Sức hấp dẫn của thị trường xe điện tại Trung Quốc
Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, như Nio, XPeng và Li Auto, chiếm được sự chú ý của giới đầu tư chứng khoán toàn cầu trong suốt 3 năm qua, một phần nhờ các đợt IPO thành công rực rỡ tại Mỹ. Giá cổ phiếu của các công ty này đều gấp đôi kể từ khi niêm yết nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường ôtô Trung Quốc. Đà tăng đó đã tạo ra những tỷ phú mới, làm giàu cho các nhà đầu tư mạo hiểm cũng như thương nhân bán lẻ, đồng thời nhấn mạnh sự thay đổi trong cán cân quyền lực và công nghệ của ngành công nghiệp ôtô toàn cầu.
Một trong những cái tên đáng chú ý gần đây là BYD, nhà cung cấp xe điện lớn nhất Trung Quốc. Giống như những tay chơi mới trên thị trường xe điện, giá cổ phiếu của công ty này tăng vọt 174% trong năm qua ở Hong Kong (Trung Quốc). Tuy nhiên, điểm khác biệt của BYD, công ty xe điện được huyền thoại đầu tư Warren Buffett hậu thuẫn, là họ có gốc rễ sâu hơn trong ngành ôtô và kiếm ra tiền.
Lợi nhuận ròng của BYD gấp hơn 2 lần so với năm trước đó lên 660 triệu USD trong năm 2020, với doanh số bán hàng tăng hơn 1/5 lên 25 tỷ USD. Vốn hóa thị trường của BYD hiện là 91 tỷ USD, vượt cả GM (80 tỷ USD) và Ford (54 tỷ USD). Hiệu quả về tài chính và cổ phiếu của công ty này cũng đã đưa nhà sáng lập kiêm chủ tịch Wang Chuanfu trở thành tỷ phú và đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng "Những CEO xuất sắc nhất Trung Quốc năm 2021" của Forbes.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, được dự báo trở thành thị trường trung tâm của xe điện trong tương lai. Hiện đây là thị trường ôtô lớn nhất thế giới, chiếm gần 1/3 sản lượng xe có động cơ của toàn thế giới trong năm ngoái, tăng từ mức 13% của năm 2008, theo Statista. Trung Quốc cũng là quốc gia đi đầu về doanh số bán xe điện. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh số bán xe điện toàn cầu tăng 40% trong năm 2020 lên 3 triệu chiếc trong khi doanh số bán ôtô nói chung lại giảm 15% do tác động của đại dịch Covid-19. Năm nay, doanh số bán ôtô sẽ giảm xuống 69,8 triệu chiếc, từ mức đỉnh 80 triệu chiếc được ghi nhận vào năm 2017, Statista dự đoán.
Theo quan điểm của ông Wang - Chủ tịch BYD, xe điện sẽ sớm thống trị thị trường Trung Quốc. Tỷ lệ xe điện trong doanh số bán xe mới tăng từ 6,4% vào tháng 1 lên khoảng 14% vào tháng 6, ông Wang từng trả lời Forbes China. “Ngành công nghiệp xe điện đang thay đổi với tốc độ nhanh hơn tưởng tượng”, ông Wang nói. Ông kỳ vọng doanh số bán xe điện sẽ chiếm 70% thị trường ôtô của Trung Quốc vào năm 2030.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, được dự báo trở thành thị trường trung tâm của xe điện trong tương lai. Ảnh: Bloomberg.
Với tốc độ tăng trưởng nhanh và thị phần khổng lồ trên toàn cầu, ngành công nghiệp xe điện đang thu hút không chỉ những người chơi mới mà còn cả các đối tác tiềm năng của lĩnh vực ôtô như hãng viễn thông Huawei, tập đoàn công nghệ Baidu, nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi, hãng sản xuất TV Skyworth và tập đoàn bất động sản Evergrande.
Điều này chỉ xảy ra tại Trung Quốc, nơi mà nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực internet coi ôtô là một thiết bị thông minh giống như điện thoại thông minh. Bill Russo, người sáng lập của công ty tư vấn về ôtô Automobility, nói: “Nhiều công ty ôtô mới nổi sẽ không tồn tại được, nhưng một số sẽ làm được. Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của làn sóng cạnh tranh tiếp theo. Và những người tồn tại được có thể sẽ là ‘Apple’ tiếp theo của thế giới”.
Wang, cậu bé mồ côi được sinh ra ở một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc, đã đỗ vào đại học và tốt nghiệp ngành công nghệ pin. Sau một thời gian làm phó giám sát của Viện Nghiên cứu kim loại màu Bắc Kinh, ông chịu ảnh hưởng bởi làn sóng khởi nghiệp lan khắp Trung Quốc trong những năm 1990. Sau khi viện nghiên cứu của ông thành lập một công ty ở Thâm Quyến, Wang cũng xây dựng BYD cùng với anh họ của mình với ngành nghề kinh doanh là pin sạc nickel vào năm 1995.
BYD Electronics, một công ty spinoff (công ty mới được thành lập, tách ra từ một tổ chức mẹ và được tổ chức mẹ góp vốn đầu tư, nhân lực và vốn trí tuệ) thành công của BYD, vẫn đang bán pin cho Samsung và các hãng công nghệ khác. Doanh số bán hàng trong quý I năm nay của BYD Electronics đã vượt 3 tỷ USD. BYD bắt đầu kinh doanh ôtô từ năm 2003 với kỳ vọng pin của họ sẽ được sử dụng trong lĩnh vực này. Từ năm 2008, ông Wang bán các mẫu xe điện chở khách hybrid plug-in.
Sau đó, BYD nhận được vốn đầu tư từ Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett. Berkshire đã mua 9,9% cổ phần của BYD với giá 8 đôla Hong Kong một cổ phiếu. Charlie Munger trở thành đại diện của Berkshire tại BYD vào năm 2009. Ông Munger từng lên tiếng ca ngợi tham vọng và những tiến bộ trong công nghệ của BYD, gọi Wang và thành công của hãng xe này khi đó là một phép màu kỳ diệu.
Giá cổ phiếu của BYD chốt cuối tuần trước ở 212,4 đôla Hong Kong, mang lại cho Berkshire mức lợi nhuận gấp 26 lần so với thời điểm mới đầu tư. Nhờ các mẫu mới ra mắt trong năm nay, BYD bán được gần 41.000 chiếc xe điện chỉ trong tháng 6, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái và là mức doanh số hàng tháng cao kỷ lục.
Trong 6 tháng đầu năm nay, BYD bán được 154.579 xe điện mới, tăng 154% so với cùng kỳ năm ngoái. BYD hiện sở hữu dòng xe điện gồm xe bus, taxi, xe khách và ôtô cá nhân cũng như các phương tiện phục vụ cho ngành logistics, xây dựng và vệ sinh. Đến nay, BYD cung cấp xe điện cho hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả Mỹ, với doanh số bán hàng ở thị trường nước ngoài năm 2020 chiếm 39% bất chấp đại dịch Covid-19. Sự thành công của BYD đã tạo ra ít nhất 3 tỷ phú, gồm ông Wang (21,3 tỷ USD), Phó chủ tịch Lv Xiangyang (12 tỷ USD) và Xia Zuo-Quan (3,9 tỷ USD).
Chiến lược dẫn đến thành công của BYD
Nâng cao khả năng cạnh tranh của BYD là chiến lược mà ông Wang, 55 tuổi, xây dựng cho dòng xe điện của mình, trong đó tập trung vào các công nghệ cốt lõi để sản xuất xe điện bao gồm pin, động cơ điện, hệ thống điều khiển điện tử và chất bán dẫn dùng cho ôtô. Công ty bán dẫn của BYD, Spinoff BYD Semiconductors, đặt mục tiêu niêm yết tại Trung Quốc trong năm nay. Tuy nhiên, pin có lẽ mới là mảng quan trọng đối với Wang, bởi với chuyên môn lâu năm trong ngành sản xuất pin, BYD tự đưa mình lên vị thế là người bán pin cho các hãng sản xuất ôtô khác, bên cạnh tự cung cấp cho chính mình.
Việc Tesla bắt đầu sản xuất hàng loạt tại nhà máy mới ở Trung Quốc vào năm 2019 lại có lợi cho BYD bởi hãng xe của tỷ phú Elon Musk đã giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng Trung Quốc về sự hấp dẫn của việc sở hữu xe điện. “Tesla đang giáo dục người tiêu dùng”, Nick Lai, giám đốc nghiên cứu thị trường ôtô châu Á ở JPMorgan, từng nói với Phòng Thương mại Mỹ. BYD của ông Wang đang thu hút khách hàng bằng các mẫu sedan mới nhằm mở rộng hoạt động trên fleet market (một hội chợ dành riêng cho đại diện của các công ty là những bên có nhu cầu mua ôtô thực tế hoặc tiềm năng với số lượng mua từ một cho tới hàng trăm chiếc xe) ngoài thế mạnh dài hạn của mình là ôtô điện. Ông cho ra đời những chiếc sedan được đặt tên theo các triều đại Trung Quốc như Đường và Hán.
Nhà sáng lập kiêm chủ tịch của BYD, Wang Chuanfu. Ảnh: BYD. |
Đây rõ ràng là một cách tiếp cận thành công. “Bạn bắt đầu là một công ty sản xuất pin. Rồi bạn là người đi đầu về xe điện. Bạn chuyển sang sản xuất các phương tiện giao thông khác. Bạn vẫn sản xuất pin như thời kỳ đầu. Bạn bắt đầu tham gia fleet market. Bạn đợi người dẫn đầu thế giới Tesla đến và mở đường vào phân khúc bán lẻ, rồi bạn nhanh chóng theo đuổi các sản phẩm định hướng vào thị trường bán lẻ, chia chúng thành các thiết kế theo mỗi mục đích. Và cuối cùng, bạn thu về giá trị từ chuỗi cung ứng pin mà bạn đã xây dựng ngay từ đầu. Bạn luôn theo đúng cốt lõi của mình và mở rộng hoạt động kinh doanh khi các cơ hội xuất hiện. Đó là một chiến thuật rất thông minh", ông Russo nói.
Cùng lúc với việc mở rộng các dòng sản phẩm tại thị trường quê hương, BYD cũng đang tìm cách tăng doanh số bán xe điện chở khách ở thị trường nước ngoài. Tháng 5, hãng xe này từng tuyên bố rằng 1.500 chiếc xe điện Đường sẽ được chuyển đến Na Uy trong năm nay. 3 tháng trước đó, BYD cũng ký thỏa thuận với công ty Nexport của Australia để cung cấp xe điện chở khách cho họ. BYD cũng tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường xe bus điện toàn cầu khi giao 43 chiếc tới Phần Lan vào tháng 6. Tại Mỹ, nhà máy sản xuất xe bus điện ở California cũng đang có khoảng 800 công nhân.
Sự dẫn đầu của BYD trên thị trường xe điện cho thấy các công ty Trung Quốc sẵn sàng chuyển hướng tới những nơi có cơ hội. Xe điện có thể thành công ở Trung Quốc là nhờ những doanh nhân nhanh nhẹn, những người có khả năng thích ứng nhanh chóng và biết nhắm mục tiêu vào thế hệ trẻ Trung Quốc vốn là một trong những nhóm đối tượng sẵn sàng trải nghiệm các sản phẩm mới nhất. Trong khi đó, các hãng sản xuất ôtô nước ngoài lại hoàn toàn không biết điều này.
Chi phí sản xuất của BYD nhìn chung thấp hơn các đối thủ nhờ thế mạnh là linh kiện được sản xuất bởi chính họ, Russo cho hay. Wang vẫn sẽ cần lợi thế này vì ông đang phải chịu áp lực về giá khi các nhà sản xuất trong nước trình làng ngày càng nhiều mẫu xe điện mới. Một nhà đầu tư ban đầu vừa giảm cổ phần tại BYD trong tháng này: Himalaya Capital Management, mà nhà sáng lập của quỹ này Li Lu chính là người đã giới thiệu ông Munger với BYD, giảm cổ phần từ 6,35% xuống 6%.
Tuy nhiên, ông Wang có một lợi thế khác mà các đối thủ mới nổi tại Trung Quốc không có, đó là kinh nghiệm lâu năm. “Thị trường giống như một chiến trường và cạnh tranh là một cuộc chiến. Các vị tướng đóng một vai trò quan trọng và các doanh nhân phải đóng vai trò dẫn dắt”, ông Wang từng chia sẻ về vai trò của người lãnh đạo trong thị trường xe điện đầy khốc liệt.
Tất nhiên, để thành công vẫn cần những yêu cầu khác mà như ông Wang nói là tinh thần dám đi tiên phong trong đổi mới, kiên trì và không bao giờ đầu hàng cũng như sự đáng tin là một phần không thể thiếu trong khởi nghiệp. “Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là các doanh nhân nên tập trung vào những gì họ đang làm, và trong vai trò lãnh đạo, họ phải làm nhiều hơn và nói ít lại”.
Ông Wang nói: “Một công ty thành công phải nắm bắt được đầy đủ các công nghệ quan trọng, thực hiện các chiến lược chính xác và có cơ chế để ra quyết định nhanh chóng. Nếu định hướng chiến lược sai lầm, bạn có thể lãng phí 5 năm mà không ai có thể mua thời gian”.