Người dân đợi bên ngoài một trung tâm tiêm chủng ở Bangkok, Thái Lan ngày 22-7 khi nước này tổ chức tiêm vắc xin của Hãng AstraZeneca cho người cao tuổi, người có cân nặng từ 100kg trở lên và phụ nữ có thai - Ảnh: REUTERS
Sáng 23-7, Bộ Y tế công cộng Thái Lan thông báo nước này vừa ghi nhận 14.575 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 467.707. Cùng với đó, số ca tử vong do COVID-19 ở Thái Lan tăng thêm 114 ca, lên tổng cộng 3.811 ca, theo báo Bangkok Post.
Con số 14.575 là kỷ lục về số ca nhiễm tăng thêm trong 24 giờ đến nay ở xứ sở chùa vàng. Số ca nhiễm này đã phá vỡ kỷ lục 13.655 ca nhiễm chỉ mới công bố vào ngày trước đó.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha bày tỏ lo ngại về các trường hợp mắc COVID-19 tử vong sau khi không được điều trị kịp thời.
Ông đã chỉ đạo tất cả cơ quan liên quan phải tham gia giải quyết vấn đề. Trước đó, người ta đã phát hiện một số bệnh nhân COVID-19 tử vong nằm trên đường phố Bangkok.
Trong khi đó, Lào ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất từ đầu dịch, với 256 ca hôm 22-7. Trong số này có 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng ở tỉnh Champasak và 254 ca "nhập khẩu". Đến nay Lào đã ghi nhận tổng cộng 4.119 ca nhiễm.
Tại Indonesia, tổng số ca nhiễm đã vượt mốc 3 triệu ca sau khi nước này ghi nhận thêm 49.509 ca nhiễm ngày 22-7. Indonesia đang có tổng số ca nhiễm cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao thứ 14 trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới.
Malaysia, Singapore và Philippines có số ca nhiễm mới công bố hôm 22-7 lần lượt là 13.034, 170 và 5.828 ca. Cũng trong hôm 22-7, tổng số ca nhiễm ở Campuchia đã vượt mốc 70.000 ca sau khi nước này ghi nhận 811 ca nhiễm mới.
Theo cập nhật của trang Worldometers lúc 10h sáng 23-7, Việt Nam (tổng cộng 74.371 ca), Campuchia (tổng 70.419 ca) và Singapore (tổng 63.791 ca) đang có tổng số ca nhiễm cao lần lượt thứ 110, 112 và 113 trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc có số ca nhiễm mới hằng ngày vẫn trên mức 1.000 ca từ hôm 7-7. Ngày 23-7, nước này công bố ghi nhận thêm 1.630 ca nhiễm (gồm 1.574 ca lây nhiễm trong cộng đồng), nâng tổng số ca nhiễm lên 185.733.
Theo Hãng tin Yonhap, nhà chức trách Hàn Quốc ngày 23-7 cho biết sẽ gia hạn các biện pháp hạn chế khắt khe nhất ở vùng thủ đô Seoul (gồm Seoul và các khu vực lân cận như thành phố Incheon, tỉnh Gyeonggi) thêm 2 tuần nữa, bắt đầu từ đầu tuần tới đến ngày 8-8, trong bối cảnh không có dấu hiệu cho thấy kết thúc đợt bùng dịch thứ 4 ở nước này.
Tại Nam Á, Ấn Độ ghi nhận 41.383 ca nhiễm mới hôm 22-7, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 31,25 triệu ca. Đến nay có 30,42 triệu ca đã được chữa trị khỏi bệnh và xuất viện ở nước này.
Tỉ lệ tử vong vì COVID-19 ở Indonesia, Myanmar và Malaysia tăng cao
Hình ảnh giàn thiêu đỏ lửa sáng đêm ở Ấn Độ hồi đỉnh dịch vào tháng 5 từng làm thế giới kinh hoàng. Tuy nhiên, trong hai tuần qua, ba quốc gia châu Á nói trên đã vượt qua tỉ lệ tử vong bình quân đầu người lúc đỉnh dịch của Ấn Độ.
Ấn Độ, với 1,4 tỉ dân, có tổng số ca tử vong vì COVID-19 cao hơn ba quốc gia Đông Nam Á nói trên. Tuy nhiên, tỉ lệ bình quân số ca tử vong trên một triệu người trong 7 ngày lúc đỉnh dịch hồi tháng 5 của Ấn Độ là 3,04.
Tỉ lệ này ở Indonesia, Myanmar và Malaysia đã tăng mạnh từ cuối tháng 6. Theo đó, bình quân số ca tử vong trên 1 triệu người trong 7 ngày tính đến ngày 21-7 ở Indonesia là 4,37, Myanmar là 4,29 và Malaysia là 4,14.
TTO - Thái Lan, Hàn Quốc có kỷ lục ca nhiễm lần lượt 13.002 và 1.784 ca/ngày. Indonesia có ca nhiễm cao thứ 14 thế giới. Campuchia, Singapore và Việt Nam hiện có tổng ca nhiễm cao lần lượt thứ 111, 112 và 113 trên thế giới.