Theo nguồn tin thân cận tiết lộ với Bloomberg, Trung Quốc đang cân nhắc việc yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ gia sư chuyển sang hoạt động phi lợi nhuận. Đây là một động thái có thể "tàn phá" ngành công nghệ giáo dục trị giá 100 tỷ USD của quốc gia này.
Theo các quy tắc đang được xem xét, các công ty cung cấp dịch vụ gia sư của Trung Quốc sẽ không còn được phép huy động vốn hoặc niêm yết. Trong khi đó, các công ty đã niêm yết có thể sẽ không còn được phép đầu tư vào, hoặc thâu tóm các công ty gia sư theo môn. Hoạt động gọi vốn ngoại cũng bị cấm thực hiện ở lĩnh vực này.
Nguồn tin cho biết, các nhà quản lý địa phương sẽ ngừng phê duyệt các công ty cung cấp dịch vụ dạy kèm ngoài giờ học trên trường và yêu cầu giám sát gắt gao hơn đối với các nền tảng trực tuyến hiện có. Ngoài ra, việc học thêm vào kỳ nghỉ và cuối tuần đối với các môn học đã có trên trường cũng bị cấm. Song, các quy định này cũng có thể sẽ thay đổi vì hiện chưa được chính thức ban hành.
Ở phiên giao dịch ngày 23/7 tại Hồng Kông, cổ phiếu một loạt nền tảng gia sư trực tuyến đã lao dốc. New Oriental Education & Technology Group rơi 41%, Koolearn Technology Holding Ltd. giảm 28%. TAL Education, Gaotu Techedu và New Oriental Education niêm yết tại Mỹ mất 26 tỷ USD vốn hoá.
Cổ phiếu của các công ty cung cấp dịch vụ gia sư lao dốc mạnh.
Các quy định mới được ban hành bởi một bộ phận chuyên trách mới được thành lập vào tháng trước để điều chỉnh ngành này, theo đó có thể "dập tắt" đà tăng trưởng đang nở rộ của các công ty vốn được thị trường chứng khoán Mỹ ưa chuộng. Cuộc trấn áp này cũng tương tự với động thái gắt gao nhằm kiểm soát các công ty công nghệ như từ Didi cho đến Alibaba.
Wu Yuefeng - nhà quản lý quỹ tại Funding Capital Management (Beijing) Co., cho biết: "Việc yêu cầu lĩnh vực này hoạt động không lợi nhuận không khác gì xóa sổ cả ngành này. Các quy định về tài chính được đưa ra là một yếu tố gây bất ngờ lớn, cho thấy rằng ngành này là một thách thức không hề nhỏ đối với các nhà chức trách. Trong ngắn hạn, sẽ có rất nhiều tin xấu đối với lĩnh vực này."
Thời gian gần đây, Bắc Kinh đang nỗ lực kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực gia sư trực tuyến, khi việc học thêm quá nhiều gây áp lực lớn cho học sinh nhỏ tuổi và tạo gánh nặng chi phí cho các phụ huynh. Ngoài ra, đây cũng là một trở ngại đối với một trong những ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là tăng tỷ lệ sinh. Tháng trước, Trung Quốc cho biết họ sẽ cho phép các cặp vợ chồng sinh 3 con và đưa ra một loạt các biện pháp hỗ trợ để khuyến khích.
Theo Justin Tang - trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại United First Partners, nhận định việc yêu cầu lĩnh vực này hoạt động phi lợi nhuận sẽ khiến "các thực thể đã niêm yết trở nên vô nghĩa". Ông cho biết: "Nhà đầu tư đang tháo chạy trước và sau đó mới đặt câu hỏi. Bắc Kinh thực hiện việc này là để giảm chi phí giáo dục và khuyến khích người dân nuôi dạy con."
Tại Trung Quốc, ngành công nghệ giáo dục đã trở thành một trong những lĩnh vực đầu tư "hot" nhất trong những năm gần đây, khi đón nhận 10 tỷ USD khoản đầu tư mạo hiểm chỉ trong năm ngoái. Alibaba và Tencent đều gia nhập "đấu trường" này, tìm cách tận dụng mong muốn con có lợi thế trong học tập của các bậc phụ huynh.
Bắc Kinh đang mạnh tay hơn đối với các công ty hoạt động vì lợi nhuận do gây căng thẳng cho trẻ em, trong khi lại giúp nhà đầu tư và nhà sáng lập trở nên giàu có. Tháng 5, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chủ trì một cuộc họp và thông qua một bộ quy tắc mới nhằm giảm bớt gánh nặng về bài tập về nhà và việc học thêm cho học sinh tiểu học, trung học.
Tháng trước, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã thành lập một bộ phận chuyên trách để giám sát tất cả các nên tảng giáo dục tư nhân, đưa ra rất nhiều yêu cầu hạn chế, bao gồm giới hạn về mức học phí và thời gian học thêm. Do đó, một số các startup đình đám của lĩnh vực này, bao gồm Yuanfudao được định giá 15,5 tỷ USD, có khả năng phải tạm dừng kế hoạch IPO.
Tham khảo Bloomberg