Số ca nhiễm liên tục tăng cao gây áp lực lớn cho hệ thống y tế nói riêng và hệ thống phòng dịch nói chung. Ấy vậy nhưng nhiều người vẫn thiếu ý thức, vô trách nhiệm với cộng đồng, tung hàng loạt tin giả lên mạng xã hội (MXH).
Tin giả nở rộ mùa dịch
Trong đại dịch, những người ở tuyến đầu đã gánh trách nhiệm gian khổ nhất. Các y bác sĩ túc trực ngày đêm giành sự sống cho bệnh nhân. Họ không đủ thời gian ăn và ngủ. Những người thực thi công vụ làm việc quên mình tại các chốt kiểm dịch, hỗ trợ nhân dân cùng nhau vượt qua khó khăn trong đại dịch.
Khi nhịp sống bình thường bị đảo lộn trong một thời gian dài, người dân rất dễ rơi vào tâm trạng lo âu, buồn chán, nảy sinh nhiều suy nghĩ tiêu cực, dễ bột phát hành động thiếu tỉnh táo. Tận dụng cơ hội này, hàng loạt tin giả về F0, khu vực bị phong tỏa, các bài thuốc chữa COVID-19 thiếu căn cứ đã xuất hiện tràn lan trên MXH.
Một người dân bị mời đến làm việc vì đã đăng thông tin về dịch bệnh
sai sự thật. Ảnh: CA
Gần đây, các tin giả có xu hướng tấn công vào đường lối chính sách, kích động chia rẽ vùng miền, đánh vào niềm tin của người dân đối với chính quyền, tấn công vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cơ quan chức năng đã rà soát, phát hiện nhiều vụ và xử lý nghiêm. Nhiều nơi đã khởi tố, xét xử hoặc xử phạt hành chính người chống đối, tung tin thất thiệt về dịch nhằm góp phần ổn định tình hình, tránh gây hoang mang trong nhân dân.
Tù tội vì tung tin gây hoang mang về dịch
Ngày 21-7, Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM đã khởi tố, bắt giam ông Phan Hữu Điệp Anh (60 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) để điều tra về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Cụ thể, chiều 19-7, Facebook lan truyền thông tin, hình ảnh một người tự thiêu ở phường Trường Thọ (TP Thủ Đức, TP.HCM). Thông tin đi kèm nội dung: “Bức xúc vì cách thức chống dịch COVID-19… người dân phẫn uất ngay giữa đường bức bách, tự thiêu”.
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP.HCM) đã phối hợp với Công an TP Thủ Đức, Công an quận Bình Thạnh vào cuộc. Cơ quan chức năng xác định ông Anh là người đã đăng tải thông tin nói trên. Theo cơ quan công an, ông Anh có tài khoản tham gia nhiều hội nhóm chống phá chính quyền. Trong khi TP.HCM đang dốc toàn lực chống dịch thì hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên Facebook gây hoang mang cho người dân TP, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...
Trước đó, tháng 5-2020, TAND huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) từng xử phạt Đinh Vĩnh Sơn chín tháng tù nhưng cho hưởng án treo và phạt bổ sung 30 triệu đồng về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
Sơn đã dùng hình ảnh của người khác để lập một tài khoản Facebook rồi đăng tải vào một nhóm với nội dung: “Đà Lạt đã có 3 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 1 ca đã tử vong...”. Người này còn thông tin sai sự thật về việc chính quyền đang lên danh sách những người tiếp xúc với ba bệnh nhân nói trên…
Hà Nội: 18 ngày, 16 vụ đăng tin bậy Theo thống kê, chỉ từ ngày 1 đến 18-2, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) đã xử lý 16 trường hợp đăng tin sai sự thật về dịch bệnh trên MXH, đồng thời yêu cầu gỡ bỏ toàn bộ bài viết. Trong đó, Công an TP Hà Nội đã xử lý trường hợp chị DT (26 tuổi, ngụ quận Đống Đa) về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh trên MXH. Cụ thể, chị T. đã đăng Facebook với nội dung: “Ko biết đã tìm đc e tay vịn chưa, cô nào thì cũng thua covid” kèm theo hình ảnh liên quan đến lịch trình di chuyển của một bệnh nhân COVID-19. |
Phạt hành chính hàng loạt vụ vẫn không chừa
Thanh tra Sở TT&TT TP.HCM vừa xử phạt bà Trác Thúy Miêu (tên thật là Vũ Hoài Phương) 7,5 triệu đồng vì cung cấp, chia sẻ thông tin trên MXH có nội dung gây hoang mang trong nhân dân về công tác hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19.
Trước đó, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT đã có văn bản gửi Sở TT&TT TP.HCM yêu cầu xem xét, xử lý bà Miêu vì bài viết trên MXH có dấu hiệu gây mâu thuẫn, kích động về việc các cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương triển khai nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại TP.HCM.
Một tài khoản MXH tung tin: “Việt Nam đi xin vắc xin cả thế giới về bán lại cho dân”. Thông tin này là hoàn toàn bịa đặt bởi Chính phủ đã khẳng định người dân được tiêm vaccine miễn phí. Thông tin sai sự thật này vừa gây hoang mang vừa kích động chia rẽ người dân với chính quyền.
Mới đây, ông LVT đã bị Sở TT&TT TP Hải Phòng xử phạt 12,5 triệu đồng về hành vi đăng bài viết liên quan tới dịch bệnh nhưng nội dung sai sự thật trên fanpage do ông làm quản trị viên. Cụ thể, ngày 6-7, ông T. đã đăng bài viết trên fanpage Hải Phòng với nội dung: “Nghe tin có vụ lọt 5 mạng từ HCM đi xe khách vào HP. CA Kiến An mới bắt được 1 mạng...”. Bài viết này nhanh chóng có cả ngàn lượt bình luận, chia sẻ gây hoang mang dư luận…
Ngày 17-7, Công an huyện Châu Thành (Sóc Trăng) xử phạt ông HHV (62 tuổi, ngụ thị trấn Châu Thành, làm việc ở một cơ sở Đông dược) 7,5 triệu đồng vì bịa đặt thông tin về bài thuốc thất sơn thần dược chữa được bệnh cho người mắc COVID-19, rồi đăng lên MXH gây hoang mang trong nhân dân.
Chọn lọc thông tin, đừng đụng đâu share đó
ThS Nguyễn Nhật Khanh (Trường ĐH Luật TP.HCM) và luật sư Lê Xuân Thụ (Đoàn Luật sư TP.HCM) đều đưa ra khuyến cáo: Dịch bệnh vẫn phức tạp, mọi người cần cảnh giác, chọn lọc thông tin; cẩn trọng trước mỗi dòng trạng thái hay bình luận; không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng.
Người dân nên tích cực tuyên truyền, chia sẻ thông tin các quy định về thực hiện giãn cách xã hội, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch; chia sẻ các thông tin tích cực về các tấm gương, việc tốt trong giai đoạn phòng chống dịch. Đồng thời người dân nên tiếp nhận thông tin qua các trang chính thống, có uy tín để tránh những hậu quả đáng tiếc do sự thiếu hiểu biết.
Về chế tài xử lý, ThS Nguyễn Nhật Khanh phân tích: Ở mức độ hành chính, theo khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng đối với cá nhân, 10-20 triệu đồng đối với tổ chức. Đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật.
Ở mức độ hình sự, luật sư Thụ cho rằng hành vi tung những thông tin sai sự thật về dịch bệnh có thể bị xử lý về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 BLHS 2015, mức hình phạt cao nhất là bảy năm tù.
Nếu đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội sẽ phạm tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 BLHS.
Cạnh đó, nếu hành vi lan truyền những điều về dịch bệnh mà biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự cụ thể đến một cá nhân nào đó thì có thể sẽ phạm tội vu khống theo Điều 156 BLHS.
Phải xử nghiêm để răn đe Khi vi phạm diễn ra, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh, xử lý triệt để, đây là việc rất quan trọng. Việc xử lý kịp thời, nghiêm minh vừa buộc cá nhân có hành vi sai trái phải chịu trách nhiệm với vi phạm của mình; vừa tuyên truyền, răn đe, cảnh báo và ngăn chặn những hành vi tương tự. Tuy nhiên, đối với từng hành vi vi phạm thì cần xem xét ở nhiều khía cạnh như mục đích đưa thông tin, có hành vi trục lợi hay chỉ đăng để câu like; tác động của hành vi vi phạm… để từ đó đưa ra mức chế tài phù hợp. Cạnh đó, báo chí cần đưa nhiều thông tin về những hình ảnh đẹp, đoàn kết của người dân trong từng khu phố, phường, quận dìu nhau qua đại dịch; những việc làm tình nghĩa, chia sẻ khó khăn của những người dân giữa các vùng miền với nhau. Đây là những bằng chứng sinh động nhất để phản bác lại các thông tin xuyên tạc. Vụ án ông Điệp Anh, ngoài hình ảnh ghê gớm, rùng rợn, nội dung chú thích còn mang tính chất kích động gây dư luận xấu, hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng tới uy tín của Nhà nước nên mức độ rất nghiêm trọng. Luật sư LÊ XUÂN THỤ, Đoàn Luật sư TP.HCM |