Vụ việc hệ thống Bách Hóa Xanh (thuộc CTCP Đầu tư Thế giới Di động) tăng giá bán một số mặt hàng trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp tại TP HCM gây xôn xao dư luận trong thời gian qua.
Mới đây, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đã làm việc với Bách Hóa Xanh (BHX) về vấn đề cung ứng hàng hóa và việc tuân thủ các quy định trong kinh doanh.
Ông Trần Kinh Doanh – Tổng giám đốc BHX cho biết: trong mỗi cửa hàng của chuỗi có từ 3.000 – 5.000 mã sản phẩm khác nhau, phần lớn giá cả không tăng. Tuy vậy trong những ngày áp dụng Chỉ thị 16, do áp lực giá cả đầu vào, cung ứng vận chuyển hàng hóa… nên một số mặt hàng giá tăng nhiều so với bình thường. Tuy nhiên giá cả gần đây đã ổn định trở lại.
"Trong lúc áp lực cầu thị trường tăng cao, khối lượng công việc lớn thì sai sót khó tránh khỏi và chúng tôi đã khắc phục ngay, đồng thời đưa ra thông điệp trong ngày 21/7 là hoàn trả mọi chênh lệch thiệt hại, tặng khách hàng thêm 100.000 đồng/lần mua hàng", CEO BHX chia sẻ.
Nhưng trước đó, BHX đã phải đối mặt với bão dư luận phản ứng tiêu cực cho rằng hệ thống này lợi dụng tình hình dịch bệnh tăng giá bán hòng chuộc lợi.
Một bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội về hóa đơn mua hàng tại BHX
Trên góc nhìn của người làm nhiều năm trong lĩnh vực quản lý chuỗi siêu thị/cửa hàng, ông Nguyễn Minh Đức – Cựu giám đốc hệ thống Vinmart khu vực phía Nam cho rằng: BHX sẽ không dám lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá lên 300 – 400%.
"Riêng mặt hàng tươi sống thì chúng ta phải so sánh giá theo cùng thời điểm, tức là giá mua ngày hôm nay tại BHX so với ngày hôm nay ngoài chợ hoặc nơi khác xem cao hơn hay thấp hơn. Không nên so sánh với giá trước đó ở nơi khác", ông Đức phân tích.
BHX chọn giải pháp kinh doanh cạnh tranh trực tiếp với chợ truyền thống, tập trung vào hàng tươi sống, chiếm tỷ trọng lớn cơ cấu. Các chuỗi khác thấp hơn nhiều. Chính điều này khiến BHX chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hàng tươi sống (giá nguồn vào, xét nghiệm, sản phẩm hỏng, hao hụt do xe xếp hàng nằm chờ thông chốt…) cao hơn nhiều so với đối thủ chuỗi khác.
Trên thực tế, chiến lược tạo nên sự thành công của BHX kể từ thời điểm tung ra thị trường năm 2016 chính là mở rộng nhanh chóng và tập trung vào các mặt hàng tươi sống. Đến nay, BHX sở hữu 1.851 cửa hàng tại TP HCM và 24 tỉnh/thành Nam Bộ và Nam Trung Bộ.
Song, nhiều ý kiến cũng đề cập đến vấn đề "đạo đức kinh doanh" khi nói về việc BHX tăng giá bán. Phân tích vấn đề này, ông Nguyễn Minh Đức cho rằng: cái được gọi là "đạo đức" thường khá trừu tượng và không định lượng được, nên chúng ta thường bị "hiệu ứng đám đông" chi phối.
Sau cơn khủng hoảng của BHX, nhiều chuỗi cửa hàng khác tuyên bố sẽ không tăng giá suốt mùa dịch và được cộng đồng hưởng ứng. "Đúng là họ không tăng thật, nhưng khi bạn đi 5 – 6 siêu thị/cửa hàng để xếp hàng vào được bên trong lại không có một cọng rau?", ông Đức đặt câu hỏi.
Bách Hóa Xanh tập trung tỷ trọng lớn vào thực phẩm tươi sống
Lượng khách hàng tăng đột biến có thể là một nguyên nhân. Tuy nhiên, rất nhiều siêu thị/cửa hàng trong các chuỗi bị tạm đóng cửa do nằm trong khu phong tỏa, hoặc F0 ghé. Khi đó, hàng tươi sống hiện tại và kế hoạch sẽ được chuyển về các siêu thị/cửa hàng đang hoạt động. Ngoài ra, các chuỗi cũng điều tiết lượng khách vào để đảm bảo yêu cầu 5K.
Vậy điều gì khiến các quầy rau luôn trống kệ?
Theo ông Đức có một vài lý do: vấn đề về chuỗi cung ứng và dự báo; sai sót trong khâu đặt hàng, điều chuyển hàng, dẫn đến thiếu hàng; cũng có thể là hứa không tăng giá thì càng bán càng lỗ (lỗ trên đơn vị sản phẩm do chi phí đầu vào tăng), nên để trống kệ.
"Giữa việc tăng một mức vừa phải so với giá trước đó để đảm bảo luôn có hàng hóa phục vụ khách hàng với việc không tăng giá và không có hàng lúc khách hàng rất cần. Bạn là khách hàng, bạn sẽ thích việc làm nào? Bạn là chủ siêu thị/cửa hàng bạn sẽ chọn cách làm nào? Cách nào là có đạo đức kinh doanh?", ông Đức để ngỏ.
Hứa Vân
Nhịp sống kinh tế