Đại biểu Quốc hội khuyến nghị cần cắt bỏ dự án đầu tư công không hiệu quả
Vân Ly
(KTSG Online) – Sau khi Chính phủ trình bày báo cáo về tình hình thực hiện đầu tư công giai đoạn 2016-2020, đại biểu Quốc hội cho rằng Chính phủ cần mạnh tay cắt bỏ những dự án không hiệu quả.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ vào ngày 24-7. Ảnh: TTXVN |
Giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua vẫn còn hạn chế
Sáng 24-7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trước Quốc hội.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được thực hiện quyết liệt với nhiều đổi mới. Thể chế, chính sách về đầu tư công được hình thành, ngày càng hoàn thiện, tạo khung khổ pháp lý, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công từng bước được cải thiện, cơ bản khắc phục được tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, manh mún...
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về đầu tư công điều chỉnh chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn, trình tự, thủ tục còn phức tạp. Việc bố trí vốn mặc dù được cải thiện nhưng vẫn còn dàn trải, chia cắt. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch. Phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cá nhân chưa được rõ ràng…
Sau khi ông Dũng trình bày báo cáo, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã trình bày báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Trình bày ý kiến thẩm tra trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản tán thành với một số nhận định về kết quả đạt được của Chính phủ. Giai đoạn 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn lần đầu tiên được triển khai thực hiện, là bước đổi mới quan trọng trong quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư công. Nhiều tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2011-2015 được từng bước khắc phục. Thể chế pháp luật về đầu tư công từng bước được hoàn thiện. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công được cải thiện...
Song, bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy kế hoạch đầu tư công trung hạn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: nhiều dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm chậm tiến độ, một số công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư quá lớn. Nhiều trường hợp bố trí vốn không đúng tiến độ, nhiều dự án chưa đủ thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công. Việc giải ngân còn chậm, nhất là các dự án sử dụng vốn ODA.... Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt để khắc phục trong thời gian tới.
Mạnh tay cắt bỏ dự án không hiệu quả
Đại biểu Vũ Anh Tuấn (tỉnh Phú Thọ) cho rằng trong Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn có tình trạng đọng vốn, triển khai dự án chậm dẫn đến đầu tư không hiệu quả. Bên cạnh đó, có 12 dự án Chính phủ xin ý kiến Quốc hội cho phép kéo dài sang giai đoạn 2021-2025, thực chất là chuyển bội chi từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau.
Theo ông Tuấn, thường đây vẫn được gọi là 12 dự án thua lỗ của ngành công thương nhưng đến nay đây không chỉ là dự án của ngành công thương nữa mà là dự án Quốc gia. Qua đây, cần thấy rằng phải hạn chế đầu tư dàn trải, xác định đâu là những dự án trọng điểm Quốc gia để dành nguồn lực cụ thể cho những dự án đó. Từ đó, Quốc hội mới có thể nhìn được rõ kinh phí, nguồn lực cho dự án là bao nhiêu.
“Khi làm kế hoạch, địa phương nào, ngành nào cũng muốn được bố trí vốn nhưng số dự án được duyệt thì có hạn. Bởi vậy Quốc hội cần cân nhắc xem dự án có thực sự phục vụ mục tiêu phát triển không,” ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho biết có những công trình kéo dài nhiều năm do vướng giải phóng mặt bằng, thủ tục, có công trình khởi công rồi nhưng không hoàn thiện, dẫn đến viêc khi được bố trí vốn thì phần làm trước đó đã hỏng rồi, lại phải thêm kinh phí sửa chữa cho đồng bộ với phần làm sau. Do đó, cần bố trí vốn tập trung, thi công dứt điểm, nhanh chong đưa công trình vào sử dụng đồng thời cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng, tiến độ công trình và việc thực hiện tổ chức sử dụng nguồn vốn.
Cùng chung quan điểm này, ông Đôn Tuấn Phong (đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) ủng hộ quyết định đầu tư công cần có lựa chọn, có trọng tâm, tránh trường hợp dàn trải, đầu tư nhỏ giọt. Bởi khi tiến độ giải ngân rất chậm, ngân sách có sẵn không đầu tư đã là lãng phí. Nhưng cả vốn vay vẫn giải ngân chậm thì lại càng lãng phí hơn. Tiến độ giải ngân cần thúc đẩy quyết liệt.
Đại biểu Đôn Tuấn Phong nói: “Với các đại dự án thua lỗ, kéo dài thì Chính phủ cần giải quyết rốt ráo. Dự án nào có thể đầu tư thêm thì tập trung rót vốn để nhanh chóng hoàn thành nhưng dự án nào thực sự không thể vận hành được thì ‘đau cũng phải cắt’ nếu không tình trạng thua lỗ kéo dài, sẽ càng xót xa hơn.”
Còn ông Phạm Đại Dương, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho rằng, đầu tư công cần lựa chọn thận trọng, chọn những dự án hiệu quả. Ưu tiên đầu tư những khu vực đang có động lực tăng trưởng, có khả năng di dời, đầu tư nhanh, tạo ra lợi nhuận tái đầu tư cho các dự án khác. Đầu tư dàn trải sẽ tạo nên gánh nặng cho ngân sách, cho xã hội.
Ông Dương nói: “12 dự án ngàn tỉ ‘đắp chiếu’ là minh chứng rõ nhất cho việc đầu tư nóng vội, đầu tư dàn trải, không sát với nhu cầu thực tế, không hiệu quả, cần dứt khoát thu hồi vốn, có kế hoạch sử dụng nguồn vốn này hợp lý hơn.”
Còn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đại biểu đoàn Thanh Hóa, đồng tình cho rằng quá nhiều công trình lớn dang dở trong nhiều năm là sự lãng phí rất lớn trong khi đó nhiều dự án cần vốn thì lại không được đầu tư.