Giảm 'cơn đau' Covid-19 cho kinh tế ĐBSCL: Cần chính sách ưu tiên cho lưu thông
Trung Chánh
(KTSG Online) – Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vốn có thế mạnh về sản xuất, chế biến và xuất khẩu các mặt hàng nông, thuỷ sản, khi bị đại dịch Covid-19 “tấn công”, đã gánh chịu những tác động khá nặng nề về mặt kinh tế. Do đó, việc có một chính sách phù hợp trong bối cảnh “bình thường mới” như hiện nay là cần thiết.
Cần một chính sách thông thoáng, đồng bộ cho vận chuyển hàng hoá. Trong ảnh là hoạt động vận chuyển hàng hoá bằng đường thuỷ trên tuyến kênh Chợ Gạo lên TPHCM. Ảnh: Trung Chánh |
Trong khoảng thời gian trước ngày 26-4-2021, ĐBSCL được đánh giá là vùng “an toàn” dịch bệnh khi số địa phương và số ca mắc Covid-19 rất thấp. Tuy nhiên, từ sau ngày 26-4-2021 đến nay, tất cả 13 địa phương ĐBSCL đều xuất hiện ca mắc trong cộng đồng và tốc độ lây lan ở mỗi địa phương cũng khá nhanh, trong đó, có nhiều tỉnh đã vượt con số 1.000 ca.
Theo đó, ở tỉnh Tiền Giang, ngày 5-6-2021 chỉ mới ghi nhận ca mắc đầu tiên, thì đến ngày 22-7 con số được ghi nhận đã là 1.001 ca; tại tỉnh Đồng Tháp, đến ngày 22-7, con số được ghi nhận cũng lên đến 1.548 ca. Trong khi đó, đến ngày 20-7, tỉnh Long An đã ghi nhận 870 ca mắc covid-19, đó là chưa kể hơn 1.430 ca chưa được cấp mã số, tính đến thời điểm lúc bây giờ. Nhiều địa phương khác trong vùng như: Hậu Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ…., cũng liên tục có số ca mắc Covid-19 tăng nhanh.
Trong khi đó, ĐBSCL là vùng giữ vai trò cực kỳ quan trọng của cả nước, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, mà còn góp phần mang về một lượng ngoại tệ đáng kể từ hoạt động xuất khẩu nông, thuỷ sản mang lại.
Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ và Đại học Fulbright thực hiện cho thấy, đóng góp của ĐBSCL vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia trong 20 năm gần đây luôn duy trì ở mức trên dưới 18%. Đặc biệt, vùng ĐBSCL có đóng góp 90% lượng gạo, 65% sản lượng thuỷ sản và 70% sản lượng trái cây xuất khẩu của cả nước, góp phần tạo thặng dư thương mại nông, lâm, thuỷ sản trong cả năm 2020 lên đến 10,16 tỉ đô la Mỹ.
Ngoài ra, khu vực ĐBSCL hàng ngày còn cung cấp một lượng hàng hoá nông, thuỷ sản vô cung quan trọng cho miền Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung. Đó là chưa kể đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động làm việc tại các nhà máy chế biến nông, thuỷ sản...
Covid-19 sẽ kéo dài sự trì trệ nền kinh tế?
Do giữ vai trò cực kỳ quan trọng như vậy nên khi khu vực ĐBSCL bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19 đã và sẽ gây ra những tác động không hề nhỏ đến tình hình kinh tế cũng như cung ứng hàng hoá cho các vùng lân cận.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV cho biết, sau khi các địa phương trong vùng ĐBSCL có văn bản kiểm soát dịch bệnh bằng việc siết chặt người ra vào tỉnh, đã lập tức khiến phương tiện vận chuyển đường bộ, đường thuỷ bị ảnh hưởng rất lớn. “Điểm bất cập, đó là quy định không đồng bộ giữa các địa phương, tức có nơi đồng ý cho test nhanh, nơi yêu cầu xét nghiệm PCR”, ông Thành cho biết và nói rằng, vấn đề được tháo gỡ khi Trung ương đồng ý cho phương tiện vận chuyển hàng hoá thiết yếu không cần phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2, nhưng cấp thực thi ở cơ sở vẫn chưa hoàn toàn thông suốt.
Theo thừa nhận của ông Thành, tất cả chi phí thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 hay các chi phí phát sinh khác từ quy định phòng, chống dịch, cuối cùng người chịu vẫn là nông dân. “Nếu một chuyến vận chuyển phát sinh thêm 1-2 triệu đồng, thì một là người ta không đi hoặc nếu đi thì cuối cùng nông dân phải chịu vào giá bán, chứ doanh nghiệp đâu ai chịu khoản này”, ông nói.
Ông Trần Văn Phẩm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thuỷ sản Sóc Trăng cho rằng, để phòng, chống dịch Covid-19, chính quyền địa phương yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng phương án “3 tại chỗ”, tức sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ. “Ý tưởng thì tốt, nhưng khi thực thi nó “đẻ” ra quá nhiều vấn đề xã hội”, ông Phẩm nói.
Theo ông Phẩm, do tính kỷ luật của công nhân còn kém nên xảy ra tình trạng ban đêm công nhân vượt rào ra khỏi khu vực quản lý hoặc đặt mua bia rượu bên ngoài vào nhậu. “Nói chung có rất nhiều vấn đề phát sinh, rất phức tạp”, ông nói và cho rằng, cũng có không ít công nhân khi yêu cầu thực hiện “3 tại chỗ”, họ đã quyết định nghĩ việc. “Mình chỉ kêu gọi họ thôi, chứ đâu có quyền nhốt họ được, thành ra họ xin nghỉ, có chỗ còn 20%, có chỗ còn 30%”, ông dẫn chứng.
Ông Phẩm đặt câu hỏi, sau khi dịch tạm lắng xuống, thì khi nào mới gọi đủ số công nhân quay lại làm việc? Và khi bị đứt gãy các đơn hàng, đặc biệt là đối với xuất khẩu, thì khi nào họ mới quay lại nhập khẩu? Liệu họ có quay lại mua của doanh nghiệp tiếp hay không? Trong thời gian chờ đối tác quay lại, doanh nghiệp có chịu nổi không? “Như vậy, chuỗi của mình với thế giới nó sẽ như thế nào?, ông Phẩm nêu câu hỏi và cho rằng, kết quả phải chờ thực tế trả lời, nhưng ông nhận định, khó khăn cho nền kinh tế của vùng là rất lớn.
Trong khi đó, ở khía cạnh trong nước, ông Phẩm cho rằng, nông dân có sản phẩm lại tiêu thụ rất khó khăn hoặc không bán không được. Thực tế, những ngày qua nông dân nuôi bà sữa ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng buộc phải đổ bỏ sữa do ách tắc vận chuyển, không tiêu thụ được.
“Trong tình cảnh đó, người nông dân có tái đàn hay không; người nuôi tôm, cá có thả giống nuôi tiếp hay không?”, ông Phẩm nêu câu hỏi và cho rằng, vốn liếng của người nông dân đã bị “bào mòn” vì dịch bệnh, thì tâm lý của họ sẽ rất thận trọng, co cụm trong sản xuất.
Do đó, theo ông Phẩm, Covid-19 không đơn thuần chỉ tác động trong 10-20 ngày khi xảy ra dịch, mà sẽ lớn hơn rất nhiều, nó làm nền kinh tế của ĐBSCL trì trệ kéo dài. “Với các doanh nghiệp thực phẩm, chế biến, các trang trại chăn nuôi sẽ như thế nào?”, ông nêu câu hỏi và dự đoán, khả năng cần đến một chù kỳ vòng đời sản phẩm mới có thể bắt nhịp bình thường trở lại.
Ông Phẩm cho rằng, đó là chưa kể đến những vấn đề bất ổn xã hội do công nhân nghỉ việc dưới tác động của dịch bệnh. “Áp dụng “3 tại chỗ”, công nhân xin nghỉ việc, mà nghỉ việc thì tiền đâu chi tiêu, như vậy, sẽ như thế nào về mặt xã hội, gia đình trong nhà không có tiền thì khó khăn ngày càng chồng chất”, ông dẫn chứng.
Chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp cho rằng, Covid-19 xảy ra, thì nơi đâu cũng bị tác động, tuy nhiên, trong đợt dịch lần này, có tâm điểm xảy ra tại TPHCM, miền Đông và Tây Nam bộ với khoảng 36 triêu dân, nơi trọng điểm về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ của cả nước, trong đó, riêng TPHCM đóng góp ¼ ngân sách cả nước, cho nên, tác động về mặt kinh tế, xã hội là rất lớn.
“Thông thương” là yếu tố cốt lõi
Từ tầm quan trọng của vùng như nêu ở trên, bên cạnh ưu tiên gói 26.000 tỉ đồng cho miền Đông và Tây Nam bộ, thì ngoài việc ưu tiên cho dập dịch nên có ưu tiên ứng phó, tháo gỡ khó khăn về kinh tế, trong đó, trước mắt là lưu thông hàng hoá phải đặt lên hàng đầu.
Theo ông Hiệp, chính việc tháo gỡ lưu thông hàng hoá sẽ “trợ lực” rất lớn cho việc chống và ngăn dịch. “Bởi, khi tất cả người dân được yêu cầu không ra đường khi không thật sự cần thiết để chống dịch, trong khi họ vẫn cần ăn nên lưu thông hàng hoá tốt sẽ tạo thuận lợi”, ông giải thích.
Trong lưu thông, hàng hoá thiết yếu được ưu tiên, nằm ngay vùng ĐBSCL đó là nông, thuỷ sản. “Như vậy, rõ ràng đã nói ưu tiên hàng hoá thiết yếu, thì chính là vùng ĐBSCL”, ông nhấn mạnh, nhưng cho rằng, đang tồn tại một thực tế trong lưu thông hàng hoá, đó là ở khu vực đô thị, người dân cần nhưng không có, trong khi vùng nguyên liệu, nông sản thừa mứa, không tiêu thụ được.
“Như vậy, khâu quyết định bây giờ là lưu thông để hàng hoá thông suốt và cần phải được ưu tiên trước”, ông Hiệp tái nhấn mạnh và cho rằng, việc này cần phải được đặt trong một quy luật bình thường, tức không thể xoá bỏ vai trò của chợ truyền thống như cách làm hiện nay. “Tất nhiên, việc đặt ưu tiên đảm bảo an toàn phòng dịch lên cao nhất là đúng, nhưng nơi nào đảm bảo vẫn phải duy trì, chứ không thể cấm đồng loạt. Bởi, nó gây tắc nghẽn, tạo áp lực rất lớn đến hệ thống siêu thị, trong khi đây là nơi nguy cơ lây bệnh nhiều khi còn hơn ở bên ngoài”, ông cho biết.
Một điểm cần phải thấy, theo ông Hiệp, đó là trong “cái nguy” cũng tạo ra cơ hội, tức nguy cơ dịch bệnh đã thúc đẩy cơ hội gia tăng xuất khẩu của một số mặt hàng nông, thuỷ sản như: lúa gạo, tôm (năm 2020, tuy đối mặt dịch bệnh, nhưng xuất khẩu tôm vẫn đạt 3,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 11%, trong khi lúa gạo mang về 3,07 tỉ đô la Mỹ, tăng 9,3% so với cùng kỳ- PV). “Tuy nhiên, nếu không khai thác cơ hội sẽ làm cho “cái nguy” tăng lên, tức mỗi địa phương “ngăn sông cấm chợ” sẽ làm mất đi cơ hội gia tăng xuất khẩu, trong khi áp lực suy thoái cho nền kinh tế lại trầm trọng hơn”, ông cho biết.
Theo ông Hiệp, vấn đề là phải tạo thuận lợi cho lưu thông, kể cả trong nội bộ vùng, khu vực lẫn xuất khẩu. "Hiện nay, một số doanh nghiệp có đơn hàng và điều kiện an toàn đảm bảo sản xuất, thì cũng cần ưu tiên để tận dụng cơ hội”, ông cho biết và lưu ý, con tôm Việt Nam có lợi thế rất lớn, bởi đối thủ cạnh tranh Ecuador, Ấn Độ đang rất khó khăn do dịch bệnh.
Mặt khác, ông Hiệp cho rằng, cần sớm chuẩn một kịch bản cho việc phục hồi khi đã khống chế được dịch bệnh. “Ngay từ bây giờ phải tập trung và có một kịch bản cho việc phục hồi, nhất là những ngành đang có lợi thế như: con tôm, lúa gạo”, ông nói.
Trong khi đó, ông Phẩm cho rằng, quan trọng nhất bây giờ là bộ máy nhà nước, bộ phận thực thi phải “tận tâm tận lực” và phải mạnh dạng giải quyết những trường hợp cụ thể nhanh, gọn để đừng bị ách tắc. “Mặt khác, cần phải có giải pháp để làm sao kiểm soát được dịch bệnh càng sớm càng tốt nhằm đưa mọi thứ quay lại nhịp điệu bình thường”, ông nói.