Michael Andrew, thành viên đội bơi lội Mỹ dự Olympic Tokyo 2020 - Ảnh: REUTERS
Trong một cuộc nói chuyện với phóng viên hồi đầu tháng này, Andrew tiết lộ anh đã không tiêm phòng COVID-19.
Vận động viên 22 tuổi nói: "Tôi không muốn đưa bất cứ thứ gì vào cơ thể mình khi tôi không biết liệu tôi sẽ bị phản ứng thế nào".
Andrew lập luận thêm: "Là một vận động viên ở cấp độ cao nhất, mọi thứ chúng tôi làm đều được tính toán và tìm hiểu cẩn thận. Đối với với, trong chu trình tập luyện, đặc biệt trước đợt bơi thử chọn vào Olympic, tôi không muốn mạo hiểm với việc phải bỏ ra vài ngày (vì phản ứng của vắc xin - PV). Sẽ có những giai đoạn phản ứng xuất hiện sau khi tiêm vắc xin, khi đó bạn phải mất đi một vài hôm cho việc này".
Tại Olympic, Andrew cũng như các vận động viên sẽ được xét nghiệm COVID-19 mỗi ngày. Vận động viên trẻ khẳng định cảm thấy an toàn, được bảo vệ tối đa, và cũng nói rằng anh… không có ý định tiêm vắc xin trong tương lai.
Trên thế giới, đặc biệt ở Mỹ, vắc xin là một chủ đề gây tranh cãi. Một số luồng quan điểm phản đối việc tiêm vắc xin, và trong một tình huống như COVID-19, quyền tự do thân thể xung đột với quy định hoặc lợi ích y tế cộng đồng.
Quyết định của Andrew vì vậy tạo ra tranh cãi ngay trong chính giới vận động viên bơi lội. Hôm 21-7, cựu huy chương vàng Maya DiRado và một số thành viên đội bơi lội mỹ chỉ trích Andrew.
Trên Twitter, DiRado viết rằng cô rất "thất vọng" về quyết định của Andrew và lý do mà anh đưa ra cho việc không tiêm vắc xin.
Olympic Tokyo năm nay, được tổ chức sau một năm bị hoãn, không bắt buộc các vận động viên tiêm vắc xin. Tới nay Ủy ban Olympic Quốc tế đã phát hiện 13 ca dương tính trong đoàn Nhật Bản.
Tham dự kỳ này, có khoảng 100 trong số 613 vận động viên Mỹ không tiêm vắc xin. Andrew là thành viên duy nhất trong đội bơi lội Mỹ tuyên bố không tiêm.
TTO - Số ca nhiễm COVID-19 mới tăng nhanh ở Mỹ khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch trở lại. Một tòa án liên bang ở Indiana cho phép trường đại học được yêu cầu sinh viên và nhân viên phải tiêm vắc xin.