Nhiều đề nghị cụ thể được Quốc hội nêu ra về phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới
Vân Ly
(KTSG Online) - Ngày 25-7, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận tại hội trường Quốc hội, như đề nghị Chính phủ ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), rà soát sức chịu đựng của doanh nghiệp để có biện pháp căn cơ...
Bà Nguyễn Thị Kim Bé (đại biểu đoàn Kiên Giang) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quốc hội |
Sáng 25-7, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Nhất trí về kế hoạch phát triển thời gian tới, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) đề nghị Chính phủ cần linh hoạt, có những giải pháp phù hợp với từng thời điểm phát triển cũng như chú trọng đến những lĩnh vực cần ưu tiên phát triển, như công nghệ thông tin để làm nền tảng đẩy mạnh phát triển kinh tế số.
Đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, bà Bé đề nghị Chính phủ quan tâm ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông khu vực này để khai thác mạnh mẽ tiềm năng to lớn của vùng. Bà cho hay trong kế hoạch phát triển thời gian tới, chưa có dự án xây dựng cao tốc Kiên Giang - Hà Tiên - Rạch Giá. Do đó bà đề nghị cần đưa dự án này vào kế hoạch, trước mắt có thể là đoạn Hà Tiên - Rạch Giá để kết nối với cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đề nghị thời gian tới Chính phủ nên triển khai phần mềm liên thông để kịp thời hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, cũng cần rà soát sức chống chịu của doanh nghiệp để có biện pháp căn cơ trong thời gian sắp tới.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng những nội dung mà Chính phủ trình là khả thi, phù hợp, cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay. Tuy nhiên, Chính phủ cần có những hoạt động kiểm soát chặt chẽ trong quá trình triển khai các chính sách phòng chống dịch, tránh tình trạng bị trục lợi trong thực hiện chính sách.
Bà Mai đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường hơn nữa việc thúc đẩy giải ngân gói 26.000 tỉ đồng để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên tinh thần công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng pháp luật…
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cũng cho biết, từ cuối tháng 4 đến nay, người dân và doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19. Do đó ông Giang cho rằng kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh là yếu tố quan trọng và là mục tiêu lớn trong thời gian tới. Ông cho rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần có những biện pháp mạnh hơn nữa. Việc Quốc hội giao cho Chính phủ được áp dụng những biện pháp chưa có luật là rất cần thiết.
Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho rằng phát triển đô thị và và kinh tế đô thị đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước cũng như của các địa phương. Nhiều điểm sáng, kết quả tích cực về phát triển đô thị đã được thể hiện trong các báo cáo về kinh tế-xã hội; các chỉ tiêu về đô thị hóa cũng đã được đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, ông Khải cũng chỉ ra hàng loạt tồn tại, bất cập cần quan tâm khắc phục trong phát triển đô thị. Trong đó nổi lên là sự phát triển không đồng bộ giữa không gian đô thị và mở rộng đô thị. Số đô thị nhỏ còn nhiều. Hạ tầng đô thị về giao thông, xử lý nước thải còn những bất cập... Đề nghị Chính phủ có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn trong phát triển đô thị và kinh tế đô thị. Phát huy, tận dụng tốt hơn nữa vai trò của đô thị trong đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách, xây dựng thị trường bất động sản minh bạch, để góp phần phát triển bền vững đô thị…