Các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á vẫn đang tiếp tục vật lộn với đại dịch COVID-19 cùng sự xuất hiện của biến thể Delta trong bối cảnh tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 diễn ra một cách chậm chạp.
Nhiều bệnh viện và cơ sở y tế rơi vào tình trạng quá tải tại các nước khi số người nhiễm mới và số bệnh nhân tử vong vẫn tiếp tục tăng cao.
Số ca mắc mới tại Malaysia tiếp tục tăng cao
Hãng tin Reuters cho biết Malaysia đã ghi nhận hơn 13.000 trường hợp nhiễm COVID-19 mới vào ngày 22-7, đánh dấu con số ca mắc mới hàng ngày cao thứ hai kể từ khi đại dịch bùng phát tại quốc gia này.
Hơn một nửa trong số 13.034 trường hợp mắc mới đến từ khu vực Thung lũng Klang với 6.049 người ở bang Selangor và 1.611 người ở thủ đô Kuala Lumpur. Có 711 trường hợp nhiễm được tìm thấy ở bang Negeri Sembilan và 100 trường hợp khác ở TP Putrajaya.
Bang Johor ghi nhận 791 ca mắc mới trong khi 371 ca còn lại được báo cáo ở Penang. Tính đến ngày 22-7, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 964.918 trường hợp nhiễm COVID-19.
Người dân chờ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca tại một trung tâm tiêm chủng ở Kuala Lumpur, Malaysia vào ngày 5-5. Ảnh: REUTERS
Bộ trưởng Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah cho hay 66,1% các trường hợp mắc mới không có triệu chứng bệnh trong khi 43,3% có các triệu chứng nhẹ.
Theo ông Noor Hisham, những người bị tổn thương phổi chiếm 1% số ca mắc mới, 0,5% trong số đó yêu cầu hỗ trợ oxy và có 13 trường hợp, chiếm khoảng 0,1%, chuyển biến nặng và cần đến sự trợ giúp từ máy thở.
Bộ Y tế Malaysia cũng công bố thêm 134 bệnh nhân tử vong vì COVID-19 trong ngày 22-7, nâng số người chết tại quốc gia này lên 7.574 người.
Số bệnh nhân nguy kịch có xu hướng tăng trong tuần qua và hiện có 938 trường hợp đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, với 459 trường hợp cần hỗ trợ hô hấp.
Myanmar nhận lô vaccine từ Trung Quốc
Theo hãng tin AFP, một lô vaccine ngừa COVID-19 chứa 736.000 liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc đã đến Myanmar vào hôm 22-7, trong bối cảnh quốc gia này đang phải đối mặt với đợt nhiễm mới với số ca mắc tăng cao.
Trước đó, vào đầu tháng này, chính quyền quân sự Myanmar tiết lộ đã đặt mua bốn triệu liệu vaccine từ Trung Quốc, thêm rằng Bắc Kinh sẽ tài trợ thêm hai triệu liều nữa.
Các hãng truyền thông nhà nước cũng đưa tin Thống tướng Min Aung Hlaing đã đồng ý đặt mua hai triệu vaccine từ Nga, song không nói rõ sẽ đặt mua loại vaccine nào.
Theo các nhà chức trách, quốc gia có dân số khoảng 54 triệu người này đã có khoảng 1,75 triệu người đã được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho đến nay.
Một lô vaccine ngừa COVID-19 chứa 736.000 liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc đã đến Myanmar vào hôm 22-7. Ảnh: AFP
Hiện các bệnh viện trên khắp đất nước Myanmar đang đối mặt với sự vắng bóng cả bác sĩ và bệnh nhân vì cuộc đình công kéo dài chống lại chính quyền quân sự sau cuộc chính biến hồi đầu tháng 2.
Nhiều nhân viên y tế tuyến đầu của Myanmar trước cuộc đảo chính cũng đã bị bắt giữ vì làm trái lại lệnh của chính quyền quân sự, trong khi hàng trăm người khác đã chạy trốn để tránh bị bắt
Các cuộc biểu tình và giao tranh lan rộng cũng khiến nhiều người tránh xa các bệnh viện do quân đội điều hành, trong khi các tình nguyện viên phải tìm cách cung cấp những bình oxy quý giá cho các nạn nhân nhiễm COVID-19 và đưa người chết đi hỏa táng.
Chỉ trong ngày 21-7, quốc gia này đã ghi nhận thêm 6.701 trường hợp mắc mới, tăng từ mức 100 ca nhiễm mỗi ngày vào đầu tháng Sáu.
Truyền thông nhà nước Myanmar đưa tin rằng các nhà chức trách đang gấp rút kêu gọi sự hỗ trợ bình oxy từ các nước láng giềng như Thái Lan và Trung Quốc.
Indonesia đã trở thành một trong những tâm điểm của đại dịch COVID-19 trong những tuần gần đây, với số ca nhiễm mới tăng gấp năm lần trong năm tuần qua. Ảnh: REUTERS
WHO kêu gọi Indonesia siết chặt các biện pháp phòng chống dịch
Cùng ngày, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi Indonesia siết chặt hơn các biện pháp phòng chống dịch để hạn chế và giảm thiểu số ca nhiễm và tử vong ở nước này.
Lời kêu gọi của WHO được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố sẽ xem xét gỡ bỏ dần những biện pháp phòng chống dịch từ ngày 26-7 nếu số ca nhiễm mới mỗi ngày tiếp tục giảm.
Indonesia đã trở thành một trong những tâm điểm của đại dịch COVID-19 trong những tuần gần đây, với số ca nhiễm mới tăng gấp năm lần trong năm tuần qua.
Trong báo cáo mới nhất của mình, WHO khẳng định việc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp hạn chế về sức khỏe cộng đồng và xã hội là rất quan trọng, đồng thời kêu gọi bổ sung "hành động khẩn cấp" để giải quyết sự gia tăng đột biến của số ca mắc mới tại 13 trong số 34 tỉnh ở Indonesia.
"Indonesia hiện đang phải đối mặt với mức độ lây nhiễm rất cao, và đó là dấu hiệu cho thấy sự quan trọng hàng đầu của việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội một cách nghiêm ngặt, đặc biệt những biện pháp hạn chế di chuyển trên khắp đất nước"- WHO tuyên bố.
Một tình nguyện viên Indonesia mặc đồ bảo hộ. Ảnh: REUTERS
Chính quyền nước này đã áp đặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 từ ngày 3-7 đối với hai hòn đảo Java và Bali, bao gồm việc hạn chế các hoạt động du lịch và đóng cửa các trung tâm thương mại.
Việc di chuyển của người dân bị hạn chế tùy theo công việc của họ, chỉ nhân viên trong các lĩnh vực quan trọng như năng lượng và y tế mới được phép quay lại nơi làm việc.
Tỷ lệ số ca nhiễm COVID-19 ở Indonesia đã tăng trung bình 30% trong tuần qua, ngay cả khi số ca mắc mới mỗi ngày đã giảm, nhờ vào các biện pháp phòng chống dịch.
Theo WHO, mức lây nhiễm trên 20% vẫn là "rất cao", thêm rằng hầu như tất cả các tỉnh ở Indonesia đều có tỷ lệ lây nhiễm trên 20%, ngoại trừ tỉnh Aceh (19%).
Khu chợ ẩm thực Boon Lay Place ở Singapore thông báo sẽ đóng cửa trong hai tuần sau khi phát hiện bảy trường hợp nhiễm COVID-19. Ảnh: GOOGLE MAPS
Singapore phát hiện nhiều ổ dịch với hàng trăm ca nhiễm
Tính đến trưa ngày 22-7, Singapore ghi nhận 162 ca mắc mới bao gồm 87 ca liên quan đến ổ dịch tại cảng đánh bắt cá Jurong và năm ca tại chuỗi quán karaoke KTV.
Đến tối cùng ngày, số ca nhiễm liên quan đến hai ổ dịch này đã tăng lên thành 560 trường hợp tại cảng Jurong Fishery Port và 221 ca liên quan đến chuỗi quán karaoke.
Khu chợ ẩm thực Boon Lay Place cũng thông báo sẽ đóng cửa trong hai tuần, từ ngày 23-7 đến ngày 6-8 sau khi phát hiện bảy trường hợp nhiễm COVID-19 trong số những người đã làm việc hoặc đến thăm địa điểm này.
Động thái trên diễn ra sau khi Bộ y tế Singapore tiến hành các cuộc xét nghiệm tầm soát tại các khu chợ và trung tâm ẩm thực có nguy cơ cao do liên quan đến ổ dịch tại cảng Jurong.
Bộ Y tế cho biết thêm rằng quá trình xét nghiệm COVID-19 miễn phí sẽ được mở rộng cho tất cả những ai đã đến chợ ẩm thực Boon Lay Place và Trung tâm Thực phẩm Chong Pang từ ngày 8 đến 22-7.