vĐồng tin tức tài chính 365

Góp thêm một tiếng nói với bộ

2021-07-23 13:07

Góp thêm một tiếng nói với bộ

Quỳnh Thư

(KTSG Online) - Thứ Tư tuần này, báo chí đăng tin Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM đã có văn bản kiến nghị với UBND thành phố đề xuất Bộ GD-ĐT xét đặc cách tốt nghiệp trung học phổ thông cho 3.234 thí sinh của TPHCM đủ điều kiện thi tốt nghiệp đợt hai. Đây là các học sinh trong các khu phong tỏa ngăn dịch nên không thể dự thi cùng với hơn 85.000 thí sinh đã thi vào đầu tháng 7.

Được biết, Bộ GD-ĐT đã chốt ngày thi đợt hai vào đầu tháng 8 sắp đến. Tuy nhiên, tại TPHCM, lịch thi này chắc chắn không thể thực hiện với tình hình hiện nay khi dịch bệnh chưa được kiểm soát hiệu quả và đang có xu hướng tăng lên (sáng nay, 23-7, chỉ sau 12 giờ, TPHCM đã có hơn 3.300 ca mắc mới, nâng tổng số ca trong đợt dịch thứ tư từ cuối tháng 4 đến nay lên sát mức 50.000 ca).

Vì thế, theo người viết, chúng ta cần góp thêm một tiếng nói để cùng với Bộ GD-ĐT chấp thuận việc xét đặc cách tốt nghiệp cho các em vì các lý do sau đây.

Trước hết, vì sao các em phải thi tốt nghiệp? Có người sẽ nói các em phải thi để bảo đảm chất lượng giáo dục. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông qua các năm ở thành phố này như sau 99,44% (2020), 98,7% (2019), 99,4% (2018), 99,6% (2017), nghĩa là 100 em chưa đến một em rớt. Nghe nói kết quả chính thức sẽ được công bố vào đầu tuần tới, nhưng nhìn chung điểm số không thấp, cũng có nghĩa là tỷ lệ tốt nghiệp chắc cũng sẽ nằm trong “dung sai” này, nếu có chênh lệch cũng không đáng là bao. Chúng ta cũng thường bảo nhau chất lượng học tập phải được tạo ra trong suốt quá trình học tập của các em. Chất lượng đó không phải chỉ do kỳ thi cuối cấp quyết định, mà nếu xét trên nhiều khía cạnh, chỉ là “thủ tục cuối cùng”. Cho nên, liệu thực sự có cần phải buộc các em vốn đã phải chịu cảnh lỡ tàu lần trước phải lỡ tàu lần nữa hay không chỉ vì “thủ tục cuối cùng” này?

Có người cũng sẽ bảo các em phải thi để bảo đảm công bằng với các thí sinh khác. Không phải! Theo người viết, cần đặc cách tốt nghiệp để bảo đảm công bằng cho các em này mới đúng. Đối với các em, hơn ai hết, dịch bệnh kéo dài giáng xuống mình đã là một sự bất công rồi, dù không ai muốn. Thêm vào đó, như ai cũng thấy, các em phải chịu thêm nhiều điều bất lợi về điều kiện sống, điều kiện học hành, ôn tập trong các khu bị phong tỏa.

Và quan trọng hơn hết chính là tâm lý phập phồng của học sinh sống nơi vùng dịch, trong khi bạn bè cùng trang lứa thở phào nhẹ nhõm thảnh thơi với kết quả tốt nghiệp. Nếu nhiều người lớn còn phải than vãn với áp lực tâm lý thời phong tỏa, thử nghĩ các em thế nào? Xét cho cùng, không được đi thi đã là một sự hy sinh nhằm ngăn dịch bệnh. Cho nên, buộc 3.200 em này phải chờ đợi thêm nữa để dự một kỳ thi không biết bao giờ mới đến, mà không xét đặc cách tốt nghiệp, mới là bất công so với những gì các em đã phải gánh chịu, chứ không phải công bằng.
Báo chí đã dẫn lời một số thí sinh, phụ huynh cũng như giáo viên cho rằng không thể dự thi trong điều kiện hiện nay. Vì thế, sẽ thật là khó hiểu nếu các em không được đặc cách tốt nghiệp trong tình hình thực tế dịch bệnh chưa biết đến bao giờ mới hết.

Ai cũng biết, Sài Gòn đang là tâm dịch. Chính phủ, các bộ cùng các địa phương đã tỏ rõ quyết tâm cùng thành phố dập dịch. Cùng với mọi nơi, mọi cấp, Bộ GD-ĐT hãy chung tay giúp giải quyết mắc mứu này - dù không phải là lớn - nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý chính quyền cũng như người dân liên quan tại thành phố này.

Nếu nói rằng người lớn có trách nhiệm nuôi nấng, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, thì khi người lớn chúng ta để dịch xảy ra, dù với bất kỳ nguyên do khách quan, chủ quan nào, cũng là chưa làm tròn trách nhiệm với các em rồi. Thế cho nên, hãy giúp các thí sinh trong vùng dịch đang bị phong tỏa cất bỏ đi một mối lo, mà đối với các em đó là một trong những mối lo lớn nhất.

Xem thêm: lmth.ob-iov-ion-gneit-tom-meht-pog/707813/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Góp thêm một tiếng nói với bộ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools