Phía sau câu chuyện ‘thiết yếu’, ‘ưu tiên’
Danh Đức
(KTSG Online) - Hôm qua (22-7), bộ phận văn phòng một công ty thiết bị y tế nhận được một email thúc hối từ một bệnh viện công: “Bệnh viện … yêu cầu giao hàng: dụng cụ lấy mẫu … hộp. Bệnh viện cần gấp trong buổi sáng nay để chiều kịp làm xét nghiệm”.
Trên đây là một trong vô vàn những email đặt hàng “cần gấp” mà công ty thiết bị y tế này nhận hàng ngày và ra sức giao hàng đúng như sự hối thúc. Các nhân viên kinh doanh, kỹ thuật viên của công ty vẫn đều đều ra vô các bệnh viện, trung tâm xét nghiệm..., nói theo ngôn ngữ hiện thời là những “tuyến đầu chống dịch”. Song, do không phải là nhân viên y tế nên họ không thuộc đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine ngừa Covid-19, mặc dù với việc tiếp xúc thường xuyên tại các địa điểm đang chống dịch lẽ ra họ cũng nên được phòng hộ bằng một mũi tiêm ngừa.
Thậm chí, công ty còn bị một phòng chức năng của địa phương nơi họ đặt văn phòng khi đến kiểm tra đã vặn vẹo: “công ty này mà thiết yếu cái gì?”. Cho tới khi thấy nhân viên khệ nệ vác những thùng chứa bộ test nhanh coronavirus đem đi giao hàng cho một bệnh viện, họ mới thôi thắc mắc. Những nhân viên này, tuy được xem là nhân viên văn phòng, nhưng rõ là ngày ngày cũng phải tiếp xúc với một số khả năng lây nhiễm nhất định, khi họ tiếp xúc với môi trường y tế để làm mọi thủ tục giấy tờ cho các vật tư, máy móc, thiết bị từ nước sản xuất về tới từng bệnh viện, hôm nay giao tủ an toàn sinh học, ngày mai lại giao kit ly trích RNA v.v.
Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TPHCM. Ảnh: Vietnamplus |
Tuần rồi, công ty được quận thông báo sẽ được cho chích ngừa. Sáng nay, được tin mới: họ thuộc nhóm ưu tiên thứ 16. Được tin này nghe ngỡ ngàng khi tất cả nhân viên đang đinh ninh công ty mình thuộc nhóm ưu tiên thứ 13 (cơ sở kinh doanh vật tư y tế) theo Quyết định 3355 của Bộ Y tế - cho dù thứ 13 cũng không phải là ưu tiên cao lắm! Khi xếp loại đối tượng ưu tiên thấp, có thể do không ai tự hỏi “nếu không có mấy nhà cung cấp thiết bị y tế này thì lấy gì mà làm?” để từ đó xếp thứ tự ưu tiên cho chính xác. Nếu như bánh mì từng bị cho là không thiết yếu - nay được đôn lên hàng thiết yếu, thì trong lĩnh vực y tế, ngoài các nhân viên y tế, liệu có nên xét thêm các đối tượng làm việc có liên quan y tế?
Càng ngán ngẩm hơn khi cứ đọc được hết tin cô hoa khôi này đến cô diễn viên kia khoe chích ngừa đúng “tùy chọn”. Ngay trong khu chung cư của người viết bài này, một ca sĩ nào đó cũng tự khoe trên nhóm Zalo của cư dân chung cư rằng “mình đã chủng ngừa rồi nhe”, và sau đó im bặt khi có người hỏi: “chích theo diện đối tượng nào?”. Tất nhiên, các vụ chích ngừa “không đăng ký” này là chích ngoài quy định, là chích “chui”, và đổ bể do thích khoe khoang, chớ đâu có “ai đánh mà khai”. Có điều, e rằng đây là “phần nổi của tảng băng”, có thể mô tả là quy định thì rành rành đó, song vẫn cứ nhảy qua quy định một cách thản nhiên, và càng vượt quy định càng sướng, càng sang, để rồi nay cái sự khoe ấy đang trở thành phổ biến.
Có những thế hệ được giáo dục kiểu “cổ nhân dạy rằng” ăn vụng nhớ đừng quên chùi mép. Song ngày nay, dường như là ngược lại: ăn vụng, thậm chí ăn cắp, khỏi cần chùi mép, càng la toáng lên, càng trưng bày cho cả làng nước hay biết, càng tưởng rằng đẳng cấp!? Ngán ngẩm khi nghe giám đốc bệnh viện giải thích “do bố cô ấy là…”, hoặc là “phạt nhân viên bệnh viện liên quan”. Sao cái gì bệnh viện cũng “không chủ trương”, song ai thích thì cũng lách quy định rồi làm gì cũng được, và bệnh viện cứ yên ổn “không hay biết”, “không chịu trách nhiệm”?
Ai có thể chịu được một cung cách quản lý “không chủ trương, không hay biết, không chịu trách nhiệm” như thế này mãi? Cay đắng ở chỗ nó như một thứ “kinh niên, mãn tính”, chớ không chỉ là chuyện cá biệt.
Xem thêm: lmth.neit-uu-uey-teiht-neyuhc-uac-uas-aihp/386813/nv.semitnogiaseht.www