Ủy ban Olympic, giới truyền thông từ nước ngoài - đến Tokyo 2020, trong khi con số dự kiến ban đầu là 200.000.
Không ăn mừng
Ở Rio de Janeiro 2016, đội tuyển bóng bầu dục 7 người của đảo Fiji tạo nên một hình ảnh xúc động khi cùng nhau hát vang sau khi giành HCV Olympic đầu tiên trong lịch sử cho quốc gia của mình. Nhưng ở Tokyo 2020, ca hát cũng như cổ vũ, ăn mừng phấn khích là điều phải tránh.
Những người xuất hiện trên sân đấu được khuyến khích dùng hình thức vỗ tay hoặc một số hoạt động khác để ăn mừng mà không tạo ra giọt bắn.
Chỉ ăn ở làng Olympic
Để đảm bảo an toàn, Ban tổ chức (BTC) Tokyo 2020 cấm các VĐV ăn uống tại các nhà hàng bên ngoài làng VĐV. Vì vậy, trọng trách cung ứng thực phẩm của họ lại càng lớn hơn khi phải đạt yêu cầu vừa lành mạnh vừa phải đa dạng.
BTC cho biết họ sẽ cung cấp hơn 700 thực đơn trong khoảng 3 tuần hoạt động của làng Olympic, với 3.000 chỗ ngồi ở khu vực ăn uống 2 tầng và 2.000 nhân viên phục vụ. Các thực đơn được chia làm 3 loại: các món phương Tây, các món Nhật và các món châu Á. Trong đó, thực đơn châu Á bao gồm các món kiểu Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.
Sẽ thế nào nếu phạm quy?
Theo quy định, bất kỳ ai phạm luật ở Olympic Tokyo 2020, từ VĐV cho đến quan chức, sẽ lập tức bị trục xuất.
TTO - Hôm nay, đoàn thể thao Việt Nam sẽ ra quân ở Olympic 2020. VĐV Đỗ Thị Ánh Nguyệt ở môn Bắn cung sẽ lãnh ấn tiên phong.
Xem thêm: mth.71722918032701202-iaol-nahn-auc-os-auc-hnac-oykot-cipmylo-cam-iahk-el-mex/nv.ertiout