Chiều 23-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến về việc sản xuất vaccine phòng chống COVID-19 trong nước.
Cùng dự cuộc họp có có đại diện Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, Hội đồng Đạo đức quốc gia trong nghiên cứu y sinh học; đại diện các đơn vị, cơ sở đang tiến hành chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Đầu cầu TP.HCM có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng dự.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, trong cuộc chiến chưa có tiền lệ phòng chống COVID-19, trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, mở rộng dần, chúng ta đã rút ra được nhiều bài học sâu sắc.
Bên cạnh nâng cao cảnh giác chống dịch, vấn đề vaccine phòng COVID-19 để đạt miễn dịch cộng đồng rất quan trọng.
Theo Thủ tướng, từ những ngày dịch bùng phát chúng ta đã triển khai tích cực chiến lược vaccine, bao gồm nhập khẩu, thực hiện ngoại giao vaccine để có nguồn vaccine nhiều nhất, nhanh nhất. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước, tiến hành chiến dịch tiêm chủng miễn phí cho toàn dân.
Trong đó, việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong chiến lược vaccine. Trong nước có 4 nhà sản xuất vaccine, trong đó vaccine Nanocovax do Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen có tiến độ nhanh nhất.
Theo báo cáo của Bộ Y tế và Bộ Khoa học công nghệ, với vaccine Nanocovax, dự kiến các kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ được hoàn thành trong thời gian từ 4-8 đến 19-8. Bộ Y tế đã chỉ đạo và cử nhóm chuyên gia trong nước kết hợp cùng chuyên gia WHO đến hỗ trợ cho nhà sản xuất và nhóm nghiên cứu (Viện Pasteur TP.HCM - Học viện Quân y) hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu, đánh giá sơ bộ các kết quả xét nghiệm tính sinh miễn dịch, hoàn thiện hồ sơ báo cáo và hồ sơ đăng ký để đệ trình các hội đồng xem xét thẩm định (dự kiến 15 đến 20-8).
Với vaccine Covivax do Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế nghiên cứu sản xuất, ngày 27-7 sẽ có kết quả đánh giá tính sinh miễn dịch, ngày 30-7 nộp báo cáo giữa kỳ để chuyển sang giai đoạn 2. Có thể xem xét triển khai gối đầu giai đoạn 3 (vào tháng 9-2021) nhằm đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu.
Liên quan đến việc chuyển giao công nghệ, Tập đoàn VinGroup đã tiếp cận đàm phán chuyển giao công nghệ với Công ty Acturus, Hoa Kỳ. Dự kiến tháng 8-2021 có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. Nhà máy dự kiến có công suất 100 đến 200 triệu liều/năm.
Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) và Công ty TNHH MTV vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đã ký thỏa thuận với Công ty Shionogi (Nhật Bản), chuẩn bị triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Dự kiến tháng 6-2022 sẽ hoàn tất các hoạt động và đưa vaccine ra thị trường.
Dự kiến cuối tháng 7-2021, các chuyên gia WHO sẽ đến Việt Nam hỗ trợ Bộ Y tế về nghiên cứu phát triển, thử nghiệm lâm sàng, thẩm định đánh giá các vaccine sản xuất trong nước cũng như các vaccine chuyển giao công nghệ theo cả 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Tại cuộc họp, nhiều nội dung liên quan tới quy trình, thủ tục cấp phép, kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm vaccine đã được nêu ra và giải đáp. Các đại biểu cũng kiến nghị sửa đổi các quy định liên quan cấp phép khẩn cấp phục vụ phòng chống đại dịch, nhấn mạnh có thể cắt giảm, rút gọn quy trình hành chính nhưng bảo đảm yêu cầu về chuyên môn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định chúng ta chú ý nghiên cứu, phát triển vaccine phòng COVID-19 trong nước từ rất sớm, ngay từ tháng 3-2020. Phó Thủ tướng đề nghị, đối với vaccine nhận chuyển giao công nghệ thì cần làm rõ việc bảo đảm nguồn nguyên liệu để sản xuất. Hiệu quả, chất lượng của các vaccine phòng COVID-19 nghiên cứu phát triển ở trong nước phải được đánh giá khách quan, công khai, minh bạch của các cơ quan, hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, từ đó mới có cơ sở khoa học để quyết định cấp phép lưu hành trong tình trạng khẩn cấp hay không.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là các địa phương cần tổ chức tiêm nhanh, bảo đảm an toàn, nhưng không được ảnh hưởng đến công tác chống dịch. Đơn cử tại địa bàn đang chống dịch như TP.HCM thì cần nghiên cứu, điều chỉnh quy trình tiêm phù hợp, bảo đảm vừa an toàn, vừa đúng theo kế hoạch đề ra.