Làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19, với biến chủng mới Delta, đã và đang lây lan rất nhanh, với con số ghi nhận hằng ngày lên đến vài ngàn ca dương tính. Có thể thấy tình hình hiện nay là đã có hiện tượng quá tải cục bộ về y tế, số ca tử vong tăng nhanh, huy động nhân lực, vật lực gặp một số khó khăn. Tình huống đặc biệt này đòi hỏi Quốc hội (QH) phải vào cuộc. Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH.
Quốc hội phản ứng rất kịp thời, phù hợp tình hình
. Phóng viên: QH cuối tuần rồi đã điều chỉnh chương trình làm việc, để Chính phủ (CP) đề xuất với QH đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp về một số biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ông cảm nhận thế nào về diễn biến này?
+ TS Nguyễn Sĩ Dũng: Phản ứng này là rất kịp thời, phù hợp. QH đầu tiên là chế định đại diện cho cử tri cả nước. Chức năng đại diện ấy đòi hỏi việc lên chương trình làm việc của QH phải xác định được vấn đề gì đang đụng chạm nhiều nhất, được cử tri quan tâm nhất.
Đại dịch COVID-19 đang là vấn đề nóng bỏng nhất, đụng chạm hết thảy người dân cả nước. Là cơ quan đại diện, QH không thể không phản ứng trước vấn đề đó.
. Tờ trình của CP gửi QH, ở dòng đầu tiên đề cập tới hai công thư của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói đến yêu cầu tăng cường công tác phòng chống dịch. Có vẻ hai công thư ấy là khởi đầu dẫn tới việc bổ sung vào chương trình nghị sự của QH kỳ họp này?
+ “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại”, hay nói ngắn gọn là nguyên thủ quốc gia.
Là nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước có quyền quan tâm tới mọi vấn đề của đất nước. Chủ tịch nước có thể dẫn dắt tất cả cơ quan trong hệ thống quyền lực nhà nước hướng về một vấn đề nào đó của quốc gia.
Hai công thư của Chủ tịch nước được tờ trình của CP dẫn tới ở ngay dòng đầu tiên như vậy cho thấy những chỉ dấu mới của việc vận hành quyền lực nhà nước, trong mối quan hệ giữa Chủ tịch nước, CP, QH, trong đó Chủ tịch nước giữ vai trò nguyên thủ quốc gia.
Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 ở TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Ba vấn đề pháp lý cần lưu ý
. Hai ngày nghỉ cuối tuần, QH đã nghe CP, Ủy ban Xã hội báo cáo và đã thảo luận đề xuất này. Ông thấy có những vấn đề gì đáng chú ý?
+ Diễn tiến cho thấy QH đang xem xét ủy quyền rất mạnh cho CP để ban hành các giải pháp cần thiết nhằm phòng chống đại dịch COVID-19 đang vào lúc tình hình rất nguy cấp.
Xét về mặt pháp lý, hiến pháp cho phép hạn chế quyền con người, quyền công dân trong bốn trường hợp. Một trong số đó là vì sức khỏe của cộng đồng, hoàn toàn có thể quy chiếu tới tình hình phức tạp hiện tại do đại dịch COVID-19 gây ra. Về nguyên tắc hiến pháp, chỉ QH mới có thẩm quyền ban hành các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân. QH có thể lựa chọn giữa việc ban hành luật hay ra nghị quyết.
Tiến trình đang diễn ra ở nghị trường cho thấy cả CP và Ủy ban Xã hội, cơ quan của QH có thẩm quyền thẩm tra tờ trình của CP, đều theo hướng đề nghị QH ban hành nghị quyết. Theo đó, nghị quyết của QH cho phép CP ban hành các văn bản dưới luật, thậm chí không phải là nghị định, về các biện pháp phòng chống dịch mà có thể hạn chế một số quyền con người, quyền công dân đã được hiến định.
Giải thích hiến pháp về lựa chọn này, theo tôi, có thể giải thích theo hướng QH, bằng nghị quyết của mình, có quyền ủy quyền cho CP…
. Nhưng hiến pháp không có quy định cụ thể nào về ủy quyền?
+ Tôi lưu ý: Hiến pháp hiện hành có trao cho Ủy ban Thường vụ QH quyền giải thích hiến pháp, luật, pháp lệnh.
Bằng việc giải thích hiến pháp, nên khẳng định QH có quyền ủy quyền, đồng thời làm rõ các khía cạnh của ủy quyền. Chẳng hạn, QH có quyền ủy quyền cho CP ban hành văn bản dưới luật có khả năng hạn chế quyền con người, quyền công dân thì ủy quyền đó phải có điều kiện. Đầu tiên là CP phải định kỳ báo cáo QH hoặc Ủy ban Thường vụ QH khi QH không họp. Thứ hai là phải có điều khoản về giới hạn ủy quyền. Chẳng hạn, khi công bố hết dịch thì ủy quyền hết hiệu lực.
. Theo ông, tại sao CP và cả cơ quan thẩm tra của QH không đặt vấn đề QH ban hành luật, sẽ hợp hiến hơn?
+ Về lý thuyết, ban hành một đạo luật như vậy sẽ rất tốt. Thậm chí, luật dự liệu các tình huống tương tự trong tương lai để có thể tái kích hoạt, giúp xử lý các vấn đề của quốc gia. Nhưng có lẽ tại thời điểm này, không còn thời gian để chuẩn bị. Ban hành luật phải tuân thủ các quy trình chặt chẽ của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà quỹ thời gian của kỳ họp QH này không còn…
. Không ban hành được luật thì nghị quyết của QH nên theo hình thức nào?
+ Theo thông tin báo chí thì cả CP và cơ quan thẩm tra của QH đều lựa chọn giải pháp đưa một số quy định mang tính ủy quyền và cắt giảm thủ tục vào nghị quyết chung về kỳ họp thứ nhất, QH khóa XV. Thông thường, QH trước khi kết thúc mỗi kỳ họp đều ban hành một nghị quyết kỳ họp, tổng hợp các nội dung, kết quả của kỳ họp.
. Chương trình kỳ họp vừa được đẩy nhanh lên để có thể bế mạc chậm nhất là ngày 29-7. Vậy Ủy ban Thường vụ QH có kịp ra nghị quyết hướng dẫn hiến pháp, làm cơ sở cho QH ra nghị quyết ủy quyền cho CP?
+ Đây là một thách thức. Ủy ban Thường vụ QH có thẩm quyền giải thích hiến pháp nhưng có vẻ như chưa bao giờ làm điều này. Thành ra thủ tục, quy trình giải thích hiến pháp thế nào có lẽ cũng chưa rõ. Nhưng Ủy ban Thường vụ QH đã từng giải thích luật rồi, vậy thì có thể vận dụng quy trình này vào việc giải thích hiến pháp.
Các đề nghị của Chính phủ là rất cần thiết
. Đi vào nội dung cụ thể trong đề xuất của CP, ông thấy có vấn đề gì đáng chú ý?
+ Về cơ bản, tôi thấy các đề nghị của CP là rất cần thiết. CP cần có cơ sở pháp lý để phản ứng nhanh, từng ngày, từng giờ đối phó với dịch bệnh. Nội dung tờ trình cho thấy CP mong muốn được QH ủy quyền đầy đủ để CP thực sự là cơ quan hành pháp mạnh có thể phản ứng hiệu quả với một đại dịch chưa từng có trong lịch sử.
. Trong tờ trình, CP đề nghị được thực hiện các “biện pháp cần thiết khác”, “ban hành các quy định cần thiết chưa được luật quy định hoặc khác với quy định của luật”… Vậy có rộng, lỏng quá không?
+ Như tôi nói, đây là một ủy quyền rất rộng nhưng không phải là không có giới hạn. Giới hạn ấy nằm ở chữ “cần thiết”, “để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh”…
. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội cho rằng cần quy định thêm là QH giao Ủy ban Thường vụ QH xem xét, cho ý kiến trước khi CP thực hiện các biện pháp ngoài luật…
+ Đấy cũng là một cách. Nhưng giải pháp nào cũng có tính hai mặt.
Dịch dã thế này, Thủ tướng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 họp với các địa phương, được phản ánh tình hình cần giải quyết, mà quyết định được giải pháp luôn thì sẽ kịp thời, hiệu quả hơn là lại phải họp hành, xin ý kiến…
Còn thêm thủ tục xin ý kiến Ủy ban Thường vụ QH thì mặt được là giải pháp của CP sẽ được chuẩn bị kỹ hơn, cẩn thận hơn nhưng quy trình ra quyết định lại mất thêm vài ngày. Mà sự lây lan như chủng Delta này thì chậm một vài ngày là chạy theo hết hơi.
Lựa chọn giải pháp gì có lợi hơn, tôi thiên về hướng đã ủy quyền thì ủy quyền đến nơi đến chốn.
. Xin cám ơn ông.
Bảo vệ sức khỏe cho dân là giữ vững tiền đề để phát triển kinh tế . Liệu có giải pháp nào đó, phương pháp tổ chức thực hiện nào đó để QH phát huy được trách nhiệm của mình, đồng hành cùng CP trong ban hành các giải pháp chống dịch kịp thời, hiệu quả? Chẳng hạn, khi CP họp bàn những giải pháp ngoài luật như vậy thì mời Ủy ban Thường vụ QH sang dự? + Họp chung giữa cơ quan hành pháp với lập pháp, giữa bên thi hành và bên giám sát như vậy thì quy trình quản trị chưa chắc đã tốt hơn. Vì quyết xong, triển khai xong thì còn có trách nhiệm giải trình. Vậy chỉ CP giải trình với QH, hay cả Ủy ban Thường vụ QH? Ủy ban Thường vụ QH ở vị trí lãnh đạo hoạt động của QH thì rõ ràng sẽ xuất hiện tình huống xung đột lợi ích… Tôi cho rằng các thiết chế vận hành độc lập sẽ tốt hơn, rành mạch về trách nhiệm hơn là lẫn vào nhau. . Về nội dung, tờ trình của CP có một điểm riêng nhấn mạnh “đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân…”. Ông có liên tưởng gì về sự điều chỉnh chiến lược mà lâu nay vẫn đặt yêu cầu “mục tiêu kép”? + Đây có vẻ là một sự tái định hướng chiến lược phòng chống dịch. “Mục tiêu kép” là một phép cân đối rất khó khăn giữa chống dịch với phát triển kinh tế. Nay, với dự thảo này sẽ đặt trọng tâm nghiêng sang chống dịch; chấp nhận hy sinh ngắn hạn về kinh tế sang bảo vệ sức khỏe của người dân. Nhưng cũng cần thấy rằng bảo vệ sức khỏe, chăm lo an sinh xã hội… thì về dài hạn cũng là giữ vững các tiền đề cho phát triển kinh tế. |
Ông TRẦN VĂN ĐỘ, đại biểu Quốc hội (QH) khóa XII, XIII, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao:
Quốc hội ban hành nghị quyết là cần thiết
Bốn vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta vẫn có những trao đổi công việc với nhau. Nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên ý kiến bằng văn bản của Chủ tịch nước được đưa vào trong một văn bản pháp lý là tờ trình của Chính phủ (CP) đề xuất QH ban hành chính sách. Đây là một điểm đáng chú ý.
Vị trí của Chủ tịch nước trong tổ chức quyền lực nhà nước hiện tại chưa được rõ lắm. Vậy nên, có những ý kiến cho rằng nên nâng cao hơn nữa vai trò của chế định này trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và ngoại giao.
Còn trong hành lang pháp lý hiện tại, đặt trong tình hình đại dịch COVID-19 đang hoành hành thế này thì Chủ tịch nước có thể thực hiện một thẩm quyền riêng của mình là ra lệnh công bố tình trạng khẩn cấp. Có lẽ các công thư của Chủ tịch nước mà tờ trình của CP đề cập đến là xuất phát từ thẩm quyền ấy.
Nhưng diễn biến nghị trường cho thấy cả CP và cơ quan thẩm tra của QH đã lựa chọn giải pháp không ban bố tình trạng khẩn cấp nhưng cho phép CP áp dụng các biện pháp phòng chống dịch như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp. Chắc là lo ngại tác động bất lợi về kinh tế, ngoại giao nào đó…
Về hình thức, tôi thấy QH ban hành nghị quyết là cần thiết. Tuy nhiên, về nội dung cần chặt chẽ hơn, vừa đáp ứng tính cấp bách của tình trạng như là khẩn cấp, vừa tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp quyền.
Cụ thể, nếu CP thấy cần phải ban hành các quy định cần thiết chưa được luật quy định thì cần thêm quy trình báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ QH xem xét trước khi quyết định. Ủy ban Thường vụ QH gồm 17 thành viên, đều ở Hà Nội, không khó để triệu tập những cuộc họp như vậy, kể cả trong hoàn cảnh dịch bệnh.
Ông NGUYỄN VĂN THUẬN, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH:
Tin tưởng trao thẩm quyền mạnh cho Chính phủ
QH nên thể hiện mạnh mẽ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trước quốc dân đồng bào. Đề xuất của CP cùng tính khẩn cấp, nghiêm trọng của
dịch bệnh xứng đáng để QH có phiên thảo
luận riêng xem xét
trao cho CP thẩm quyền mạnh mẽ hơn trong quyết định áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng chống dịch. QH nên ra một nghị quyết riêng về nội dung này, thay vì lồng ghép vào nghị quyết cuối kỳ họp.
Về băn khoăn của Ủy ban Xã hội trong việc trao cho CP áp dụng các biện pháp
khác, chưa được quy định trong luật, tôi cho rằng đây là tình trạng đặc biệt. Đại dịch này là chưa có tiền lệ và khó có thể dự liệu hết các tình huống cụ thể cũng như các biện pháp, giải pháp cần triển khai.
Tuy nhiên, QH nên thảo luận kỹ, đánh giá, dự báo cho sát tình hình để mà tin tưởng trao quyền cho CP. Chống dịch như chống giặc. Phân công, kiểm soát quyền lực là cần thiết nhưng nên trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau mà làm. QH hãy thể hiện vai trò của mình bằng thảo luận thật kỹ và ra được một nghị quyết rõ ràng, mạch lạc.
Như thông tin báo chí đưa thì CP đề nghị trong nghị quyết của mình, QH quy định CP sẽ báo cáo QH về việc triển khai và kết quả thực hiện các biện pháp trong nghị quyết tại kỳ họp QH gần nhất. Trường hợp có vấn đề phát sinh trong thời gian QH không họp thì CP báo cáo Ủy ban Thường vụ QH để xem xét, quyết định. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban còn giám sát việc thực hiện nghị quyết này…
Quy định như vậy là đủ và cũng phù hợp với thực tiễn trong phối hợp công tác giữa CP, Ủy ban Thường vụ QH. Ngay cả trong điều kiện bình thường, vẫn có lúc CP thấy cần ban hành nghị định quy định những vấn đề mà luật của QH chưa dự liệu, gọi nôm na là nghị định không đầu. Khi đó, CP vẫn chủ động báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ QH mà.