Ngày 22-7 Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.
Trước tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp và TP phải giãn cách xã hội nhiều ngày trong thời gian vừa qua. Rất nhiều người dân tại các tỉnh đang ở TP.HCM có nhu cầu muốn về quê.
Ngay sau khi Thành ủy TP.HCM TP ban hành Chỉ thị mới nhằm siết chặt công tác phòng, chống dịch. Pháp Luật TP.HCM nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi tới hỏi cách nào để về quê.
Chỉ riêng trong ngày hôm qua, Fanpage PLO, đường dây nóng của báo Pháp Luật TP.HCM 0982 000 333 đã tiếp nhận hơn 150 bạn đọc hỏi về việc này.
Chuyến bay chở người dân Đà Nẵng ở TP.HCM về quê an toàn. Ảnh: NGUYỆT NHI
Làm sao để về được quê?
Đa số các câu hỏi của bạn đọc gửi về có nội dung TP siết chặt công tác phòng dịch như vậy thì người dân về quê bằng xe cá nhân có được không? Nếu dùng xe cá nhân được thì cần cần chuẩn bị những giấy tờ gì?
Về vấn đề này, trong Chỉ thị số 12 mới ban hành đã nêu rõ đối với các chốt, trạm kiểm soát dịch COVID-19 tại các cửa ngõ ra vào TP (12 chốt, trạm cấp TP và các chốt, trạm cấp quận, huyện và TP Thủ Đức) chỉ giải quyết cho xe công vụ, các loại phương tiện vận tải hàng hóa có mã (QR code) nhận diện được phép vận chuyển, vận tải vào TP hoặc lưu thông qua TP.
Ngoài ra, các xe cá nhân của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, phục vụ phòng, chống dịch và các mục đích công vụ; xe đưa rước người dân TP về quê theo kế hoạch cũng được các chốt giải quyết cho qua.
Theo thông tin mới nhất thì UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở GTVT và các đơn vị liên quan có nội dung: Giao Sở GTVT chủ động chủ trì phối hợp Sở Y tế, Công an TP, UBND các quận huyện và TP Thủ Đức hỗ trợ, phối hợp với Hội đồng hương các tỉnh, thành chức đưa người dân của các tỉnh, thành đang ở TP.HCM có nhu cầu về địa phương như TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Hà Tĩnh đã làm.
Như vậy, theo quy định áp dụng mới nhất hiện nay tại TP.HCM thì người dân chỉ được về quê được trong trường hợp các tỉnh, thành muốn đưa người dân về quê phải có kế hoạch, lịch trình đưa người về cụ thể sau đó thông qua Hội đồng hương của tỉnh, thành đó tại TP.HCM làm đầu mối để làm việc, phối hợp với Sở GTVT TP.HCM và các đơn vị liên quan để thống nhất phương án đưa người dân về.
Chỉ như vậy, các chốt tại các cửa ngõ ra vào TP mới giải quyết cho qua.
Người dân tỉnh, thành nào muốn về quê thì chủ động liên hệ đăng ký với các Hội đồng hương hoặc đầu mối đại diện của tỉnh, thành đó.
Hiện nay, tập đoàn Phương Trang cũng đang hỗ trợ các chuyến xe đưa người dân từ TP.HCM về quê tránh dịch. Tập đoàn Phương Trang cho biết đầu mối tiếp nhận là từ Hội đồng hương các địa phương tại TP.HCM hoặc đầu mối đại diện của tỉnh thành đó.
Các đầu mối trên sẽ tập hợp thông tin, làm việc với địa phương nơi người dân đang sinh sống để lên danh sách và phương án tiếp nhận.
Đang ở khu phong tỏa, có được về quê không?
Cũng có một số bạn đọc hiện đang bị mắc kẹt trong các khu phong toả, cách ly. Mặc dù trước đó đã có kế hoạch, nằm trong danh sách lên xe tỉnh đón về nhưng đang trong khu phong toả nên không về được. Nhiều bạn đọc thắc mắc trong trường hợp này có được giải quyết cho về quê theo kế hoạch không?
Liên quan đến các khu vực bị phong toả, cách ly, Chị thị 12 đã nêu rõ yêu cầu thực hiện triệt để “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”. Tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh.
Còn người trong các khu cách ly, người đang thực hiện cách ly phải tuyệt đối chấp hành quy định, không được ra khỏi phòng và không được tiếp xúc trực tiếp với người khác (trừ trường hợp cấp cứu y tế).
Do đó, mặc dù đã có kế hoạch về quê theo kế hoạch của tỉnh nhưng nếu người dân đang ở trong khu phong tỏa thì sẽ không được giải quyết để về.
Lưu ý trong trường hợp được về quê
Hiện nay, đã có một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Tĩnh… tổ chức đưa người dân về quê thành công.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ông Lê Trí Thanh tới thăm và tặng quà cho bà con, cán bộ làm nhiệm vụ trong khu cách ly người dân đưa từ TP.HCM về. Ảnh: THANH NHẬT
Theo như kế hoạch, phương án mà các địa phương này đã tổ chức thì một trong những điều kiện để được xem xét, giải quyết cho về quê là phải có xét nghiệm COVID-19 âm tính (test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR tuỳ địa phương quy định) trong vòng 48 giờ.
Ngoài ra, những người có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt cũng được các địa phương ưu tiên xem xét giải quyết duyệt danh sách cho về trước. Bên cạnh đó, các địa phương cũng yêu cầu công dân của mình phải tuyệt đối tuân thủ công tác phòng dịch, chấp hành theo hướng dẫn trong quá trình về quê.
Về vấn đề chi phí đi lại, tuỳ từng phương án, kế hoạch của từng địa phương sẽ có quy định khác nhau. Trong quá trình liên hệ đăng ký với Hội đồng hương người dân của địa phương đó sẽ được cung cấp các thông tin liên quan trong đó có vấn đề chi phí.
Để có thể sớm đưa được người dân của mình về, ngay từ sớm các địa phương đã lên phương án, kế hoạch và phối hợp với Hội đồng hương để tổ chức đưa người dân về quê an toàn, đảm bảo quy định phòng chống dịch.
Người dân có thường trú tại địa phương khi được tỉnh đón về quê sẽ phải cách ly.
Để tiện liên hệ, bạn đọc có thể tham khảo thêm số điện thoại của các Hội đồng hương các tỉnh TẠI ĐÂY
Hôm nay, có chuyến tàu đầu tiên chở người dân từ TP.HCM về Hà Tĩnh Theo kế hoạch lịch trình đón người dân từ TP.HCM về Hà Tĩnh (đợt 1) tại ga Sài Gòn giờ xuất phát là 20 giờ 45 ngày 24-7 và giờ đến ga Yên Trung (Đức Thọ, Hà Tĩnh) là 5 giờ 30 ngày 26-7. Trước đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu những người dân lên tàu phải xuất trình giấy tờ tùy thân, phiếu đăng ký cá nhân, phiếu xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính có hiệu lực 48 giờ, chuẩn bị đầy đủ khẩu trang, dung dịch sát khuẩn để sử dụng thường xuyên và thực hiện 5K trong khi chờ bố trí chỗ ngồi. Người về Hà Tĩnh sẽ được cách ly tập trung tại địa phương và thực hiện test phân loại cách ly theo quy định. |