19 giờ 30 phút tối ngày 25-7, qua điện thoại, nhà thiết kế Minh Hạnh, vợ nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa, đã chia sẻ với PLO tình trạng sức khoẻ của nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa. “Gia đình đang cùng bác sĩ chờ đến hết đợt thuốc cuối cùng của anh, có lẽ không lâu nữa…”, nhà thiết kế Minh Hạnh nói trong nước mắt.
Và đến 22 giờ 25 phút tối cùng ngày, nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa đã trút hơi thở cuối cùng tại một bệnh viện ở TP.HCM. Tang lễ nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (TP.HCM).
Tuy nhiên, do cả TP đang trong đợt cao điểm giãn cách phòng chống dịch COVID-19, nên những người thương yêu nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa hãy tưởng niệm ông từ xa thay vì đến viếng trực tiếp.
Nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa. Ảnh: Giản Thanh Sơn
Nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa sinh ngày 20-5-1953 tại tỉnh Chợ Lớn. Ông làm việc tại báo Tuổi Trẻ từ năm 1975 đến năm 2015. Ông thuộc thế hệ thanh niên học sinh Sài Gòn trưởng thành trong phong trào đấu tranh đô thị trước 1975.
Sau ngày thống nhất đất nước, nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa thuộc thế hệ làm báo đầu tiên của báo Tuổi Trẻ. Bên cạnh Tuổi Trẻ, ông cũng là tên tuổi cộng tác với nhiều tờ báo trên cả nước, trong đó Pháp Luật TP.HCM cũng là tờ báo gắn nhiều bài báo mang tên Lê Văn Nghĩa. Đặc biệt, nhà văn Lê Văn Nghĩa từng giữ mục Góc nhỏ Sài Gòn trên Pháp luật TP.HCM số chủ nhật một thời gian dài.
Ở Tuổi Trẻ ông gắn bó mật thiết với Tuổi Trẻ Cười qua các bút danh, chuyên mục bình luận hài hước sâu cay: Hai Cù Nèo, Đại Văn Mỗ, Điệp Viên Không Không Thấy, Thằng Hề...
Sau khi tạm gác việc làm báo, ông định danh nhiều hơn ở lãnh địa sách. Tên tuổi Lê Văn Nghĩa gắn với các tập hồi ức, tự truyện, khảo cứu về văn nghệ Sài Gòn một thời như: Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ (2014), Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (2018), Mùa tiểu học cuối cùng (2020); Mùa hè năm Petrus (2012)…
Thời gian sau này, khi lâm bạo bệnh, ông vẫn ra mắt các tập sách: Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ (NXB Trẻ, 2020), Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian (NXB Trẻ, 2018), Văn học Sài Gòn 1954 – 1975 những chuyện bên lề (NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2020).
Nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa gắn với những trang văn về Sài Gòn.
Ảnh: Phong Quang
Những trang văn của nhà văn Lê Văn Nghĩa không chỉ là ký ức, câu chuyện về Sài Gòn, về tuổi học trò mà trong đó là bao điều thầy dạy đến tận hôm nay… “Thầy nói lại, có gạch đít, trường học là nơi dạy học sinh trở thành người có văn hóa. Các em nên nhớ người có tri thức chưa chắc là người có văn hóa nghe chưa...” (Mùa hè năm Petrus)
Nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa trút hơi thở cuối khi Sài Gòn trong những ngày thở thật khó khăn. Nhiều người nghe tin anh đi thật buồn, buồn bởi mất đi một tác giả, và buồn cả cho những tập bản thảo đang dở dang chữ ký của anh: Điệp viên Không Không Thấy và nhà thơ thần giáng, Điệp viên Không Không Thấy và Đại Văn Mỗ. Đây là những tập truyện trào phúng của anh mà NXB Tổng hợp TP.HCM ráo riết làm bản thảo mong in nhanh trước khi anh giã biệt đời sống này.
Thế nhưng không kịp nữa…
Một đời viết lách Một đời gắn liền với nghiệp viết, nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa xuất bản rất nhiều tác phẩm. Tác phẩm sớm nhất là Vượt sóng (1986) - tập truyện ký kể lại những tháng ngày trong nhà tù Côn Đảo, tiếp theo là các tác phẩm: Thằng láu cá (1989), Vua lừa (1990), Ôi bóng đá (1990), Hoa hậu phường Cây Mít (1991), Đám cưới nàng Thanh Mã (1991), Nô tế bồ (1994), Nếu Adam không có xương sườn (tuyển tập truyện vui cười về phụ nữ dưới con mắt của đàn ông xấu / Lê Văn Nghĩa sưu tầm và bình, 2016), Sài Gòn - Dòng sông tuổi thơ (tạp văn 2016), Phá án sex-tour (tiểu phẩm trào phúng, 1995), Nhà mùi học (tiểu phẩm trào phúng, 2000), Bạn đời (truyện ngắn, 2002), Điệp viên 00 thấy (2003), Tùy viên giảm béo (tiểu phẩm trào phúng, 2004), Trùm cá độ (2005), Người bán nụ cười (2006), Ngôi nhà ma (tập truyện ngắn trào phúng, 2009), Tào lao xịt bộp (tuyển tập truyện trào phúng, 2010), Hạt bụi bên nhau (tập truyện rất ngắn và truyện trào phúng, 2010), Chuyện chán phèo (tuyển tập truyện trào phúng, 2011), Nỗi buồn đàn ông (2017)... |