Sau khi Hà Nội thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều người đổ đến các chợ dân sinh mua sắm thực phẩm. Giá thực phẩm tăng nhẹ ở một số mặt hàng.
Giá rau tăng nhẹ
Sáng nay (24.7), ghi nhận của Lao Động tại một số chợ lớn như Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Dịch Vọng, Đồng Xa, Long Biên… thực phẩm tương đối dồi dào, giá thực phẩm thiết yếu tăng nhẹ.
Cụ thể: Giá su hào 20.000 đồng/kg, tăng 3.000 – 5.000 đồng/kg so với ngày bình thường; rau muống 10.000 đồng/mớ, tăng 3.000 đồng/mớ; cải chip 6.000 đồng/mớ, tăng 1.000 đồng; bí xanh có giá 20.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng kg; su hào 30.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg.
"Giá rau xanh tăng là vì nhu cầu mua nhiều, trong khi việc nhập hàng, vận chuyển khá khó khăn khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố. Dù vậy, hàng hóa, thực phẩm tại Hà Nội rất nhiều và đầy đủ, chúng ta chỉ nên mua đủ đồ dùng trong ngày", chị Lan – tiểu thương chợ Nghĩa Tân cho biết.
Đối với mặt hàng thịt lợn, tại các chợ truyền thống, giá cũng tăng nhẹ. Một số tiểu thương chợ Cầu Giấy bán 160.000 đồng/kg thịt lợn ba chỉ. Chợ Đồng Xa chứng kiến giá thịt lợn tăng tương tự, dao động 150.000-160.000 đồng/kg, xương sườn 150.000 đồng/kg...
Lý giải về mức tăng giá thịt lợn, bà Đàm Thị Nga – tiểu thương chợ Cầu Giấy cho hay, quá trình vận chuyển thịt lợn vào Hà Nội và phân phát cho các chợ dân sinh gặp khó khăn, khiến giá bị đẩy lên cao hơn so với ngày thường”.
Mặt hàng trứng gia cầm thì tăng đột biến. Ghi nhận của Lao Động ngày 24.7, tại một số chợ dân sinh và siêu thị lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội, giá trứng gà có xu hướng tăng.
Tại siêu thị Big C Garden (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội), giá trứng gà ta ở mức 48.500 đồng một chục, tăng hơn 3.000 đồng so với tuần trước. Tương tự, trứng gà công nghiệp dao động từ 30.000-35.000 đồng một chục, tăng 5.000 đồng, trứng vịt 35.000-38.000 đồng một chục, tăng 5.000-8.000 đồng.
Đáng chú ý, tại siêu thị này, gian hàng bán trứng gia cầm còn treo thông báo “do số lượng có hạn, mỗi ngày khách hàng chỉ được mua 3 vỉ trứng các loại/khách hàng/ngày”.
Trứng gia cầm không chỉ tăng giá ở siêu thị, ở các chợ dân sinh, giá trứng gà ta cũng tăng từ 3.000 đồng – 5.000 đồng mỗi chục.
Theo giải thích của các tiểu thương tại một chợ Nghĩa Tân và Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), họ phải tăng giá bán lẻ do giá nhập trứng từ chợ đầu mối cao hơn. So với đầu tháng, nguồn cung trứng cũng ít hơn nên các tiểu thương cho biết không nhập được nhiều hàng.
“Gần tháng nay, lượng trứng thu mua ở các trại giảm mạnh. Trong khi nhu cầu trứng của thị trường tăng cao nhất là trong bối cảnh nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội, người dân mua nhiều trứng vì là thực phẩm dễ sử dụng, để dành được lâu”, bà Nguyệt, tiểu thương bán trứng tại chợ Nghĩa Tân chia sẻ.
Trong sáng ngày 24.7, một số chợ cóc, chợ tạm đã được yêu cầu dừng hoạt động. Mặc cho biển cấm họp chợ xuất hiện cùng lời vận động của chính quyền địa phương, các tiểu thương và người dân vẫn tụ tập đông đúc tại các quầy hàng, không đảm bảo yêu cầu giãn cách phòng chống dịch. Vào giờ trưa, tại một số chợ cóc, cán bộ phường đã nhắc nhở người dân dọn hàng, đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Trong bất kỳ tình huống nào, hàng hóa vẫn đáp ứng đủ
Khi Hà Nội thực hiện việc giãn cách xã hội, Sở Công Thương TP Hà Nội đã thông báo về việc đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, hiện các doanh nghiệp đã tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng 30-50%, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường, với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỉ đồng.
Các doanh nghiệp cũng chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỉ đồng, bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.
Sở Công Thương TP Hà Nội khẳng định trong bất kỳ tình huống nào, hàng hóa cũng đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân, kể cả khi nhu cầu mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng, phân bổ lượng hàng hóa đầy đủ trong hệ thống.
Do đó, Sở Công Thương TP Hà Nội khuyến cáo người dân yên tâm, không dự trữ hàng hóa, không tập trung đến các hệ thống phân phối, tránh lây nhiễm dịch bệnh.