vĐồng tin tức tài chính 365

Trung Quốc mở chiến dịch chấn chỉnh ngành công nghiệp gia sư

2021-07-24 03:18

Trung Quốc mở chiến dịch chấn chỉnh ngành công nghiệp gia sư

Khánh Lan

(KTSG Online) - Giá cổ phiếu của các nền tảng gia sư, dạy thêm trực tuyến ở Trung Quốc lao dốc sau khi có các thông tin cho biết Trung Quốc muốn các công ty gia sư đang cung cấp các khóa phụ đạo các môn học ở nhà trường, phải đi theo hướng phi lợi nhuận.

Hôm 23-7, hãng tin Bloomberg dẫn lời các nguồn tin đáng tin cậy cho hay, Trung Quốc đang cân nhắc yêu cầu các công ty gia sư cung cấp các khóa học phụ đạo dựa theo chương trình giảng dạy ở nhà trường phải chuyển sang mô hình hoạt động phi lợi nhuận. Đây là một phần của một loạt hạn chế sâu rộng đối với hoạt động dạy thêm, có thể hủy hoại ngành công nghệ giáo dục trị giá 100 tỉ đô la Mỹ của Trung Quốc với nhiều nền tảng gia sư trực tuyến đang trỗi dậy trong thời kỳ dịch bệnh.

Trẻ em ở Bắc Kinh trong một buổi học tiếng Anh trực tuyến. Ảnh: China Daily

Xem xét cấm các nền tảng giáo dục trực tuyến huy động vốn và IPO

Tháng trước, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã thành lập một cơ quan chuyên trách để giám sát và quản lý các nền tảng giáo dục tư nhân.

Các nguồn tin cho biết cơ quan này đang xem xét các quy định cấm các nền tảng gia sư huy động vốn hoặc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Trong khi đó, các công ty gia sư đã niêm yết cổ phiếu có thể bị cấm đầu tư vào hoặc thâu tóm các công ty giáo dục đang dạy thêm các môn học ở nhà trường.

Ngoài ra, các quy định mới cũng cấm nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào các công ty gia sư trong nước. Các cơ quan quản lý địa phương sẽ không cấp phép cho các công ty gia sư mới đang muốn cung cấp các khóa học phụ đạo đối với các môn học bắt buộc ở nhà trường. Các chương trình học thêm vào cuối tuần hay trong dịp nghỉ hè, nghỉ đông cũng sẽ bị cấm.

Các quy định trên vẫn có thể thay đổi vì chưa có quyết định cuối cùng được đưa ra. Nếu được triển khai, chúng có thể xóa sạch thành quả tăng trưởng của các tập đoàn công nghệ giáo dục của Trung Quốc như TAL Education Group và Gaotu Techedu Inc.

Một người phát ngôn của Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết các chính sách liên quan vẫn đang được xây dựng và từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Công nghệ giáo dục nổi lên như một trong những lĩnh vực đầu tư nóng nhất ở Trung Quốc trong những năm gần đây, với hơn 10 tỉ đô la tiền đầu tư mạo hiểm đã đổ vào lĩnh vực này chỉ trong năm ngoái. Các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc như Alibaba, Tencent và ByteDance đều tham gia đấu trường này để kiếm lợi nhuận bằng cách tận dụng mong muốn tạo lợi thế trong học tập cho con cái của các bậc phụ huynh Trung Quốc.

Các startup công nghệ giáo dục của Trung Quốc huy động được hơn 10 tỉ đô la trong năm ngoái. Ảnh: Bloomberg

Bắc Kinh chỉ trích mạnh mẽ các công ty gia sư vì chạy theo lợi nhuận, gây căng thẳng cho trẻ em trong khi làm giàu cho các nhà đầu tư và những người sáng lập công ty.

Hồi tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì một cuộc họp với các quan chức cấp cao để thông qua một bộ quy tắc mới nhằm giảm bớt gánh nặng bài tập về nhà và chương trình phụ đạo sau giờ học cho học sinh tiểu học và trung học.

Luật mới về bảo vệ trẻ em của Trung Quốc, có hiệu lực vào ngày 1-6 vừa qua, cũng cấm các trường mẫu giáo và các cơ sở tư nhân dạy thêm chương trình tiểu học cho trẻ mầm mon.

Cũng trong tháng 5, Cơ quan Quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc (SAMR) phạt 2 công ty khởi nghiệp gia sư trực tuyến khổng lồ Zuoyebang và Yuanfudao mỗi công ty 2,5 triệu nhân dân tệ vì quảng cáo sai sự thật. Chẳng hạn, Zuoyebang quảng cáo là công ty này đang “hợp tác với Liên Hợp Quốc”. Zuoyebang được Alibaba hậu thuẫn tài chính, còn Yuanfudao  được Tencent đầu tư.

Giảm chi phí giáo dục để khuyến khích sinh con

Đón nhận tin xấu trên, cổ phiếu của Công ty cung cấp dịch vụ gia sư New Oriental Education & Technology Group trên Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông giảm sâu 50% trong phiên giao dịch 23-7. Trong khi đó, cổ phiếu của Công ty gia sư Koolearn Technology Holding cũng giảm đến 31%.

Thị trường gia sư và giáo dục ngoại khóa của Trung Quốc tăng trưởng bùng nổ trong những năm gần đây khi các bậc phụ huynh xem việc học thêm là yếu tố then chốt để bảo đảm thành công về học hành và nghề nghiệp cho con cái họ trong dài hạn. Một nghiên cứu ước tính thị trường gia sư của Trung Quốc tăng trưởng hơn gấp đôi trong giai đoạn 2011-2021, từ 203,2 tỉ nhân dân tệ lên 564 tỉ nhân dân tệ (87 tỉ đô la Mỹ).

Theo số liệu của 2017, hơn 50% học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông và 21,9% học sinh tiêu học ở Trung Quốc tham gia các khóa học thêm sau giờ học.

Cổ phiếu của một số công ty giáo dục tư nhân lớn nhất của Trung Quốc nằm trong số những cổ phiếu giảm giá mạnh nhất thế giới trong những tháng gần đây. Vốn hóa thị trường của 3 công ty New Oriental Education, TAL Education và Gaotu Techedu bốc hơi gần 100 tỉ đô la so với hồi đầu năm nay.

Bắc Kinh quyết liệt chấn chỉnh ngành công nghiệp gia sư vì nhận thấy rằng việc học thêm quá mức khiến học sinh kiệt sức và choàng thêm gánh nặng chi phí cho các bậc phụ huynh, vốn được xem là rào cản đối với nỗ lực vực dậy tỷ lệ sinh đang suy giảm ở Trung Quốc. Tháng trước, Trung Quốc đưa ra chính sách mới, cho phép mỗi cặp vợ chồng có 3 con, đồng thời công bố một loạt chính sách khuyến khich sinh nở và giảm chi phí nuôi dạy con cái.

“Chuyển ngành công nghiệp gia sư sang hình thức hoạt động phi lợi nhuận chẳng khác nào xóa bỏ toàn bộ ngành này. Các quy định mới về hạn chế huy động tài chính trong ngành này gây bất ngờ và cho thấy rằng đối với giới chức trách, đây là vấn đề lớn”, Wu Yuefeng, một nhà quản lý quỹ ở Công ty Funding Capital Management, nói.

Justin Tang, Giám đốc bộ phận nghiên cứu châu Á của Công ty United First Partners, cho rằng ép buộc ngành công nghiệp gia sư đi theo con đường phi lợi nhuận sẽ khiến hoạt động kinh doanh của công ty gia sư đang niêm yết cổ phiếu trở nên vô nghĩa. Ông nói: “Giới đầu tư sẽ bán cổ phiếu của họ trước, rồi sau đó, mới tìm hiểu vấn đề sau. Tất cả các nỗ lực trên của giới chức trách là nhằm giảm chi phí giáo dục và khuyến khích người dân sinh con”.

Một số công ty khởi nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực gia sư trực tuyến, bao gồm Yuanfudao, vốn được định giá đến 15,5 tỉ đô la, có thể phải dừng kế hoạch IPO trước áp lực từ chiến dịch chấn chỉnh hoạt động dạy thêm của Bắc Kinh.

Theo Bloomberg, Reuters

Xem thêm: lmth.us-aig-peihgn-gnoc-hnagn-hnihc-nahc-hcid-neihc-om-couq-gnurt/427813/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Trung Quốc mở chiến dịch chấn chỉnh ngành công nghiệp gia sư”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools