Đường đi của nông sản thiết yếu
Hương Giang
(KTSG) - Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao trong mùa dịch hàng hóa thiết yếu lại khó lưu thông hơn? Điểm nghẽn của vấn đề này cần được nhìn nhận từ hai hướng: một là đường đi của hàng hóa đến tay người tiêu dùng, hai là thói quen lựa chọn các kênh phân phối hàng hóa của người dân.
Câu chuyện ăn uống thiết yếu hàng ngày trước đây gần như chỉ là vấn đề của các bà nội trợ. Thế nhưng, khi những biến cố trục trặc về chuỗi cung ứng hàng hóa cho TPHCM trong những ngày áp dụng Chỉ thị 16 (từ ngày 9-7-2021) nhằm phòng chống lây nhiễm dịch Covid-19 xuất hiện, nhiều người không khỏi lo lắng.
Quyết định đóng cửa phần lớn chợ truyền thống đang đẩy gánh nặng phân phối hàng hóa lên chuỗi các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các kênh bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ dừng lại ở việc người dân phải xếp hàng dài chờ đợi trước cổng các điểm buôn bán hay các kênh bán hàng trực tuyến liên tục bị tắc nghẽn. Dự báo về thực trạng nguồn cung hàng hóa không đủ đáp ứng nhu cầu tích trữ tăng cao của người dân đang khiến các cơ quan quản lý cảm thấy lo ngại, nhất là khi cả miền Nam, bao gồm các địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cũng áp dụng Chỉ thị 16 từ ngày 19-7.
Đường đi của nông sản thiết yếu
Các mặt hàng nông sản thiết yếu như rau, củ, quả từ vườn được thu mua qua các kênh đa dạng gồm hệ thống thương lái, các công ty thương mại trung gian trong nước và xuất khẩu hay thậm chí là tự người nông dân đứng ra bán lẻ cho các chợ gần nơi canh tác.
Tuy nhiên, để nông sản đến được với người dân TPHCM, việc phân phối rau quả qua hệ thống thương lái chiếm gần 90% tỷ trọng thu mua đầu ra, lượng rau củ quả được thu mua qua các doanh nghiệp phân phối, xuất khẩu hay chế biến rất ít, chiếm chưa đến 10%.
Rau, củ, quả được thương lái gom từ các vùng trồng để chuyển đến các vựa lớn, nhỏ từ đó đóng thùng vận chuyển đến các điểm tiêu thụ, đây là phương thức phổ biến nhất. Rau, củ, quả phải qua rất nhiều lớp trung gian (nông dân, cò, sáo, doanh nghiệp) để đến với người tiêu thụ cuối cùng nên phát sinh chi phí thương mại lớn, giá mua tại vườn không cao. Hệ thống thu mua này rất dễ xây dựng, cách thức hoạt động cũng khá đơn giản.
Ưu điểm lớn của cách thức thu gom nông sản này đó là tính linh hoạt, những thương lái nhỏ lẻ có thể linh động mua hàng của người nông dân khi rau, củ, quả vừa đạt độ chín tới, không đòi hỏi quá nhiều tiêu chuẩn và giá cả được thiết lập trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên. Tất nhiên, hạn chế lớn của cách thức này đó là rất khó nâng cao tiêu chuẩn xanh, sạch của nông sản để hướng đến những thị trường uy tín và khắt khe hơn, tuy nhiên, với yêu cầu về chất lượng và giá cả của khách hàng trong nước hiện nay, đây vẫn là hệ thống đang được chọn lựa nhiều nhất.
Từ các vựa nông sản sau khi thu gom, rau, củ, quả có thể được vận chuyển trực tiếp đến các chợ đầu mối trước khi tỏa đi khắp nơi trong thành phố, hoặc có thể thông qua một trung gian bán buôn để đi vào các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi với yêu cầu về quy chuẩn cao hơn.
Hiện nay sản phẩm nông sản đa số được trồng từ người nông dân và phương thức canh tác truyền thống nên có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với hệ thống thương lái và các chợ đầu mối nhiều hơn là các doanh nghiệp thương mại cùng hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi. |
Vấn đề là việc đi vào các chợ đầu mối và chợ truyền thống vẫn là sự lựa chọn phân phối tối ưu hơn so với các siêu thị hay cửa hàng tiện lợi vì ba lý do sau:
Thứ nhất, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi thường đòi hỏi sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung cao hơn đảm bảo sản phẩm xanh và sạch, điều mà ngành nông nghiệp trong nước hiện nay đa phần chưa đáp ứng được.
Thứ hai, việc thu mua nông sản vào hệ thống siêu thị đòi hỏi phải cam kết đúng thời gian theo một lịch trình cụ thể để không phải lưu trữ quá lâu và đảm bảo nguồn hàng cung ứng được liên tục, không đứt quãng. Đối với nông nghiệp truyền thống được canh tác bởi người nông dân nhỏ lẻ, việc canh tác và cho ra sản phẩm theo một thời gian xác định trước sẽ rất khó khăn. Do đó, nếu muốn cung ứng cho hệ thống siêu thị, cửa hàng, các vùng trồng đủ lớn thường phải thông qua một doanh nghiệp điều phối trung gian.
Thứ ba, hệ thống siêu thị thường yêu cầu được trả chậm một phần hoặc một mức chiết khấu trên sản phẩm bán ra, điều này không quen thuộc đối với thói quen mua bán sòng phẳng của người nông dân. Hơn nữa, người trồng trọt cũng cần sớm thu hồi vốn để đầu tư cho vụ canh tác mới.
Vì ba lý do trên, có thể thấy hiện nay sản phẩm nông sản đa số được trồng từ người nông dân và phương thức canh tác truyền thống nên có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với hệ thống thương lái và các chợ đầu mối nhiều hơn là các doanh nghiệp thương mại cùng hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi.
Khi áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn TPHCM, phần lớn chợ truyền thống tạm thời đóng cửa và vai trò phân phối hàng hóa được đặt lên vai của hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, quy trình thu gom số lượng lớn các loại nông sản với các mức tiêu chuẩn khác nhau vẫn chưa được hình thành trong hệ thống này. Ngoài ra, trong một thời gian quá ngắn, chắc chắn các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng khó lòng thiết lập mối quan hệ với các thương lái cũng như các kênh thu mua ngoài doanh nghiệp thương mại để kịp thời gom hàng số lượng lớn đáp ứng nhu cầu của đối tượng người tiêu dùng đa dạng trên toàn thành phố.
Thói quen lựa chọn phương thức mua hàng của người tiêu dùng
Thói quen mua sắm của người tiêu dùng rất khó thay đổi nhanh chóng, ngay cả trong bối cảnh khẩn cấp khi dịch bệnh đã lây nhiễm mạnh trong cộng đồng và phần lớn chợ truyền thống phải đóng cửa. |
Một khảo sát năm 2017 đối với người tiêu dùng trên địa bàn TPHCM và Hà Nội cho thấy trong vòng 10 năm qua thói quen mua sắm của họ ít thay đổi, chủ yếu mua sắm tại các khu chợ cố định và tạm thời.
Tuy nhiên, 58,6% người tiêu dùng tin rằng mua rau, củ, quả tại siêu thị có chất lượng đảm bảo hơn và 24,4% cho rằng giá sẽ cao hơn. Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, đa phần người dân vẫn ưa chuộng mua các mặt hàng nông sản thiết yếu tại các khu chợ truyền thống hơn là siêu thị hay cửa hàng tiện lợi.
Mặc dù gần đây thu nhập của người dân cả nước nói chung và người dân TPHCM nói riêng có thay đổi, tầng lớp trung lưu tại những thành phố lớn đang gia tăng đáng kể, tuy nhiên mức độ cải thiện thu nhập này vẫn chưa đủ sức thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân tại thời điểm hiện tại.
Dịch bệnh bùng phát và việc áp dụng Chỉ thị 16 diện rộng đang khiến người tiêu dùng tại TPHCM trở nên lúng túng, chưa biết nên lựa chọn giải pháp mua sắm thay thế nào là phù hợp. Các kênh bán hàng trực tuyến vốn là thế mạnh của TPHCM cũng khó phát huy tác dụng trong bối cảnh quá tải vì năng lực phục vụ vẫn còn khá hạn chế do vấn đề hậu cần, phân loại hàng hóa và vận chuyển trong mùa dịch.
Khi Chỉ thị 16 được áp dụng, có một kênh cung ứng mới đã được hình thành, đó là những chuyến xe cứu trợ, những hộ gia đình có người thân sống ở vùng miền khác gửi các thùng hàng nông sản tới TPHCM. Tuy nhiên, số lượng cung ứng qua các kênh này vẫn rất nhỏ, nhắm đến một đối tượng phục vụ cố định và không mang đặc điểm của một thị trường mua bán chính thức.
Những điểm nghẽn và hướng khắc phục nên cân nhắc
Trong bối cảnh cả miền Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 như hiện nay, bức tranh phân phối hàng hóa nông sản thiết yếu sẽ đối diện với ba điểm nghẽn chính:
Thứ nhất, hệ thống thương lái thu gom nông sản ở các tỉnh miền Tây có thể sẽ phải ngừng hoạt động, điều này khiến chuỗi cung ứng nông sản ở những nơi này sẽ bị gián đoạn ngay tại mắc xích đầu tiên. Nếu các địa phương không có sự can thiệp bằng các phương án thay thế phù hợp, việc nông sản hư hỏng do không được thu gom đúng lúc có thể gây thiệt hại cho nông dân trong khi nguồn cung cho thị trường lại bị khan hiếm.
Thứ hai, việc các siêu thị, cửa hàng tiện lợi thay thế vai trò của chợ truyền thống là điều rất khó thực hiện khi đối tượng khách hàng và thị phần cung ứng trong nước của hệ thống này vẫn đang chiếm rất ít, không thể trong thời gian rất ngắn mà có thể cải thiện được.
Thứ ba, thói quen mua sắm của người tiêu dùng rất khó thay đổi nhanh chóng, ngay cả trong bối cảnh khẩn cấp khi dịch bệnh đã lây nhiễm mạnh trong cộng đồng và phần lớn chợ truyền thống phải đóng cửa. Sự luống cuống, sợ hãi của người dân đang dẫn đến tâm lý muốn tích trữ hàng hóa nhiều hơn nếu có thể và những hoạt động tụ tập mua hàng không cần thiết.
Trước những điểm nghẽn đã được xác định như trên, câu chuyện lưu thông hàng hóa trong giai đoạn áp dụng chiến lược giãn cách nghiêm ngặt rất cần có sự hợp tác về mặt chính sách trên phạm vi khu vực hay cả nước chứ không riêng gì một tỉnh, thành nào.
Các địa phương đóng vai trò cung ứng nông sản đang áp dụng Chỉ thị 16 nên có giải pháp tạo hệ thống thay thế hoặc cho phép một số thương lái có năng lực và uy tín lớn tiếp tục thực hiện thu gom nông sản tại vườn để đảm bảo không gián đoạn chuỗi cung ứng, vừa giúp người nông dân có thu nhập từ việc bán được rau, củ, quả tại vườn, vừa đảm bảo được nhu cầu tiêu thụ ở các thành phố lớn.
Những địa phương cung ứng có tình hình dịch ổn định hơn cần phát huy vai trò sản xuất lương thực, thực phẩm cho cả nước mạnh hơn, đảm bảo lượng nông sản cung cấp cho thị trường không bị sụt giảm nghiêm trọng. Chính phủ cũng cần thiết kế chính sách khuyến khích các địa phương này tăng gia sản xuất, hỗ trợ quá trình vận chuyển được thông suốt và thuận lợi hơn.
Đối với các thành phố lớn như TPHCM, các chợ đầu mối, chợ truyền thống và tự phát cần được xem xét mở lại ở một phạm vi và cách thức tổ chức an toàn hơn để đảm bảo khả năng phân phối hiệu quả hàng hóa thiết yếu cho người dân. Mặt khác, việc tuyên truyền, hướng dẫn kết hợp với sáng tạo các kênh phân phối đi kèm giúp người dân thay đổi thói quen và hành vi mua sắm phù hợp với bối cảnh giãn cách sẽ là điều cần thiết.
Xem thêm: lmth.uey-teiht-nas-gnon-auc-id-gnoud/675813/nv.semitnogiaseht.www