Trên trang cá nhân của mình, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết về nhà văn Sơn Tùng khi hay tin ông qua đời: “Ông là một con người đặc biệt và là một nhà văn đặc biệt. Ý chí sống và sáng tạo phi thường của ông là một tấm gương lớn”.
Trước khi qua đời, nhà văn đã bị tai biến hơn 10 năm, liệt nửa người không tự sinh hoạt được nhưng vẫn rất minh mẫn.
Nhà văn Sơn Tùng tên thật là Bùi Sơn Tùng, sinh ngày 8 tháng 8 âm lịch năm Mậu Thìn (tức ngày 21 tháng 8 năm 1928), tại làng Hoa Lũy (nay là Kim Lũy), Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An. Làng Hoa Lũy là vùng bãi ngang nằm sát biển.
Ông là nhà văn Việt Nam có nhiều tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều danh nhân khác. Trong đó, nổi tiếng nhất là tiểu thuyết Búp sen xanh về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhà văn Sơn Tùng. Ảnh tư liệu
Ra mắt lần đầu năm 1982, cho tới nay tác phẩm đã được tái bản lần thứ 30. Cuốn sách được Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết lời giới thiệu ở lần tái bản đầu tiên.
Cùng với Búp sen xanh, nhà văn Sơn Tùng còn có tác tác phẩm Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh, được ra mắt lần đầu vào năm 2016, gần ba thập kỷ sau khi nhà văn Sơn Tùng hoàn thiện tác phẩm. Bản thảo cuốn sách do con trai nhà văn Sơn Tùng sưu tầm từ những trang viết tay của cha.
Gia đình nhà văn là một gia đình nhà nho nghèo nhưng trọng chữ, có quan hệ họ hàng với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà nội nhà văn Sơn Tùng (cụ Hà Thị Tự) là cháu họ bà nội Chủ tịch Hồ Chí Minh (cụ Hà Thị Hy), và em trai ông nội của Sơn Tùng đỗ tú tài cùng khoa với em trai ông ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.