vĐồng tin tức tài chính 365

'Yêu thương gửi đến bà ở xứ sở cách ly'

2021-07-25 12:54

'Yêu thương gửi đến bà ở xứ sở cách ly'

Ngọc Trân

(KTSG) - Đây là một cuốn sách hài hước. Một số tình huống trong thời cách ly quả thật phải làm chúng ta phải phá lên mà cười, nếu không bầu trời của chúng ta sẽ xám xịt; chúng ta sẽ dễ dàng đánh mất phương hướng.

Sách của Virginie Grimaldi, một nhà văn được đánh giá cao, vậy nên rất đáng đọc. Nó cũng đáng đọc đối với những ai muốn khám phá một số tác giả Pháp hiện đại nhằm hiểu rõ hơn tiếng Pháp ngày hôm nay khác với ngày xưa như thế nào. Nhưng phải nói ngay, dưới góc độ văn chương, đây không phải là một cuốn sách thực sự xuất sắc kiểu “Dịch hạch” của Albert Camus mà bản dịch vừa được tái bản ở Việt Nam. Ước gì tác giả thêm một chút kịch tính vào sách. Nhưng dù sao thì...

Cũng cần biết, đây không phải tiểu thuyết, mà là một tập hợp thư tín do Grimaldi viết gửi cho bà mình trong suốt 55 ngày cách ly theo lệnh của chính phủ Pháp, từ ngày 17-3 đến ngày 11-5-2020. Để đối phó với đại dịch Covid-19. Hiện tại, chính quyền TPHCM cũng đang làm điều tương tự.

Chỉ cần hai giờ là có thể đọc hết cuốn sách, nhưng nhẩn nha thì phải mất hai ngày. Nó như làn gió nhẹ đem đến sự an ủi, sẻ chia; khá dễ chịu khi đọc.

Tác giả cho chúng ta biết, qua những bức thư, về cuộc sống hàng ngày với gia đình ở Bordeaux thuộc vùng tây nam nước Pháp, nổi tiếng với loại rượu cùng tên. Trông chúng khá giống những truyện cực ngắn, đơn giản, nhẹ nhàng, vừa hài hước vừa cảm động, cho dù đôi khi tác giả có phóng đại một chút bằng trí tưởng tượng. Đó là chưa kể đến những bức tranh nhỏ xinh và cách trình bày sách rất dễ thương.

Có lẽ chúng ta không nên quên sự thật rằng sự hài hước thường phản ánh một tầm nhìn, một quan niệm sống, bất chấp hoàn cảnh, bất chấp lo lắng, bất chấp nỗi sợ hãi, bất chấp điều chưa biết về tương lai. Bất chấp mọi thứ...

Bởi vì không phải mọi thứ trong cuộc đời đều suôn sẻ, như trường hợp cách ly hiện nay ở TPHCM cho thấy. Dù nói thế nào đi nữa, đó cũng là một trải nghiệm đau đớn, có thể đẩy một số người vào chỗ trầm cảm.

Đây quả là lúc cũng nên cất tiếng cười. Bởi cơn mưa dù tầm tã cỡ nào, cuối cùng sẽ phải qua đi, trời sẽ quang trở lại. Nhưng cũng phải cất tiếng khóc, khóc cho những người, đôi khi, không thể gặp được cha mẹ già đang sống cô lập trong thời cách ly giống như người bà thân yêu của tác giả Grimaldi. Tuy nhiên, tiểu thuyết gia này luôn hướng tới tương lai, đã viết những dòng đầy yêu thương pha chút hài hước: “Chúng ta sẽ ở khoảng cách xa, chúng ta sẽ ôm nhau bằng mắt, nhưng cuối cùng cũng đều sẽ trong khu vườn của bà, cuối cùng chúng ta cũng lại gặp nhau, kể cho nhau những gì là vui của ngày hôm qua, và nói đến cả ngày mai, tuy bất định nhưng chúng ta vẫn có thể ôm chặt lấy nhau”. (Thư ngày 4-5).

Nhưng chuyện tôi thực sự thích là trong thư ngày 10-4 và ngày 14-4. Trong thư đầu, tác giả nói về việc ăn uống: “Tôi dành một nửa thời gian để nấu ăn và nửa còn lại để tự hỏi tôi sẽ nấu gì cho bữa ăn”. Và thư thứ hai, về việc cắt tóc cho con trai: “... một lý do khác khiến tôi lấy chiếc kéo tròn đầu của mình ra: chấy rận. Không thể nào ngăn cản chúng được. Tôi đã thử kem, dầu, dầu xức các loại, tôi đã chải đi chải lại quá trời trời khiến cho tóc của nó dựng đứng cả lên, nhưng mấy con chấy cứ im lặng mà ở đó, nhởn nhơ chạy qua chạy lại cứ y thể như đang ở nhà mẹ chúng nó vậy”.

Rõ ràng, “mọi nhà văn toàn diện rồi ra đều sẽ thành cây bút hài hước”, như nhà thơ Stéphane Mallarmé từng phát biểu.

Sách của Grimaldi ra mắt bạn đọc vào ngày 28-10-2020, ngày mà việc cách ly lần thứ hai ở Pháp được công bố! (Pháp đã cách ly đến ba lần; gần đây nhất là từ 3 tháng 4 đến 3-5, 2021.) Một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay một chiêu trò tiếp thị? Nhưng, đối với tôi, quả là một sự trùng hợp thực sự: Tôi nhận được sách gửi từ Paris vào ngày 10-7 năm nay, đúng vào ngày thứ hai của việc cách ly hầu như hoàn toàn ở TPHCM, được gọi là “giãn cách xã hội theo chỉ thị 16”.

Rõ là, cách ly một phần hay toàn bộ, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn ... Virus đã xuất hiện trên trái đất trước khi chúng ta chào đời; chúng sẽ luôn hiện hữu ở đây sau khi chúng ta lìa khỏi cõi trần.

Vì vậy, hãy cứ bơ đi mà sống...

Vài dòng về tác giả

Virginie Grimaldi là tiểu thuyết gia người Pháp sinh năm 1977. Nhờ những nhân vật quyến rũ và lối viết tinh tế, tiểu thuyết của bà đã lôi cuốn tâm trí của hàng triệu độc giả và từng được dịch ra hơn 20 thứ tiếng (nhưng chưa có tiếng Việt).

Bà là tác giả của những tiểu thuyết bán chạy như: Ngày đầu tiên trong phần đời còn lại của tôi - Le Premier Jour du reste de ma vie (NXB City, 2015; Le Livre de Poche, 2016); Bạn sẽ hiểu khi nào bạn lớn hơn - Tu comprendras quand tu seras plus grande (Fayard , 2016; Le Livre de Poche, 2017); Hương hạnh phúc luôn nồng hơn dưới cơn mưa - Le Parfum du bonheur est plus fort sous la pluie (Fayard, 2017; Le Livre de Poche, 2018); Đã đến lúc phải nhóm lên những vì sao rồi đó nghe - Il est grand temps de rallumer les étoiles (Fayard, 2018; Le Livre de Poche, 2019); Khi ký ức của chúng ta nhảy múa - Quand nos souvenirs viendront danser (Fayard, 2019; Le Livre de Poche, 2020); Và ước sao chỉ những khoảnh khắc ngọt ngào mới được kéo dài - Et que ne durent que les moments doux (Fayard, 2020; Le Livre de Poche, 2021).

Năm 2020, Grimaldi đứng hàng thứ hai trong số 10 tiểu thuyết gia Pháp có sách bán chạy nhất toàn nước Pháp, trên bảng xếp hạng của Figaro/GfK.

 

Xem thêm: lmth.yl-hcac-os-ux-o-ab-ned-iug-gnouht-uey/216813/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“'Yêu thương gửi đến bà ở xứ sở cách ly'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools